06/01/2023 19:04 GMT+7

Sao chưa thấy làn đường riêng cho hộ chiếu Việt Nam?

Sau khi biên giới các nước mở cửa, tôi tranh thủ đi du lịch nhiều hơn và có dịp quan sát khâu xuất nhập cảnh ở các sân bay.

Sao chưa thấy làn đường riêng cho hộ chiếu Việt Nam? - Ảnh 1.

Dân châu Âu xếp vào hàng dành riêng cho hộ chiếu EU ở sân bay Brussels (Bỉ) - Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Ở châu Âu, công dân các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) có thể dễ dàng scan trang đầu hộ chiếu gắn chip, chụp hình nhận dạng trước camera rồi nhanh chóng đi qua cổng tự động để đi ra nước ngoài hay trở về nước. 

Không có dấu mộc nào đóng trên passport vì tất cả đều được quản lý bằng hệ thống máy tính. Họ không cần gặp nhân viên sân bay, xuất trình giấy tờ, không phải trả lời đi đâu hay từ đâu đến, ở bao nhiêu ngày, mục đích chuyến đi…

Không chỉ ở châu Âu mà sang các nước châu Á tiên tiến hoặc Mỹ, đều có làn đường cho người dân mang hộ chiếu nước sở tại hay thẻ thường trú nhân. 

Trong sáu tháng trở lại đây, tôi được dịp đến sân bay quốc tế JFK (Mỹ) và Narita (Nhật Bản). Du khách vừa mới xuống được nhân viên sân bay hướng dẫn vào hai làn đường chính: một là cho người nước ngoài, hai là người có hộ chiếu nước sở tại hay thẻ cư trú dài hạn. 

Tất nhiên là làn đường thứ hai thường vắng người hơn và được ra nhanh hơn.

Trở về Việt Nam, mỗi lần xuống máy bay qua cửa nhập khẩu, tôi ngán ngẩm cầm hộ chiếu Việt Nam rồi đi vào một trong những hàng dài lê thê ghi chữ "All passport" cùng với những du khách nước ngoài khác. 

Việc đi vào hàng nào cũng như "chơi xổ số" vì có hàng đi nhanh, có hàng đi rất chậm. Trước đại dịch, tôi còn cảm thấy may mắn khi được đi vào hàng dành cho người có hộ chiếu ASEAN nhưng đến nay thì thấy không còn nữa. 

Tôi hoan nghênh sân bay Tân Sơn Nhất có làn đường riêng dành cho người đi xe lăn giúp những người tàn tật hay cô chú lớn tuổi đi ra dễ dàng và nhanh chóng. 

Nhưng tôi cũng có một góp ý là du khách xuống máy bay nên được xếp vào một hàng thôi rồi tách ra đi vào các quầy nhập cảnh. Như thế ai xuống trước sẽ được xét giấy tờ ra trước. 

Xếp một hàng thay vì nhiều hàng song song cũng giúp tránh trường hợp mọi người chen lấn, xô đẩy nhau để chạy vào hàng mới khi một quầy xuất nhập cảnh mới được mở. 

Và sẽ còn hay hơn nữa nếu sân bay Tân Sơn Nhất có thêm làn đường cho người có hộ chiếu Việt Nam, những người định cư lâu năm, có visa dài hạn. 

Tôi biết có những người bạn xa xứ đã từ chối cơ hội nhận những tấm hộ chiếu Đức, hộ chiếu Nhật vì họ không muốn từ bỏ quốc tịch Việt. Khi họ về quê hương Việt Nam, họ xứng đáng được đón chào, được đi làn đường dành riêng cho "người nhà".

Sao chưa thấy làn đường riêng cho hộ chiếu Việt Nam? - Ảnh 2.

Khách vừa xuống sân bay được nhân viên hướng dẫn vào đường cho dân Mỹ hay du khách (non-US) ở sân bay JFK - Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Sao chưa thấy làn đường riêng cho hộ chiếu Việt Nam? - Ảnh 3.

Làn đường cho người có hộ chiếu Nhật Bản tại sân bay Narita - Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Sao chưa thấy làn đường riêng cho hộ chiếu Việt Nam? - Ảnh 4.

Tại sân bay Kualar Lumpur cũng có làn đường riêng cho người có hộ chiếu Malay hay giấy cư trú dài hạn - Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Theo thông tư sửa đổi, mẫu hộ chiếu mới có chi tiết gì khác mẫu cũ?Theo thông tư sửa đổi, mẫu hộ chiếu mới có chi tiết gì khác mẫu cũ?

Theo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan, mẫu hộ chiếu mới có những điểm gì khác mẫu cũ?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên