31/08/2023 15:19 GMT+7

Châu Âu nhập khí tự nhiên hóa lỏng từ Nga cao kỷ lục

Bất chấp cam kết ngừng phụ thuộc nhiên liệu từ Nga vào năm 2027, lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mà châu Âu nhập từ Matxcơva vẫn tăng vượt mức kỷ lục.

Tàu hàng Nikolay Urvantsev hạ các container chứa LNG xuống cảng Bilbao (Tây Ban Nha) hồi tháng 3-2022 - Ảnh: REUTERS

Tàu hàng Nikolay Urvantsev hạ các container chứa LNG xuống cảng Bilbao (Tây Ban Nha) hồi tháng 3-2022 - Ảnh: REUTERS

Khí tự nhiên hóa lỏng từ Nga vào EU đạt kỷ lục

Theo báo Financial Times ngày 30-8, lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mà Liên minh châu Âu (EU) nhập từ Nga sẽ đạt mốc kỷ lục trong năm 2023.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, EU đã mua 21,6 triệu m3 LNG từ Nga. Lượng LNG này chiếm 16% tổng LNG EU nhập vào, biến Nga thành nhà cung cấp LNG cho châu Âu lớn thứ hai, sau Mỹ.

Lượng LNG nhập khẩu trên cao hơn 40% so với cùng kỳ năm 2021, thời điểm trước khi Matxcơva bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.

Mức tăng này được xem là rất cao, khi tỉ lệ tăng trung bình cả thế giới trong khoảng thời gian trên chỉ là 6%.

So với thời điểm lượng nhập khẩu LNG từ Nga của EU chạm đỉnh hồi năm 2022, châu Âu cũng đang mua nhiều hơn 1,7%.

Nhờ vậy, Nga được cho rằng đã thu về 5,29 tỉ euro (5,77 tỉ USD) nhờ bán LNG cho các nước EU trong bảy tháng đầu năm 2023.

Trong đó, Bỉ và Tây Ban Nha lần lượt là nước nhập LNG của Nga nhiều thứ hai và thứ ba, chỉ xếp sau Trung Quốc.

Châu Âu chia rẽ quanh LNG

Trạm xử lý LNG tại cảng Zeebrugge (Bỉ) - Ảnh: ALAMY

Trạm xử lý LNG tại cảng Zeebrugge (Bỉ) - Ảnh: ALAMY

Những số liệu này tương phản với lời kêu gọi sẽ không còn phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch Nga từ năm 2027 của các nước châu Âu.

Ông Jonathan Noronha-Gant, nhà vận động về năng lượng hóa thạch tại tổ chức phi chính phủ Global Witness, buông lời mỉa mai: "Thật đáng ngạc nhiên khi các nước EU đã cố gắng hết sức để ngừng phụ thuộc vào đường ống dẫn khí đốt của Nga, chỉ để chuyển sang phụ thuộc vào tàu hàng chở khí đốt từ Nga". 

Theo ông Jonathan, các công ty châu Âu đang gián tiếp chuyển hàng tỉ euro cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine. 

Trong khi đó, các nhà lập pháp châu Âu lại có quan điểm khá chia rẽ về LNG từ Nga.

Hồi tháng 3-2023, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera từng chỉ trích tình hình nhập khẩu năng lượng hiện tại "vô lý" và LNG cũng nên chịu các lệnh trừng phạt áp lên Nga. 

Tán đồng ý kiến trên, bà Kadri Simson, ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng, cho rằng khối này "có thể và nên từ bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga trong thời gian sớm nhất, trong khi vẫn đảm bảo an ninh năng lượng".

Việc kim ngạch nhập khẩu LNG tăng cũng có thể khiến EU dễ bị tổn thương với các quyết định bất ngờ của Điện Kremlin. Điều này từng xảy ra hồi năm 2022 với khí đốt vận chuyển bằng đường ống.

Ở chiều ngược lại, nhiều quan chức EU cảnh báo việc cấm nhập khẩu LNG lập tức có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng giống năm 2022.

Một quan chức cho biết dù các kho khí đốt của châu Âu đã đầy 90% trước thềm mùa đông, song vẫn sẽ có "rất nhiều sự lo lắng" nếu có thêm nguồn cung nào bị cắt đứt.

Ông Alex Froley, nhà phân tích cấp cao về LNG tại Công ty tư vấn thị trường năng lượng ICIS, nhận định: "Các khách hàng dài hạn ở châu Âu cho biết họ vẫn sẽ mua lượng khí đã thỏa thuận cho đến khi chúng bị cấm bởi các chính trị gia".

Ông dự đoán mọi lệnh cấm nhập khẩu của EU sẽ buộc mô hình thương mại toàn cầu bị gián đoạn để được sắp xếp lại.

Na Uy thay Nga làm nguồn cung khí đốt lớn nhất châu ÂuNa Uy thay Nga làm nguồn cung khí đốt lớn nhất châu Âu

Na Uy đang cung cấp 1/3 lượng khí đốt sử dụng ở châu Âu. Doanh thu từ công nghiệp năng lượng của nước này trong năm 2022 đã tăng hơn 100 tỉ USD.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên