05/10/2023 16:37 GMT+7

Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm chỉnh lại đề nghị nước mắm là di sản văn hóa phi vật thể

PGS Trần Đáng, chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, cho hay phát biểu đề nghị nước mắm trở thành di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam của ông tại hội thảo chỉ là cách nói vắn tắt, còn đầy đủ ông đề xuất nghề làm nước mắm thủ công.

PGS.TS Trần Đáng - chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam - phát biểu tại hội thảo hôm 30-9 - Ảnh: A. TÙNG

PGS.TS Trần Đáng - chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam - phát biểu tại hội thảo hôm 30-9 - Ảnh: A. TÙNG

Sáng 5-10, Tuổi Trẻ Online trao đổi với PGS Trần Đáng - chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam - liên quan đến việc ông phát biểu đề nghị nước mắm trở thành di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam tại hội thảo "Nước mắm Việt - Nâng tầm ẩm thực Việt Nam", do Hiệp hội Nước mắm Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam tổ chức hôm 30-9.

Theo ông Đáng, tại buổi hội thảo, ông nói vắn tắt đề nghị nước mắm trở thành di sản văn hóa phi vật thể, còn đầy đủ ông đề xuất nghề làm nước mắm thủ công trở thành di sản văn hóa phi vật thể.

"Việc đề xuất này xuất phát tại hội thảo. Đây là cuộc thảo luận, có nhiều ý kiến, trong đó tôi có ý kiến đề xuất như vậy, còn nhiều ý kiến khác không đồng ý thì thôi. 

Trước đó, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam chưa có kế hoạch hay văn bản gì, qua tọa đàm thì mình thấy ý đó hay thì mới phát biểu đề xuất" - ông Đáng chia sẻ.

Trước việc Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng hiệp hội không có chức năng lập hồ sơ để đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ông Đáng cho hay hiệp hội chỉ là đầu mối, tập hợp doanh nghiệp sản xuất, chế biến của Việt Nam. Khi hiệp hội thấy ở đâu làm nước mắm có đủ điều kiện trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì sẽ phối hợp, hỗ trợ làm hồ sơ.

Ví dụ như làng nghề nước mắm Ba Làng (ở Thanh Hóa) mà có đủ 4 tiêu chí để trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì hiệp hội sẽ làm việc với cơ sở sản xuất để họ tự nguyện đề xuất với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nếu sở đồng ý lập hồ sơ thì quá trình xây dựng hồ sơ hiệp hội sẽ hỗ trợ, chứ không phải hiệp hội làm hồ sơ để đề nghị.

Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam cũng cho rằng ở nước ta không chỉ có nghề làm nước mắm Phú Quốc, mà có ở nhiều địa phương khác, do đó ông muốn xây dựng nhiều thương hiệu nghề làm nước mắm trở thành di sản văn hóa phi vật thể.

"Nếu các nơi làm nghề nước mắm như Ba Làng, Quảng Tích, Sá Sùng,... đủ điều kiện thì mình nên làm hết để khuyến khích sản phẩm được lưu hóa ở Việt Nam và trên thế giới" - ông Đáng nói.

Trước đó, một số báo đưa thông tin tại hội thảo Nước mắm Việt - Nâng tầm ẩm thực Việt Nam diễn ra ngày 30-9, ông Trần Đáng phát biểu cho biết Hiệp hội Nước mắm Việt Nam sẽ phối hợp với Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam xây dựng đề án xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, nhằm đưa nước mắm Việt Nam lên tầm cao mới.

Đồng thời, hai hiệp hội cùng nhau nghiên cứu, xây dựng bộ hồ sơ trình Chính phủ công nhận nước mắm là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Sau đó, nhiều ý kiến cho rằng nước mắm là ẩm thực hiện hữu, không thể gọi là di sản văn hóa phi thể. Nghề làm nước mắm mới có thể trở thành di sản văn hóa phi vật thể.

Tại Việt Nam hiện nay, nghề làm nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) và Nam Ô (Đà Nẵng) đã được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

“Nghề làm nước mắm Phú Quốc” trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia“Nghề làm nước mắm Phú Quốc” trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

TTO - Sáng 16-12, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 'Nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian nghề làm nước mắm Phú Quốc'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên