Cần chi app khi đã có AI?

HOA KIM 28/03/2024 06:25 GMT+7

TTCT - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra cánh cửa đến một tương lai nơi người dùng không còn phải bận tâm mình đang tương tác với ứng dụng (app) nào.

Rabbit R1 (trái) và AI Pin

Rabbit R1 (trái) và AI Pin

Dự đoán về ngày tàn của các ứng dụng di động đã được đưa ra từ lâu khi các trợ lý ảo tích hợp như Siri, Google Assistant có thể thực hiện nhiều tác vụ khác nhau thay thế những ứng dụng với chức năng đơn lẻ.

Với các bước tiến gần đây của AI, giới quan sát công nghệ lại được dịp xôn xao về viễn cảnh một chiếc điện thoại thông minh không còn ứng dụng, trong đó mọi tương tác được thực hiện thông qua giao diện của một hệ điều hành AI có khả năng biến hóa để thích nghi với từng nhu cầu từ người dùng.

Làn sóng phi ứng dụng

Đang có một làn sóng các công ty tạo ra cái gọi là "điện thoại và thiết bị tiện ích phi ứng dụng", tận dụng những tiến bộ của AI để xử lý tất cả các loại tác vụ thông qua một giao diện duy nhất, bỏ qua nhu cầu về các app đơn lẻ cho từng chức năng cụ thể. 

Nổi bật cho xu hướng này là Ai Pin - chiếc ghim cài áo có thể thay thế smartphone của Công ty Humane, dù sản phẩm này bị tạp chí MIT Technology Review xếp vào danh sách "những thất vọng công nghệ" năm ngoái (TTCT số 51-2023).

Với mức giá từ 699 USD, Ai Pin được hỗ trợ bởi một trợ lý ảo được tích hợp nhiều AI khác nhau trong đó có ChatGPT, đi kèm lời giới thiệu là được thiết kế để giúp người dùng giảm sự phụ thuộc vào điện thoại thông minh. 

Người dùng có thể tương tác với Ai Pin thông qua bề mặt cảm ứng, bằng cử chỉ bàn tay hoặc bằng giọng nói. Camera đi kèm cho phép chụp ảnh và quay video (có đèn báo camera đang hoạt động để tránh chụp lén) và một máy chiếu laser siêu nhỏ giúp biến lòng bàn tay thành "màn chiếu" di động nhằm hiển thị các thông tin như tin nhắn hay menu tiện ích. 

Khi ở trong chế độ trình chiếu, người dùng chỉ cần nghiêng bàn tay để điều hướng, đồng thời chạm nhẹ ngón trỏ và ngón cái để thực hiện thao tác lựa chọn. Sản phẩm đã mở đặt trước ở Mỹ từ tháng 11-2023 và dự kiến giao đến tay những khách hàng đầu tiên từ tháng 4 năm nay.

Ảnh: HUMANE

Ảnh: HUMANE

Tại Hội chợ điện tử tiêu dùng (CES) năm ngoái, Công ty Rabbit ra mắt trợ lý ảo di động R1, một thiết bị nhỏ gọn hơn điện thoại nhưng có thể thực hiện nhiều công việc chỉ thông qua kích hoạt bằng giọng nói, như đặt xe công nghệ hoặc mua vé máy bay. 

Thay vì mở điện thoại lên, tìm kiếm một ứng dụng và thao tác nhiều lần trên màn hình để đạt được mục đích, bạn chỉ cần nhấn giữ một nút trên thiết bị Rabbit R1 và nói ra mệnh lệnh dành cho trợ lý ảo này.

Gần đây hơn, tại Triển lãm di động toàn cầu 2024 (MWC 2024) diễn ra ở Barcelona cuối tháng 2, Deutsche Telekom - công ty mẹ của nhà mạng viễn thông T-Mobile - cũng đã hé lộ ý tưởng về mẫu điện thoại Android T-Phone có thể tạo ra giao diện "động" dựa trên những gì người dùng đang cần, thay vì một màn hình tràn ngập ứng dụng để lựa chọn như thường thấy.

Một công ty mới của Lithuania mang tên A Phone, A Friend cũng đang trong giai đoạn phát triển nguyên mẫu cho chiếc điện thoại thông minh với cốt lõi là giao diện trợ lý kỹ thuật số bằng giọng nói mà không cần bất kỳ ứng dụng nào. 

"Tôi có thể nói với các bạn rằng trong vòng 5-10 năm nữa, không ai trong chúng ta sẽ còn sử dụng ứng dụng nữa" - Reuters dẫn phát biểu đầy tự tin của CEO Deutsche Telekom Tim Höttges tại MWC 2024.

Hệ điều hành AI "hướng người dùng"

Brain Technologies là công ty phát triển mô hình ngôn ngữ lớn được sử dụng trong mẫu điện thoại T-Phone của Deutsche Telekom. Tại WMC 2024, người sáng lập Brain Technologies Jerry Yue đã minh họa một số khả năng của chiếc điện thoại này cho cây bút Julian Chokkattu của trang Wired.

Bằng giọng nói, ông yêu cầu điện thoại tìm vé máy bay cho hai người từ San Francisco đến New York vào ngày 14-3. Giao diện trên màn hình lập tức thay đổi để phù hợp với việc hiển thị danh sách chuyến bay. 

Vị CEO chọn một chuyến bay phù hợp từ danh sách, kiểm tra lại thông tin và hoàn tất giao dịch bằng cách thanh toán qua Google Pay - tất cả diễn ra trong màn hình chính mà người dùng không cần tự tay mở một ứng dụng thứ ba nào.

Trong một ví dụ khác, Yue yêu cầu điện thoại tìm một món quà cho người bà của ông, giao diện một lần nữa thay đổi để thích ứng với thông tin cần hiển thị - lần này là danh sách sản phẩm kèm theo giải thích ngắn gọn tại sao nó là món quà phù hợp.

Yue cho biết công nghệ mà công ty ông tiên phong phát triển có thể gọi là "mô hình hành động lớn" (large action model) bởi nó tập trung vào khả năng cho phép trợ lý AI thực hiện các tác vụ từ yêu cầu đầu vào. 

Brain Technologies có thể chủ động tạo ra giao diện cho hơn 4 triệu chức năng khác nhau mà công ty đã đào tạo mô hình của mình kể từ năm 2016, bao gồm hầu hết mọi thứ bạn có thể làm trên một chiếc máy tính hay điện thoại, theo Wired. "Thay vì truy cập các ứng dụng, các ứng dụng sẽ đến với bạn" - Wired dẫn lời Yue.

Giao diện Brain Technologies

Giao diện Brain Technologies

Apple, một trong những ông lớn công nghệ được đánh giá là khá từ tốn trong cuộc chạy đua AI cho đến nay, hồi tháng 12-2023 đã công bố nghiên cứu về phương pháp tốt nhất để chạy các mô hình ngôn ngữ lớn trên các thiết bị có khả năng tính toán giới hạn như smartphone. 

Điều này khiến giới quan sát đồn đoán Apple sẽ tung ra một hệ điều hành AI cho những mẫu điện thoại iPhone trong tương lai. "Hiện nay vẫn chưa có một hệ điều hành nào để (các mô hình ngôn ngữ lớn) có thể cắm vào và chạy… Mọi thứ cần phải được xây dựng cho một thế giới AI nếu muốn AI có thể hoạt động và nhân rộng" - trang PYMNTS dẫn lời Adrian Aoun, CEO của Công ty Forward chuyên về công nghệ phục vụ y tế.

Nhưng theo Yue, hiện tại chưa phải là thời điểm nhân loại có thể nói lời tạm biệt các ứng dụng: về bản chất, sản phẩm của Deutsche Telekom vẫn là một chiếc điện thoại Android có cài đặt các ứng dụng như thường. 

Điểm khác biệt chỉ là một lớp ảo hóa (hypervisor) AI giúp người dùng đơn giản hóa tương tác với các ứng dụng đó. Thay vì phải trả lời câu hỏi "làm như thế nào?", người dùng chỉ cần biết "tôi muốn làm gì?" và trợ lý thông minh đảm nhiệm phần việc còn lại.

"Mọi thứ hiện nay đều xoay quanh các ứng dụng. Chúng tôi muốn xây dựng một tương lai lấy con người làm trung tâm. Chúng tôi đang cố gắng trao cho người dùng nhiều quyền lực hơn trong mối quan hệ (với điện thoại thông minh). Ai xây dựng được giao diện người dùng tốt nhất tiếp theo sẽ là kẻ chiến thắng" - Yue nói với Wired.

Không dễ xóa sổ ứng dụng

Theo cây bút Hannah Cowton của trang Tech Advisor, quyền riêng tư là mối quan ngại lớn nhất trước bất kỳ ý định "nhất thể hóa" các ứng dụng nào. 

Một ví dụ đơn giản là các ứng dụng ngân hàng trực tuyến có cơ chế xác thực và mã hóa với tiêu chuẩn rất cao để người dùng có thể yên tâm khi biết rằng dữ liệu (là tiền) của mình được an toàn. 

Tương tự, các ứng dụng nhắn tin phổ biến như WhatsApp, Messenger có tiêu chuẩn mã hóa đầu cuối để đảm bảo giao tiếp giữa các người dùng không được đọc bởi bên thứ ba.

Liệu việc xóa sổ các ứng dụng và giao tiếp hoàn toàn qua một hệ điều hành AI hợp nhất có mở ra nguy cơ thông tin giao dịch ngân hàng bị các nền tảng mạng xã hội "nghe lén" hay tin nhắn riêng tư bị đọc bởi một sàn thương mại điện tử không? Không ai dám chắc điều đó không thể xảy ra.

Cần chi app khi đã có AI?- Ảnh 4.

Xử lý các tính toán AI còn đòi hỏi phần cứng đủ mạnh. Tích hợp AI ngay trong điện thoại thông minh là khả thi nhờ các dòng chip hiệu suất cao thế hệ mới, nhưng có lẽ khả năng của chúng chỉ dừng lại ở những yêu cầu đơn giản như tạo ra ảnh một chú mèo ăn bánh pizza. 

Để một chiếc điện thoại phi ứng dụng có thể hoạt động hết khả năng, việc kết nối đến đám mây để xử lý yêu cầu người dùng trên máy chủ là không thể tránh khỏi, mở ra một lo ngại khác về việc đảm bảo kết nối đó bảo mật và riêng tư.

Một băn khoăn khác là làm thế nào một chiếc điện thoại không có ứng dụng có thể hài hòa lợi ích của các nhà cung cấp nội dung như TikTok, Instagram, Twitter hay Facebook vốn sống dựa vào doanh thu quảng cáo và tương tác của người dùng. 

Nếu người dùng yêu cầu xem "video dạy làm bánh kem", liệu hệ điều hành sẽ lấy video từ YouTube, Facebook hay một nền tảng nào khác? Hoặc nếu người dùng muốn tìm mua một món đồ nào đó, liệu rằng giữa vô số sàn thương mại điện tử như Amazon, Shopee hay Lazada thì đâu sẽ là nền tảng được lựa chọn để lấy kết quả?

"Không rõ khía cạnh này của Internet sẽ hoạt động như thế nào trên một chiếc điện thoại không có ứng dụng. Bạn vẫn có thể sử dụng yêu cầu bằng giọng nói để đăng tải lên các nền tảng này, hay sẽ có một thế giới mà những nền tảng này hoàn toàn không tồn tại, hay chỉ có một nơi duy nhất cho tất cả mọi hoạt động?" - Cowton đặt câu hỏi.

Trước trào lưu thay thế ứng dụng bằng AI, từng có một chiếc điện thoại tạo tranh luận cũng bằng triết lý "không ứng dụng" nhưng lại không thay thế chúng bằng thứ gì. Light Phone được xếp vào thể loại điện thoại kém thông minh với phương châm "càng ít được sử dụng càng tốt".

Với giá từ 299 USD và thiết kế nhỏ gọn như thiết bị nghe nhạc iPod Nano, Light Phone cho phép người dùng thoát khỏi thế giới trực tuyến khi mọi thiết kế và tính năng được đơn giản hóa đến mức tối thiểu, màn hình trắng đen đồng thời nói không với các ứng dụng mạng xã hội hay trình duyệt web.

Tuy nhiên, cây bút Jordan Hart của trang Business Insider cho biết cô không chịu nổi quá một tuần sau khi từ bỏ điện thoại iPhone 14 Pro Max để chuyển sang Light Phone 2 với mong muốn thải độc công nghệ.

"Light Phone giúp tôi sống trong hiện tại và nhận thức rõ hơn về môi trường xung quanh nhưng tôi thấy mình thiếu đi sự tiện lợi khi có máy ảnh, máy tính và sự kết nối đến thế giới rộng lớn hơn ở ngay trong túi quần" - Hart viết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận