10/04/2020 11:37 GMT+7

Bản đồ COVID-19 của Đại học Johns Hopkins thu thập dữ liệu thế nào?

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Ra mắt vào ngày 22/1, hệ thống theo dõi dữ liệu COVID-19 trên 175 quốc gia của Đại học Johns Hopkins đã nhận được hơn một tỉ lượt truy cập mỗi ngày.

Bản đồ COVID-19 của Đại học Johns Hopkins thu thập dữ liệu thế nào? - Ảnh 1.

Hệ thống bản đồ số và bảng số liệu cập nhật liên tục về tình hình dịch COVID-19 toàn cầu của Đại học Johns Hopkins.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật Hệ thống của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đã phát triển một trong những hệ thống theo dõi dữ liệu COVID-19 bền bỉ và đáng tin cậy nhất trên thế giới cho đến nay.

Hệ thống này đã lập ra biểu đồ về sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trên 175 quốc gia.

Ra mắt vào ngày 22/1, hệ thống theo dõi dữ liệu COVID-19 của Đại học Johns Hopkins đã nhận được hơn một tỉ lượt truy cập mỗi ngày và bản in từ hệ thống này thậm chí đã được nhìn thấy trên tường của phòng "tác chiến" COVID-19 của Bộ Y tế và Dịch vụ dân sinh Mỹ.

Để có được một trình theo dõi dữ liệu, cung cấp một bức tranh rõ ràng và tương tác về đại dịch toàn cầu, nhóm nghiên cứu đã phải rất vất vả trong việc cố gắng tìm kiếm nguồn dữ liệu đáng tin cậy, liên tục, cập nhật thông tin mới nhất.

Theo nhà khoa học Lauren Gardiner, chủ nhiệm nhóm nghiên cứu với sự giúp đỡ của sinh viên tốt nghiệp Đại học Johns Hopkins, Ensheng Deng, nỗ lực này rất khó khăn khi ở Mỹ những con số chính thức từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) thường được báo cáo chậm so với tình hình thực tế từ 24 đến 48 giờ.

Cũng không có dữ liệu chính thức ở cấp quận, có nghĩa là nhóm nghiên cứu phải theo dõi các con số từ nhiều nguồn địa phương khác nhau để bù đắp cho việc thiếu sự hỗ trợ rõ ràng của chính phủ.

"Điều tôi muốn là tất cả các cơ quan y tế địa phương khác nhau cần tiếp tục cải thiện cách thức báo cáo của họ theo cách chúng ta có thể rút dữ liệu trực tiếp từ họ thay vì từ nguồn truyền thông địa phương", bà Gardiner nói trong một cuộc phỏng vấn với trang Science.

Trong trường hợp không có số liệu chính phủ kịp thời, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng độc giả của họ có thể là một nguồn thông tin hữu ích, tạo ra các bộ sưu tập dữ liệu mới mà họ có thể đã bỏ lỡ.

"Có hàng triệu cặp mắt nhìn [vào trang dữ liệu] cùng một lúc. Vì vậy, nếu chúng tôi dừng cập nhật, mọi người sẽ với tay lấy điện thoại và gọi rất nhanh đến chúng tôi", bà Gardiner nói. Hàng ngày nhóm nghiên cứu nhận được hàng ngàn email từ các địa phương báo cáo tình hình dịch COVID-19.

Trong hơn hai tháng qua, để hệ thống theo dõi dữ liệu COVID-19 của Đại học Johns Hopkins chạy ổn định, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp danh sách các nguồn đáng tin cậy của riêng mình và tạo ra một công cụ tự động để xác định sự khác biệt giữa số liệu thu thập được với số liệu chính thức mà một thành viên trong nhóm theo dõi điều tra.

Nhóm làm việc theo ca luân phiên 24 giờ mỗi ngày để đảm bảo luôn có người trực tiếp xem xét mọi vấn đề tiềm ẩn hoặc kiểm tra dữ liệu đến.

Mặc dù chỉ hoạt động theo mục đích khoa học thuần túy, song nhóm nghiên cứu vẫn bị lôi kéo vào các cuộc tranh cãi chính trị ít liên quan đến chính virus SARS-CoV-2.

Trong quá trình cách ly hành khách của tàu du lịch Diamond Princess ở thành phố Yokohama, Nhật Bản, nhóm quyết định chỉ biểu thị hành khách người Mỹ tại một điểm ở trung tâm bản đồ Mỹ, một nơi nào đó phía trên Kansas.

Vào cuối tháng 3, tin tặc đã xây dựng một phiên bản giả mạo hệ thống bản đồ số của Đại học Johns Hopkins để đánh cắp dữ liệu cá nhân của người dùng Android.

"Ý nghĩa địa chính trị đã gây căng thẳng và mất tập trung cho nhóm nghiên cứu", bà Gardiner nói. "Chúng tôi chỉ muốn cung cấp những dữ liệu hữu ích và phù hợp nhất cho những người đang cố gắng truy cập vào dữ liệu đó. Virus không quan tâm đến biên giới"./.


Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên