​Chuyện mới và cũ ở Phú Quý

YẾN TRINH 09/02/2015 23:02 GMT+7

Để thích nghi với cuộc sống kể từ khi có điện, Phú Quý đang thay đổi từng ngày. Dù hiện đại hơn, nhưng hòn đảo có diện tích gần 18km2 thuộc tỉnh Bình Thuận này vẫn giữ nguyên bản sắc của nó.

Du khách yêu thích Phú Quý bởi bờ biển đẹp và cuộc sống thanh bình. ảnh Yến Trinh

Từ cảng biển đông đúc ở huyện đảo Phú Quý rẽ vào những thôn xóm, lần đầu tiên đến thăm hòn đảo này chúng tôi bắt gặp hình ảnh tương phản: một phụ nữ đeo gùi, đội chiếc nón vải đang cúi nhặt những lát khoai mì phơi khô bên đường, phía sau là cột điện gió sừng sững xoay nhanh.

Những đổi thay

Con đường Võ Văn Kiệt lớn nhất ở huyện đảo Phú Quý bao gồm cả trung tâm hành chính của huyện. Trên đường, khoảng 4-5 khách sạn, nhà nghỉ được xây dựng khá khang trang. Một số cửa tiệm điện máy, tạp hóa mới mở dọc hai bên đường. 7g sáng, người đi làm, trẻ con đi học... rộn ràng.

Ông Tư Chính, chủ tiệm điện máy TV (xã Tam Thanh), cho biết từ ngày có điện 1-7-2014, ông đã mua thêm máy giặt, tủ lạnh, bếp từ... bán cho người dân trong huyện. Lượng hàng bán ra tăng 30% so với trước đây.

“Người dân trước đây quen nấu cơm bằng bếp củi một phần vì giá gas vận chuyển ra đảo cao, nay có nồi cơm điện tạo sự đổi thay lớn lắm” - ông nói. Chủ một nhà nghỉ trên đường này cũng chia sẻ: “Giá điện rẻ nên chi phí phục vụ du khách cũng đỡ phần nào, cảm giác nhà nghỉ của mình cũng tươm tất hơn”.

Theo báo cáo của UBND huyện Phú Quý, năm 2014 khách du lịch đến đảo đạt 6.500 lượt người, một con số khả quan so với những năm trước.

Trên bờ biển sát nhà hàng - khách sạn Long Vĩ (xã Long Hải), hai du khách Mỹ chuẩn bị lướt ván. Michael Houston, 37 tuổi, cùng vợ là Linda cười sảng khoái: “Từ ba năm nay, mỗi năm chúng tôi đều đến đây du lịch. Chúng tôi rất mê lướt ván. Bờ biển ở đây thật đẹp”.

Vén mớ tóc mái vàng rực, Linda khoe: “Đây này, da tôi sau vài ngày trông thật tuyệt. Ở đây tôi thấy khỏe ra vì không khí trong lành, khác biệt với thời tiết bốn mùa ở Mỹ”.

Những chuyến hàng cập cảng Phú Quý đầu năm 2015 sau những ngày biển động - YẾN TRINH

Cái duyên đến với Phú Quý của vợ chồng này cũng tình cờ: khi Linda xem một bộ phim có nhắc đến Việt Nam, cả hai bắt đầu tìm hiểu rồi quyết định đến Phú Quý du lịch xem sao. Buổi sáng họ thường đi dạo trên đê biển, chụp ảnh ngư dân và cảnh sinh hoạt trong các làng xóm. Buổi chiều, sau khi lướt ván, họ chạy bộ.

“Mỗi lần rời nơi này, chúng tôi thấy rất lưu luyến vì cuộc sống nơi đây quá bình yên. Người dân đối xử với chúng tôi rất tốt dù họ không rành tiếng Anh. Tôi cũng rất thích chiếc gùi mà họ đeo mỗi ngày đi làm rẫy. Làng chài hiền hòa, những mảnh đất trồng rau tươi tốt, món ăn lạ lẫm... luôn có sức cuốn hút đặc biệt” - Michael chia sẻ.

Trong ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Thanh Tú (38 tuổi, thôn Thương Châu, xã Ngũ Phụng), hai đứa con gái đang cặm cụi ngồi học bài. Chị loay hoay giặt giũ, dọn dẹp. Sáng chị dậy từ 4g để chuẩn bị ra chợ bán hàng, trưa về con gái đã cắm nồi cơm, chị chỉ nấu nướng qua loa là mẹ con có bữa ăn. Buổi tối, sau khi cơm nước xong, vợ chồng thường xem tivi trong lúc hai con ngồi học.

“Có điện, giá cả sinh hoạt cũng rẻ hơn đôi chút, tôi mua thêm bếp từ và ấm điện để đun nước khi cần. Vợ chồng cũng đang dành dụm để mua thêm cái tủ lạnh” - chị Tú nói. Cách nhà chị Tú chừng 1km là một khung cảnh sôi động với quán cà phê, quán ăn và đèn đường sáng trưng.

Dĩ nhiên Phú Quý vẫn còn những tồn tại, đường giao thông nhiều nơi còn đang sửa sang, kinh tế hộ dân còn khó khăn, công tác hộ nghèo, giải quyết việc làm... Nhưng sự đổi thay đã nhìn thấy rõ.

Đất cũ đãi người mới

Theo quyển Những chặng đường lịch sử do Đảng bộ huyện Phú Quý biên soạn năm 2007, cư dân trên đảo có gốc là người Chăm, Hoa, Kinh... trong quá trình theo tàu đánh bắt cá đã dạt vào đảo. Ngoài nghề chài lưới, nuôi trồng thủy sản, người dân Phú Quý thường làm rẫy, trồng các loại cây (dừa, xoài, mít...), nuôi heo, bò...

Chừng vài năm nay, người dân có thêm nghề nuôi kỳ nhông, trồng rau trong nhà lưới.

Chị Lê Thị Hồng Cư, 41 tuổi, quê ở Thanh Hóa, theo chồng ra Phú Quý năm 2003. Cưới nhau năm 1991, ba năm sau chồng chị theo bạn bè ra Phú Quý làm công nhân bốc xếp ở cảng. Thấy cuộc sống ngoài này dễ thở, chị đưa hai con gái ra theo. Làm lụng tích cóp, họ cũng mua được căn nhà nhỏ ở thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh.

Con gái lớn của chị giờ là cô giáo ở đảo, con gái thứ hai đang theo học trung cấp trong Sài Gòn. Chồng chị ngày đi bốc xếp, tối đi mổ heo thuê. “Cuộc sống chúng tôi bây giờ so với lúc ở quê tốt hơn nhiều. Tuy xa quê hương nhưng vợ chồng con cái có nhau, các con ngoan ngoãn, tiền bạc dành dụm cũng được chút ít” - chị nói.

Còn gia đình ông Lê Văn Hợi, 53 tuổi, ở Phú Quý 30 năm nay. Từ Quảng Bình, với hai bàn tay trắng, ông Hợi ra đảo sống bằng nghề đi biển. Rồi ông lấy vợ - bà Ngô Thị Xuân - cũng từ Bình Thuận ra đảo. Ông bà có với nhau ba mặt con, ngôi nhà sau nhiều lần cơi nới đã khá rộng rãi.

Ông kể: “Ngày mới ra đảo có khi bữa cơm chỉ có canh chan, biển thương thì được mẻ cá lớn, biển phụ thì vợ chồng ngậm ngùi an ủi nhau. Bòn mãi cũng xây được nhà. Lúc đó đi lại còn là đường đất, vợ chồng phải gánh vật liệu ngoài đường lớn vào”.

Ông Hợi ngồi cạnh vợ, sửa lại mấy con tôm nhựa dùng để câu mực, đôi mắt ánh lên vẻ hài lòng về cuộc sống mà ông bà đã mất nửa đời người để tạo dựng.

Những chuyến hàng cập cảng Phú Quý đầu năm 2015 sau những ngày biển động - YẾN TRINH

Hồn của đảo

Những người mới đến sống ở đảo xem nơi này là quê hương của mình. Ngày mới đến, gia đình chị Cư chưa quen nếp sống, cách ăn uống vì người trên đảo hay ăn ngọt.

“Lâu dần, chúng tôi cũng quen khẩu vị, đặc biệt là cách ăn uống giản dị của người ngoài này. Một con cá với ít giá hẹ nấu lên cũng thành tô canh, ít thịt kho sơ qua là đã có bữa cơm đầm ấm” - chị nói. Để vơi nỗi nhớ quê, khoảng sân bé xíu trước nhà chị trồng cây khế, đào giếng và quây mấy luống rau vào mùa mưa gợi nhớ những ngõ nhà ở đồng bằng Bắc bộ.

Chị nhớ lại: “Ngày mới ra, chúng tôi may mắn được bà con chòm xóm giúp đỡ, nhà có việc gì chỉ cần mở miệng là có người chung tay chia sẻ. Nhiều lúc tôi nghĩ có thể chọn sống nơi khác sẽ khá giả hơn nhưng không được bình yên như ở đây đâu”.

Bà Xuân từ bảy năm nay là hội trưởng Hội phụ nữ thôn Mỹ Khê. Lớn tuổi rồi nên ngày ngày bà tìm cách để hoạt động hội thiết thực hơn. Bà đi từng nhà xem hoàn cảnh ai nghèo khó, con học giỏi mà không có điều kiện theo học, về họp bàn rồi tìm cách giúp đỡ.

Mấy chị em phụ nữ mới ra đảo sống cũng được bà mời vào hội để chia sẻ, động viên qua lúc khó khăn. Bà nói tuy mất thời gian nhưng đó là cách bà trả ơn hòn đảo đã dung chứa gia đình bà bao nhiêu năm nay.

“Ở đây mọi người thương nhau lắm, mùa màng hái được ít đậu, chuối... cũng đem cho, ai gặp chuyện không may hàng xóm cũng tìm cách giúp đỡ. Nhà nào có người mất là mọi người đều đi đưa tiễn, phúng điếu” - bà kể. Những cư dân trên đảo hiểu rằng dù không cùng dòng máu nhưng họ cùng uống mạch nước của đảo, cùng nương tựa nhau trong cảnh xa quê nên lợi ích vật chất không phải là tất cả.

Những con đường trên đảo còn có vài khẩu hiệu đơn giản từ bầu cử cho đến việc sinh đẻ, học tập... Họ quét một mảng sơn trắng lên tường rào ở những ngã tư, viết lên hàng chữ vừa đủ mắt nhìn. Hàng xóm, người đi chợ, đi làm về gặp mặt nhau thường ngồi bệt xuống khoảng ximăng nơi vệ đường hoặc phía trước nhà để chuyện trò.

Ra chợ cũng hiếm có cảnh mặc cả, bởi những thứ họ trồng tỉa được có giá rất rẻ, chỉ vài chục ngàn đồng là có bữa cơm ngon. Cư dân Phú Quý từ ba miền ra đảo sinh sống trải qua nhiều đời vẫn giữ nét chắt chiu, hăng say lao động đặc trưng quê mình. Những cụ bà đã 60-70 tuổi lưng vẫn đeo gùi, dao rựa để lên rẫy trồng tỉa.

Cầm rựa phát bớt đám cỏ rậm trong rẫy, bà Dương Thị Diễn nói: “Ở không buồn lắm, chẳng ai bắt mình làm mình cũng đi làm. Đi cho khỏe người sống lâu với con cháu”.

Có lẽ hồn của đảo nằm trong ánh mắt, nụ cười chân thật, trong cảnh sống giản dị và trong cả cách cư dân Phú Quý gửi gắm ước mơ đời con đời cháu cho hòn đảo, gạt đi nỗi lo mơ hồ về sự phát triển làm lòng người hẹp lại và cầu mong những nét chân phương sẽ mãi được gìn giữ.  

Gia đình ông Huỳnh Văn Hưng, chủ tịch UBND huyện Phú Quý, đã mấy đời gắn bó với hòn đảo. Ông nói nét thu hút của Phú Quý là những giá trị văn hóa lịch sử lâu đời như di sản Hán Nôm, chùa chiền, lễ hội... thuộc cả ba xã Tam Thanh, Long Hải, Ngũ Phụng.

Người ta yêu mến hòn đảo và những đứa con của đảo từ những điều này, trong đó có cả những giá trị từ phong tục, cách sống, cách đối xử của người dân. Phú Quý cũng oằn mình đi qua kháng chiến, đau thương và sức mạnh từ đó cũng hun đúc nên đặc trưng con người nơi đây.

Bà Bùi Thị Kim Huê, phó chủ tịch phụ trách văn xã UBND xã Ngũ Phụng, cho biết điều bà trăn trở là việc nâng cao đời sống tinh thần của người dân, tạo dấu ấn cho Phú Quý từ những hoạt động sinh hoạt văn hóa, lập Câu lạc bộ đờn ca tài tử, tổ chức lễ hội đua thuyền dịp năm mới, lễ cầu ngư...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận