15/06/2023 13:45 GMT+7

Chuyên gia 'VIP' tư vấn cho sinh viên Việt

Hội trường Trần Chí Đáo (ĐH Quốc gia TP.HCM) sáng 14-6 chật kín sinh viên trong buổi đối thoại với ba nhà khoa học từ Trường y Đại học Johns Hopkins - một trong những trường y khoa danh giá nhất trên thế giới.

Thái Gia Bảo trao đổi cùng giáo sư Benjamin Philosophe - Ảnh: TR.NHÂN

Thái Gia Bảo trao đổi cùng giáo sư Benjamin Philosophe - Ảnh: TR.NHÂN

Trò chuyện với sinh viên là các giáo sư Anthony Kalloo - trưởng khoa tiêu hóa và gan mật Bệnh viện Trường y Johns Hopkins, phó giáo sư James Hamilton - giám đốc khoa gan của Trường y Johns Hopkins, giáo sư Benjamin Philosophe - giám đốc phẫu thuật của Trung tâm cấy ghép toàn diện Johns Hopkins.

Thất bại đôi khi cũng là... thành công

Chờ đợi đến cuối chương trình để gặp mặt riêng với giáo sư Benjamin Philosophe, Thái Gia Bảo - sinh viên năm 2 Khoa y ĐH Quốc gia TP.HCM - đến xin lời khuyên của giáo sư cho định hướng theo hướng bác sĩ phẫu thuật của mình. Giáo sư Benjamin Philosophe động viên Gia Bảo khi đã xác định được con đường của mình từ sớm thì hãy dần bắt tay vào thực hành từ những bước cơ bản nhất.

"Giáo sư dặn dò mình rằng phẫu thuật không phải là chuyện học hết tất cả các lý thuyết sách vở rồi ra đi làm. Sinh viên cần vừa học vừa bắt tay vào thực hành và tiếp tục học hỏi qua từng bước thực hành đó để trở nên thành thạo. Với mình, đây là lời khuyên rất hữu ích" - Gia Bảo nói.

Trong khi đó, Huỳnh Kiến Quốc - sinh viên năm 3 - chia sẻ cơ hội để sinh viên y khoa gặp gỡ những chuyên gia hàng đầu từ một trường y hàng đầu như thế không nhiều. Do vậy, Kiến Quốc cùng bạn bè tận dụng cơ hội đến nghe để mở rộng thêm góc nhìn về y khoa quốc tế cho mình.

"Mình đã được truyền cảm hứng rất nhiều từ các diễn giả. Các diễn giả khuyến khích sinh viên nếu thích nghiên cứu y khoa thì nên mạnh dạn tham gia, không sợ thất bại. Nhiều thất bại trong nghiên cứu y khoa cũng được xem là một thành công" - Quốc nói.

Chương trình giao lưu với các bác sĩ từ Trường y Johns Hopkins là một trong nhiều hoạt động mà các trường đại học, các tổ chức giáo dục, khoa học triển khai trong hè 2023 nhằm đưa những chuyên gia đầu ngành quốc tế trong nhiều lĩnh vực về Việt Nam chia sẻ với sinh viên Việt Nam

GS.TS Đặng Vạn Phước - trưởng Khoa y ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết mời các chuyên gia về trường đôi khi phải cần tận dụng các mối quan hệ để có thể thuyết phục họ trong lịch trình một chuyến công tác có thể đến trao đổi với sinh viên.

Chẳng hạn, các bác sĩ tại Trường y Johns Hopkins lần này đến Việt Nam với mục đích chính là triển khai một số chương trình hợp tác với các đơn vị thực hiện những chương trình điều trị bệnh gan, ung thư... Vậy là Khoa y đặt vấn đề với đoàn tổ chức một buổi nói chuyện để truyền cảm hứng cho sinh viên.

"Có qua có lại"

Cuối tháng 5 vừa qua, Trường ĐH FPT đã tổ chức chuỗi hội thảo có sự góp mặt của các tiến sĩ trong lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo xử lý ngôn ngữ tự nhiên của ĐH Cambridge. Trong đó có TS Sian Gooding - hiện đang là nhà nghiên cứu khoa học về AI tại Google Research. 

Trao đổi với sinh viên, bà trình bày các dự án ứng dụng AI của Google trong giáo dục, đặc biệt là nghiên cứu khả năng đọc văn bản từ hành vi cuộn của người học từ đó đưa ra giải pháp tối ưu hóa quá trình đọc văn bản trên các nền tảng số.

TS Lê Trường Tùng - chủ tịch Trường ĐH FPT - chia sẻ các trường đại học hiện không thể hoạt động trong mô hình quốc nội khép kín mà sẽ dần đi theo đường quốc tế hóa. Trong quá trình mở rộng, tận dụng các chuyên gia quốc tế là một việc phải thực hiện, tuy nhiên mời được họ không dễ. Đơn cử như với các chuyên gia công nghệ nổi tiếng, họ rất bận rộn. Hoặc những giảng viên ở các đại học lớn thì họ vẫn phải đi dạy trong năm, có rảnh chăng là dịp hè.

Bên cạnh việc tận dụng tốt thời gian, đặc biệt là dịp hè, TS Lê Trường Tùng cho rằng cần nhìn nhận thẳng thắn là cần làm rõ các chuyên gia sẽ được lợi gì khi đến chia sẻ cho sinh viên Việt Nam. Chẳng hạn với các chuyên gia từ các công ty công nghệ, họ có thể giới thiệu các công nghệ mới cho sinh viên - những người rất có thể sẽ sử dụng các công nghệ này trong tương lai. 

Còn với các giảng viên từ các đại học lớn, nên gắn kết với họ theo một chuỗi hoạt động "có qua có lại": có thể tạo điều kiện cho họ gửi các sinh viên, nghiên cứu sinh sang Việt Nam trao đổi, hoặc cử các giảng viên từ Việt Nam sang học tập kinh nghiệm...

Truyền cảm hứng

Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (Trung tâm ICISE) tại Bình Định luôn sôi động vào dịp hè với hàng loạt chương trình giao lưu với các chuyên gia đầu ngành thuộc nhiều lĩnh vực trong và ngoài nước. Đầu tháng 6-2023, cựu phi hành gia Michael Baker cũng đã ghé ICISE để giao lưu cùng hàng ngàn bạn trẻ.

TS Trần Thanh Sơn - phó giám đốc Trung tâm ICISE - chia sẻ với các sự kiện do ICISE đứng ra tổ chức, ban nội dung sẽ làm việc rất kỹ với các diễn giả về nội dung họ sẽ chia sẻ. Ban nội dung thường đề nghị các bài giảng, bài chia sẻ của diễn giả nên mang tính đại chúng, tránh trường hợp chỉ sinh viên chuyên ngành hay người trong nghề mới có thể tiếp cận được.

"Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị diễn giả nói đến hành trình học tập, nghiên cứu của mình. Trên con đường thành công, họ đã gặp những khó khăn, thử thách thế nào và cách vượt qua ra sao. Đây là những điều mà khán giả thường muốn nghe và có thể truyền được cảm hứng cho các bạn trẻ", ông Sơn nói.

Giáo sư Trường Y Johns Hopkins: Với bác sĩ, các danh hiệu không có giá trịGiáo sư Trường Y Johns Hopkins: Với bác sĩ, các danh hiệu không có giá trị

Ba giáo sư Trường Y Johns Hopkins có buổi đối thoại với sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM sáng 14-6.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên