04/07/2019 09:31 GMT+7

Cay đắng kết hôn giả - Kỳ cuối: Nhập tịch giá rẻ ở Singapore

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Là quốc gia phát triển trong khu vực, không ngạc nhiên khi Singapore thu hút nhiều người nước ngoài đến sống và làm việc. Kết hôn giả cũng trở thành con đường nhập tịch "nhanh chóng giá rẻ" vào Singapore mà một số người Việt lựa chọn.

Cay đắng kết hôn giả - Kỳ cuối: Nhập tịch giá rẻ ở Singapore - Ảnh 1.

Phụ nữ Việt kết hôn giả với công dân Singapore sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ như bị lạm dụng tình dục và trục xuất - Ảnh minh họa: thinkstock

Thi thoảng truyền thông Singapore lại công bố thông tin về các vụ kết hôn giả, bao gồm nhiều vụ việc liên quan đến người Việt.

"Ông trùm"

Cuối tháng 1 năm nay, theo Đài Channel News Asia, Cơ quan Kiểm soát vấn đề nhập cư Singapore (ICA) cho biết đã bắt giam và phạt tiền một người đàn ông 42 tuổi tên Tan Chuan Zin vì tội môi giới cho hai cuộc hôn nhân giả giữa những người đàn ông Singapore và hai phụ nữ Việt Nam. 

Ông này bị yêu cầu nộp phạt 13.000 SGD ngoài việc phải lãnh án tù 18 tháng. Ông Tan Chuan Zin bị bắt từ tháng 3-2017. Nếu không có tiền nộp phạt, ông này sẽ phải ở tù thêm 3 tháng nữa.

Một điểm rất đáng chú ý trong cả hai vụ hôn nhân giả mà ông Tan Chuan Zin làm môi giới nói trên: sau đám cưới cả hai cô gái Việt đều không sống với người chồng hợp pháp của mình mà lại ở (và có ngủ) với ông Tan, và ông ta vẫn tiếp tục tính tiền thuê nhà 530 SGD/tháng/người với họ.

Mặc dù những người như ông Tan Chuan Zin có thể lập luận là họ chỉ đang làm dịch vụ mối lái hoặc thu xếp hôn nhân cho những người nước ngoài, song bản chất giao dịch của ông ta đã cho thấy đó là hôn nhân giả và mục đích của nó chỉ nhằm kéo dài hoặc hợp thức hóa việc ở lại Singapore. Vấn đề này đã bị coi là phạm pháp tại đảo quốc sư tử trong điều luật hình sự có hiệu lực từ năm 2012.

Đầu năm 2018, sau 6 tháng điều tra, ICA cũng phanh phui một trong những đường dây tổ chức các vụ hôn nhân giả lớn nhất của nước này liên quan các phụ nữ Việt Nam với đàn ông Singapore, sau khi nhận được lời khai từ một trong số sáu cặp vợ chồng liên quan trong đường dây.

Khi mọi chuyện được nhà chức trách tiết lộ, người ta mới biết những người đàn ông tham gia hoạt động phạm pháp này đều đang rất cần tiền, và họ đã được trả 3.000-5.000 SGD cho mỗi cuộc hôn nhân và nhận thêm 100-300 SGD cho mỗi lần gia hạn thêm visa ngắn hạn cho các phụ nữ. Trong khi đó, mỗi cặp này phải trả cho hai kẻ môi giới 20.000 SGD.

"Ông trùm" đứng sau đường dây đó là một người đàn ông Singapore 37 tuổi, Adrian Kin Zheng Keat, và một người Việt Nam là Hồ Thị Bé Ba. Hai người chủ mưu này đã bị phạt tù với mức án 6-18 tháng.

Đường dây vận hành ra sao?

Anh Liew Shi Xiong - sĩ quan cảnh sát di trú của Singapore, cũng là người phụ trách cuộc điều tra đường dây kết hôn giả - cho biết do tính chất đặc thù của hôn nhân giả, nhà chức trách rất khó nắm được các bằng chứng để lật tẩy tội trạng của họ.

Anh nói: "Trong hầu hết các tội di trú, người ta có thể có các chứng cứ như giấy tờ đi lại hay hộ chiếu. Trong các tội trạng khác, người ta có thể có các nhân chứng. Nhưng với các cuộc hôn nhân vụ lợi, chúng tôi không có những chứng cứ này. Do đó các nhân viên ICA phải bỏ rất nhiều công sức và phải sáng tạo trong cách điều tra".

Tới năm 2017, sau khi nhà chức trách Singapore bắt được nhiều thành viên trong một tổ chức môi giới hôn nhân giả, nhiều thủ đoạn tinh vi được phanh phui đã cho thấy rõ ràng hơn đâu là những bên có liên quan và một cuộc hôn nhân giả được tổ chức như thế nào.

Cụ thể, tổ chức môi giới sẽ tìm kiếm những công dân nước ngoài đang có khao khát muốn ở lại Singapore. Các nhân viên môi giới của họ cũng sẽ tìm kiếm những người Singapore đang đối mặt với những khó khăn tài chính. 

Tổ chức môi giới sẽ kết nối giữa người Singapore và người nước ngoài sẵn sàng chấp nhận và có nhu cầu kết hôn giả với nhau. Công dân Singapore là vợ/chồng chính. Anh/cô này hoặc sẽ giúp người còn lại được nhập tịch, hoặc sẽ bảo lãnh để họ có được một visa ngắn hạn. Người nước ngoài sẽ phải trả phí cho tổ chức môi giới kết hôn giả.

Để dàn dựng sao cho giả như thật, nhóm môi giới cũng có thể sắp xếp việc chụp ảnh cho cặp vợ chồng và cung cấp nơi ở để họ tạm thời sống chung một nơi. Trong đường dây bị phanh phui đầu năm ngoái được nhắc tới ở trên, một "chú rể" Singapore cũng sẽ bay sang Việt Nam để chụp ảnh cưới với "cô dâu" Việt Nam theo cách giúp cuộc hôn nhân của họ có vẻ như thật.

Phạt tối đa 10.000 SGD và/hoặc 10 năm tù

Theo báo Straits Times, năm 2016 Singapore có 43 người bị kết tội kết hôn giả, năm 2017 là 53 người, tăng 23,3%. Tuy nhiên, nếu so với số người phạm tội này là 284 người vào năm 2013, rõ ràng tình hình đã giảm mạnh. Đó là nhờ Singapore thực thi Luật di trú sửa đổi năm 2012 với việc coi kết hôn giả là tội hình sự và có mức phạt rất nghiêm khắc.

Theo trang Singapore Legal Advice, nếu bị kết tội hôn nhân giả, bị cáo phải chịu khoản phạt lên tới 10.000 SGD và/hoặc bị phạt tù tối đa 10 năm. Nếu ai cố tình cung cấp thông tin sai để đánh lừa nhà chức trách trong các vụ hôn nhân giả, họ sẽ bị coi là phạm tội cung cấp thông tin giả với mức phạt tối đa là 5.000 USD và/hoặc bị phạt tù tối đa 6 tháng.

Với người nước ngoài, nếu dính vào kết hôn giả, họ có thể bị hủy visa ngắn hạn (visit pass) hoặc giấy phép lao động. Nếu vậy, về cơ bản họ không thể ở lại Singapore và có thể phải hồi hương.

Nhức nhối kết hôn giả ở Úc Nhức nhối kết hôn giả ở Úc

TTO - Cuối tháng 6, tại Cabramatta, một khu vực ngoại ô cách trung tâm thành phố Sydney (Úc) khoảng 30km về phía tây, tôi gặp Nguyễn Thu Hương (32 tuổi, tên nhân vật đã thay đổi), người trở thành công dân Úc cách đây hơn 4 năm nhờ... kết hôn giả.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên