26/10/2021 08:09 GMT+7

Cần làm gì khi trao thêm quyền cho công an xã?

T.LONG - NGỌC AN
T.LONG - NGỌC AN

TTO - Ngày 25-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự.

Cần làm gì khi trao thêm quyền cho công an xã? - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Văn Cường - Ảnh: TTXVN

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã, tương đương với trách nhiệm của công an phường, thị trấn và đồn công an.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cho rằng cần đánh giá kỹ, xem xét lại việc bổ sung quyền hạn cho công an xã. Bà An kiến nghị cùng với việc giao thêm quyền hạn, nhiệm vụ mới cần đánh giá thêm về năng lực, nghiệp vụ, điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo tính khả thi. Nếu sau đánh giá nhận thấy chưa đáp ứng được ngay, cần tiếp tục đào tạo, tập huấn, trang bị cơ sở vật chất.

Giải trình trước Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho hay lực lượng công an chính quy đã được đưa về cơ sở khá nhiều và đang tiếp tục triển khai. Lực lượng này về mặt năng lực, chuyên môn có thể đáp ứng được yêu cầu nhưng luật hiện hành chưa cho phép. Việc bổ sung quy định này nhằm phát huy năng lực của công an xã giúp giải quyết các vụ việc được ngay tại chỗ. Nếu giải quyết tốt được sẽ giảm tải áp lực cho lực lượng của công an huyện hiện đang quá tải.

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thống kê. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị phải luật hóa kê khai thông tin thống kê bằng kho tư liệu số. Đây chính là tiền đề chuyển đổi số quốc gia, điều kiện tiên quyết để chuyển đổi kinh tế số.

Giải trình, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định sẽ cố gắng triệt để sử dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng hiệu quả thống kê.

Vẫn còn nói dài, lãng phí thời gian

Các phiên thảo luận hội trường tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV dù tổ chức trực tuyến nhưng do tín hiệu đường truyền tốt nên cả việc điều hành của chủ tọa và phần phát biểu của đại biểu thuận lợi, suôn sẻ như các phiên họp trực tiếp. Tuy nhiên một hạn chế lâu nay vẫn tái diễn là việc đại biểu phát biểu dông dài, đọc lại nội dung tờ trình cũng như báo cáo thẩm tra thay vì đi ngay vào trọng tâm kiến nghị.

Quốc hội quy định đại biểu phát biểu tối đa 7 phút và nói nội dung gì là quyền của đại biểu, nhưng thiết nghĩ một số đại biểu cũng nên xem lại cách phát biểu để thảo luận hiệu quả hơn. Mục tiêu cao nhất khi phát biểu hẳn đại biểu mong ý kiến được lắng nghe và tiếp thu. Vậy ngoài cách biểu đạt, nội dung trình bày sẽ rất quan trọng nhằm đạt mục tiêu.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành gần đây đã phải nhắc đại biểu "chữa bệnh" này. Ông nhắc đại biểu không nói lại ý của đại biểu khác hay phân tích quá kỹ các nội dung đã được tiếp thu, giải trình. Thời gian có hạn trong khi còn nhiều đại biểu đăng ký phát biểu, đề nghị các đại biểu cố gắng nói gọn.

TIẾN LONG

'Tăng quyền cho công an xã được tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm là cần thiết'

TTO - Các đại biểu Quốc hội đồng tình bổ sung chức năng tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của công an xã tại phiên thảo luận ở tổ vào chiều 20-10 về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự.

T.LONG - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên