17/06/2023 11:19 GMT+7

Cẩn trọng với bia miệng trên mạng

Nguyên chủ tịch một hãng hàng không bị phạt tiền do hành vi đăng tải trên tài khoản mạng xã hội những lời lẽ mang tính chất xúc phạm uy tín, danh dự của một lãnh đạo ngân hàng.

Cựu lãnh đạo Bamboo Airways Đ.T.T. bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì xúc phạm danh dự cá nhân trên mạng xã hội - Ảnh: CTV

Cựu lãnh đạo Bamboo Airways Đ.T.T. bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì xúc phạm danh dự cá nhân trên mạng xã hội - Ảnh: CTV

Đây được xem là biện pháp chế tài có tính chất cảnh báo, răn đe chung trong bối cảnh việc khai thác mạng xã hội như một phương tiện để bày tỏ thái độ không hài lòng ở đủ mọi cấp độ đang trở nên phổ biến, gây mất trật tự và bất an trong xã hội.

Miệt thị người khác bằng ngôn ngữ là điều không xa lạ với mọi người, được ghi nhận từ muôn thuở trong cuộc sống hằng ngày ở khắp mọi nơi. Nếu sự việc diễn ra ở nơi khép kín, như nhà riêng và chỉ có hai bên với nhau, thì tổn thương ít vì không có người thứ ba nào biết. 

Nhưng nếu sự việc diễn ra công khai, được nhiều người mắt thấy hoặc tai nghe hoặc cả hai thì chắc chắn diện mạo xã hội của người bị xúc phạm sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, càng nhiều người biết thì ảnh hưởng tiêu cực càng nghiêm trọng.

Bởi vậy luật pháp đặt ra những chế tài tương thích với thiệt hại mà hành vi miệt thị gây ra cho nạn nhân. Nếu thiệt hại nhẹ thì tùy theo mong muốn của bên bị thiệt hại mà nhà chức trách có biện pháp can thiệp: bên bị thiệt hại kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thì tòa thụ lý và xét xử, buộc xin lỗi, bồi thường thiệt hại tinh thần; còn nếu bên bị thiệt hại không kiện thì thôi. 

Nhưng nếu thiệt hại nặng thì ngay cả trong trường hợp bên bị thiệt hại không lên tiếng yêu cầu bảo vệ, nhà chức trách cũng có thể chủ động triển khai việc chế tài đối với bên kia, thậm chí bằng biện pháp hình sự. 

Lý do là trong trường hợp này, không chỉ bên bị thiệt hại, gọi là bên bị lăng nhục, gánh chịu hậu quả vật chất và tinh thần của hành vi miệt thị, mà xã hội cũng cảm thấy hoang mang trước thái độ sống coi thường người khác, coi thường dư luận.

Độ lan rộng của thông tin chuyển tải trên mạng xã hội rất lớn. Đặc biệt, người có tài khoản mạng xã hội càng nổi tiếng, càng được nhiều người theo dõi, thì có lời nói càng vang xa, rộng và tất nhiên là rất nhanh. 

Mặt khác thông tin đưa lên mạng xã hội có khả năng lưu giữ dài lâu trên nền tảng số: hàng chục, hàng trăm năm sau, thông tin vẫn nguyên vẹn.

Tất cả những đặc điểm đó của mạng xã hội có thể tạo điều kiện cho kênh thông tin này trở thành phương tiện không thể hiệu quả hơn đối với người muốn làm cho người khác thật đau bằng những lời miệt thị cay độc để đời. Bia miệng trên nền tảng số là thứ bia miệng vượt trội, thách thức không gian và thời gian.

Người làm luật cần phải lưu ý điều này, từ đó rà soát các quy định hiện hành về kiểm soát hành vi ứng xử trong không gian mạng và hoàn thiện khung pháp lý chi phối sinh hoạt, giao tiếp của con người trong không gian đặc biệt này. 

Nói riêng về việc lợi dụng sức lan tỏa thông tin của mạng xã hội để miệt thị nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, cần đặt ra chế tài tương ứng với mức độ nghiêm trọng của việc lan truyền thông tin. 

Chẳng hạn người có tầm ảnh hưởng càng lớn trên không gian mạng mà thực hiện hành vi thì biện pháp chế tài càng nặng so với người bình thường cũng thực hiện hành vi đó.

Xúc phạm chủ tịch Sacombank, cựu chủ tịch Bamboo Airways bị phạt tiềnXúc phạm chủ tịch Sacombank, cựu chủ tịch Bamboo Airways bị phạt tiền

Ông Đ.T.T. - cựu chủ tịch hãng bay Bamboo Airways - bị xử phạt 7,5 triệu đồng do đã đăng tải thông tin xúc phạm uy tín, danh dự đối với cá nhân trên mạng xã hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên