20/11/2019 11:32 GMT+7

Chờ Việt Nam dẫn dắt hợp tác an ninh

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Hội nghị bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 6 với chủ đề "An ninh bền vững" đã khép lại cuối ngày 18-11 tại Bangkok, Thái Lan.

Chờ Việt Nam dẫn dắt hợp tác an ninh - Ảnh 1.

Các bộ trưởng, trưởng đoàn quốc phòng chụp ảnh chung tại Hội nghị ADMM lần 6 ở Bangkok, Thái Lan ngày 18-11 - Ảnh: TTXVN

Bộ Quốc phòng Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò chủ tịch Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM) và ADMM+ vào năm 2020 sau lễ chuyển giao. Với vai trò quan trọng trong năm 2020, Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ phát huy khả năng dẫn dắt, định hình các sáng kiến quốc tế và kiến trúc an ninh khu vực nói riêng.

UNCLOS, COC là tâm điểm

Tại Hội nghị ADMM+, bộ trưởng quốc phòng của thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác nhấn mạnh tầm quan trọng của ADMM+ trong việc củng cố an ninh khu vực một cách vững mạnh, hiệu quả và cởi mở, góp phần xây dựng niềm tin giữa các bên.

Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã có bài phát biểu đáng chú ý tại hội nghị này khi khẳng định một khi luật pháp quốc tế không được tôn trọng, an ninh và ổn định khu vực nói chung và trên biển nói riêng sẽ bị đe dọa.

Ông nhấn mạnh hòa bình trên Biển Đông không chỉ là lợi ích của các bên trực tiếp liên quan mà là vì lợi ích chung của khu vực và quốc tế.

Đồng thời, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nhắc lại chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Ý kiến của ông Ngô Xuân Lịch nhận được sự chia sẻ của các bộ trưởng khác, trong đó nhiều lãnh đạo quốc phòng cũng khẳng định yêu cầu tôn trọng UNCLOS 1982 và xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất.

UNCLOS 1982 và COC là tâm điểm trong nhiều cuộc thảo luận tại Hội nghị ADMM+ cũng như các chương trình làm việc khác của ASEAN năm nay. Nhu cầu về thái độ thượng tôn luật pháp quốc tế và thiện chí xây dựng COC càng trở nên cấp thiết, xét tới bối cảnh Trung Quốc đã nhiều lần đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam.

Nhiệm vụ quan trọng

ADMM+ được xem là cơ chế mang lại lợi ích cho các quốc gia thành viên ASEAN trong việc xây dựng năng lực để giải quyết các thách thức an ninh chung, thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau giữa tổ chức quốc phòng các nước thông qua đối thoại minh bạch, từ đó tăng cường hòa bình và ổn định khu vực thông qua hợp tác quốc phòng và an ninh.

Sau đúng 10 năm kể từ lúc ADMM+ họp lần đầu ở Hà Nội, Việt Nam sẽ chào đón kiến trúc an ninh này.

Nhiệm vụ của Việt Nam càng trở nên quan trọng trong bối cảnh các thách thức phi truyền thống cũng tác động không nhỏ tới các mục tiêu đã nêu trong ADMM+.

Lấy ví dụ tại hội nghị ở Bangkok năm nay, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng phải hàn gắn những xích mích gần đây, trong khi cả hai đều là những đối tác quan trọng của ASEAN và các nước khác trong khuôn khổ đối thoại này. Việc xây dựng niềm tin giữa các đối tác ADMM+ có giá trị lớn khi tất cả cùng đối diện thách thức lớn, vốn dĩ chỉ có thể giải quyết với sự nhất trí trong hợp tác và tin tưởng lẫn nhau.

Mốc thời gian ý nghĩa ấy càng tô đậm kỳ vọng, thách thức và thời cơ Việt Nam đang đối diện và nắm giữ cho năm sau. Trên cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam sẽ thúc đẩy chương trình nghị sự của các sáng kiến mà ASEAN làm trung tâm dẫn dắt, trong đó có ADMM+.

"Việt Nam chào đón các đối tác trở lại nơi đã thiết lập ADMM+ để tiếp tục chung tay củng cố cơ chế hợp tác quốc phòng - quân sự, xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết và có khả năng chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài, đúng như tinh thần chủ đề của năm ASEAN 2020 là "Gắn kết và chủ động thích ứng" mà Việt Nam lựa chọn" - ông Ngô Xuân Lịch phát biểu tại lễ chuyển giao.

Chuyên gia tin tưởng Việt Nam

Nhiều chuyên gia quan sát khu vực bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng của Việt Nam, đặc biệt là vai trò điều phối và thúc đẩy các sáng kiến hợp tác.

Trong một trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo quốc tế về Biển Đông ở Hà Nội tháng này, nhà nghiên cứu tại Trung tâm khoa học ngoại giao của Đại học Tufts (Mỹ) James Borton khẳng định Việt Nam đã thể hiện xuất sắc vai trò cầu nối cho các sáng kiến hòa bình, thể hiện rõ nét qua việc tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2019.

"Việt Nam đã nổi bật trong vai trò dẫn dắt và thúc đẩy sáng kiến hòa bình. Năm 2020, ở vị trí chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, các bạn đang ở vị trí thậm chí tốt hơn nữa để thực hiện điều này.

Tiếng nói của các bạn đang có trọng lượng hơn, các bạn đang được lắng nghe. Vị trí của các bạn còn tốt hơn so với nửa năm trước (gần thời gian tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều - PV)", ông Borton nói.

ASEAN gặp riêng Trung Quốc về vấn đề Biển Đông ASEAN gặp riêng Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

TTO - Trước khi bắt đầu ADMM, các bộ trưởng quốc phòng ASEAN có một cuộc gặp riêng với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và trực tiếp nêu ra những quan ngại đối với tự do hàng hải trên Biển Đông.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên