15/01/2024 09:00 GMT+7

Cho con áo Tết đỡ phần tủi thân

Tết Nguyên đán đã cận kề, nhiều người lao động nghèo trong các hẻm khắp Sài Gòn chắt chiu từng đồng để có thể mang chút quà Tết về cho con cái, sum vầy bên người nhà sau một năm dài ly hương.

Bà Phạm Thị Nhu vừa đi bán vé số vừa lượm nhặt ve chai nuôi con học xong đại học - Ảnh: YẾN TRINH

Bà Phạm Thị Nhu vừa đi bán vé số vừa lượm nhặt ve chai nuôi con học xong đại học - Ảnh: YẾN TRINH

Đầu giờ chiều một ngày cuối năm, nắng còn khá gắt, phía ngoài khu chợ Trần Hữu Trang (quận Phú Nhuận, TP.HCM) có chừng bốn, năm người bán vé số đi đi lại lại mời chào những tờ vé chiều xổ. Chợ chiều đã vãng, người thưa dần, họ kiên nhẫn bước tới mời người đang ghé vào các hàng ăn, sạp trái cây.

Vừa bán vé số, vừa gom ve chai

Xéo bên kia chợ, bà Phạm Thị Nhu (70 tuổi) gồng vai đẩy chiếc xe lăn qua khúc hẻm mấp mô. Đôi chân teo tóp do sốt bại liệt hồi trẻ, bà phải cố sức để chiếc xe lăn cũ nghe lời mình.

Mới có khách mua một lượt chục tờ vé số, bà mừng rơn, cho biết: "Sáng tôi đi bán từ 6h, tới trưa về ăn cơm, nghỉ ngơi chút rồi xế chiều bán tới tối. Mỗi ngày tôi bán được cỡ 200 tờ". Để tiết kiệm hơn, sáng sớm con gái bà dậy nấu cơm rồi hai mẹ con ăn sáng, sau đó con gái đem cơm đi làm, chừa một phần cho mẹ về ăn trưa.

Quê Phú Yên, bà vào Sài Gòn sinh sống gần 20 năm với nghề bán vé số vì nghề này không cần nhiều vốn, vừa với khả năng của mình. Xoa xoa hai cánh tay cho đỡ mỏi, bà bộc bạch: "Tôi đi bán như vầy cũng bấp bênh, có ngày nhanh ngày chậm. Ngoài bán vé số, tôi còn tranh thủ gom ve chai từ những món đồ người ta bỏ đi hoặc thương tình để dành cho mình. Cứ vài ngày gom được một mớ, tôi đem bán lại".

Vì vậy, chiếc xe lăn mỗi ngày của bà lại thêm cồng kềnh với cơ số bịch ni lông treo lủng lẳng. Trong những bịch này là bìa các tông, chai nước, đồ nhựa… Trên đường bà đi bán, một số người tốt bụng nhìn thấy thì hỏi thăm, nói vài câu an ủi, khiến bà cũng thấy đỡ mệt đỡ tủi.

Ở trọ gần chợ Trần Hữu Trang cùng con gái duy nhất năm nay 24 tuổi, chi phí phòng trọ luôn điện nước gần 3 triệu đồng/tháng là một khoản tiền không nhỏ đối với những người mưu sinh qua ngày như mẹ con bà Nhu.

Chồng mất đã lâu, bà tâm niệm dù khó khăn nhưng giá nào cũng phải lo được cho con học thành tài. Có những thời điểm ngặt nghèo, đau bệnh, nhất là những năm dịch bệnh COVID-19 kéo dài, hai mẹ con luôn tự nhủ phải nương nhau vượt qua.

"Mấy năm qua, tôi có sổ hộ nghèo nên vay tiền ngân hàng chính sách ở quê cho con học đại học rồi trả dần. Con tôi vừa rồi đã ra trường, xin được công việc văn phòng tạm ổn. Lúc đi học nó cũng chịu khó đi làm thêm để có tiền chi tiêu", bà thoáng vẻ tự hào. Nói đoạn, bà lại tranh thủ đẩy xe đi bán cho kịp, sợ những cơn mưa cuối mùa sẽ ập xuống bất cứ lúc nào.

21h, nơi góc đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 1), ông Nguyễn Hùng chầm chậm đạp xe về hướng quận Bình Thạnh. Sau yên xe người đàn ông 56 tuổi này là thúng đậu phộng luộc còn gần một nửa, thêm mấy bọc đậu rang cột thành chùm. Gần 15 năm nay, một mình ông vào Sài Gòn sống với nghề bán hàng rong.

Ông Hùng có hai người con làm nông ở quê nhà An Nhơn (Bình Định), còn vợ ông ở quê không có việc làm ổn định, ai thuê gì làm nấy.

Ông Nguyễn Hùng đạp xe bán đậu phộng luộc từ chiều đến tối mỗi ngày - Ảnh: YẾN TRINH

Ông Nguyễn Hùng đạp xe bán đậu phộng luộc từ chiều đến tối mỗi ngày - Ảnh: YẾN TRINH

Mưu sinh nơi Sài thành, để tiết kiệm chi phí, ông thuê trọ cùng 4 người đồng hương và cũng là… đồng nghiệp trong một con hẻm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, gần bến xe Miền Đông. Mỗi ngày, ông Hùng luộc 8kg đậu phộng rồi chở đi bán từ 14h tới 21h thì đạp dần về. 

Khách hàng của ông thường là những người ngồi uống nước, ngồi ăn ở các quán vỉa hè, khách vãng lai… Mỗi lon đậu phộng bán 20.000 đồng, hôm nào may mắn bán hết thì có chút lời, còn ế thì coi như ngày đó ăn đậu trừ cơm hoặc tìm đến những quán cơm từ thiện.

Cố bám trụ việc thời vụ

Ở phía tây thành phố, dãy trọ công nhân nằm trong một con hẻm ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh một, hai tháng nay không còn ồn ào tiếng người thuê trọ chào nhau mỗi sáng nữa. Nhiều phòng cửa đóng then cài bởi người lao động, phần lớn là công nhân, thất nghiệp nên đã trả phòng về quê, chỉ một vài phòng có người ở.

Tranh thủ trò chuyện với chúng tôi trước giờ vào công ty, chị Thùy Linh (26 tuổi) cho biết chị đang là công nhân làm bao bì cho hộp bánh Tết của một doanh nghiệp sản xuất. Sau khi thử việc một tháng, chị được nhận vào làm thời vụ có hợp đồng lao động. Mỗi ngày đứng ở xưởng 8 tiếng, chị được trả công 170.000 đồng, phụ cấp chuyên cần và cơm trưa.

"Nếu hàng nhiều, hàng gấp thì tăng ca tới 9 - 10h tối hoặc làm thêm ngày chủ nhật. Nhưng thường là tăng ca 3 tiếng, lương nhân 1,5", chị Linh nói.

Dẫu vậy, không phải lúc nào cũng may mắn được làm thêm giờ như thế. Tháng đầu làm 11 ngày, chị nhận 3,7 triệu đồng, tháng thứ hai có tăng ca nhích lên được 10,4 triệu. "Tháng này chỉ có 7,4 triệu, làm tới 16h30 là về vì không còn hàng để tăng ca. Nhiều khi làm tầm nửa tháng nữa hết hàng là công ty cho nghỉ luôn", chị tâm sự.

Cô công nhân quê Sóc Trăng nói rằng cuối năm kiếm việc khó khăn, lại mới mất việc, nên giờ dù thu nhập thấp chị cũng ráng cố bám trụ bởi sau lưng còn lắm nỗi lo toan. Sau khi trừ chi phí trọ và ăn uống, chị dành phần lớn tiền kiếm được gửi về quê cho hai con nhỏ đang sống cùng bà ngoại.

"Mỗi tháng lãnh lương xong tôi chỉ bỏ trong người tầm bảy, tám trăm ngàn để đổ xăng hoặc mua những cái cần thiết thôi", chị trải lòng.

Chị Thùy Linh cố gắng làm hết sức cho công việc thời vụ khó khăn lắm mới tìm được này, để có thêm chút tiền mua bộ đồ Tết cho hai đứa con gái nhỏ đang ở quê - Ảnh: NVCC

Chị Thùy Linh cố gắng làm hết sức cho công việc thời vụ khó khăn lắm mới tìm được này, để có thêm chút tiền mua bộ đồ Tết cho hai đứa con gái nhỏ đang ở quê - Ảnh: NVCC

Chắt chiu từng đồng để cái Tết có thịt kho tàu

Thùy Linh bảo dù chật vật nhưng cũng ráng gói ghém về quê ăn Tết với hai con, bởi nhiều tháng qua chị chỉ có thể nhìn thấy con mình qua video. Không dám sắm sửa gì cho bản thân, chị chỉ dự tính trước khi về sẽ mua hai chiếc đầm với hai đôi giày cho con có quà Tết đỡ tủi thân.

Ngoài ra, chị cũng để dành tiền mua ít đồ ăn, trái cây chưng bàn thờ cho có không khí Tết. Sau khi ăn Tết, để con lại cho bà, chị sẽ trở lại Sài Gòn tìm một công việc cố định tiếp tục mưu sinh.

Còn bà Phạm Thị Nhu cho biết mấy năm rồi mình không về Phú Yên ăn Tết. Mấy ngày Tết chỉ có hai mẹ con trong căn phòng trọ, còn mấy phòng khác đã về hết. Ngày xuân bà cùng con gái sửa soạn nồi thịt kho tàu, chút bánh mứt cho có mùi Tết. "Tết năm nào tôi cũng đi bán vé số vì mấy ngày đó bán đắt. Không về quê cũng buồn nhưng chúng tôi quen rồi…", bà bộc bạch.

Với ông Hùng, Tết này ông không về quê, mà chọn ở lại bán vé số từ giáp Tết, qua tháng giêng vài ngày thì tiếp tục bán đậu phộng.

Ông nói mỗi tháng đều dành ít tiền gửi về quê cho vợ sinh sống: "Tôi gửi không cố định số tiền, hên xui vì làm nghề buôn bán này cũng bấp bênh. Mỗi tháng có khi gửi 2 - 3 triệu đồng, khi được 4 triệu đồng vô chừng". Đã mệt lắm rồi, nhưng ông vẫn nán lại trước những hàng quán để mong bán hết số đậu còn lại.

Nhằm góp phần mang một cái Tết ấm áp đến với những người có hoàn cảnh khó khăn, Grab Việt Nam phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM triển khai chương trình "Cùng Grab đưa Tết đến từng con hẻm". Chương trình sẽ trao 1.000 phần quà Tết cho một số công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết, người khuyết tật, hộ nghèo trên địa bàn thành phố.

Kể từ ngày 12-1-2024 đến ngày 24-1-2024, với mỗi chuyến xe GrabCar, GrabBike hoặc đơn hàng GrabFood, GrabMart, GrabExpress được người dùng nhập mã TRAOTET, Grab Việt Nam sẽ đóng góp 5.000 đồng cho chương trình. Dự kiến, các phần quà sẽ được trao tận tay bà con vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2-2024.

Cho con áo Tết đỡ phần tủi thân- Ảnh 4.

Đón Tết, phố phường thêm nghẹt xeĐón Tết, phố phường thêm nghẹt xe

Tết Nguyên đán Giáp Thìn cận kề, dòng người và xe ở TP.HCM bước vào thời điểm hối hả đi lại, vận chuyển. Lượng xe gia tăng cao khiến các cửa ngõ thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên