12/09/2022 08:11 GMT+7

Cán bộ 'lệch chuẩn' nên từ chức

TS NGUYỄN VĂN ĐÁNG
TS NGUYỄN VĂN ĐÁNG

TTO - Quyết tâm phòng chống tiêu cực, tham nhũng của Đảng, Nhà nước trong hai nhiệm kỳ đại hội gần đây được thể hiện rõ nhất qua số lượng cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao, bị kỷ luật.

Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã có tới 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật. Những con số này có thể sẽ chưa dừng lại trong thời gian tới.

Thực tế nêu trên là minh chứng cho quan điểm "không có vùng cấm" trong nỗ lực thanh lọc và thay thế đội ngũ cán bộ suy thoái, biến chất, từng bước củng cố và vun đắp lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chế độ. 

Tuy nhiên, một nghịch lý đang diễn ra là người dân chưa thấy cá nhân cán bộ nào xin từ nhiệm, từ chức với lý do bị kỷ luật. Chưa thấy ai công khai tuyên bố bản thân cảm thấy bị mất uy tín, khó hoàn thành vai trò lãnh đạo, quản lý nên xin được từ chức. Đây là một thực tế nhức nhối, ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của nhân dân.

Vấn đề đặt ra là với nhóm cán bộ vi phạm kỷ luật tổ chức mà chưa đến mức bị xử lý hình sự thì họ vẫn có thể tiếp tục đảm nhiệm các vị trí trong hệ thống chính trị và cơ quan công quyền. Nếu họ không tự giác xin rút lui khỏi vị trí đang đảm nhiệm thì rất khó thay thế họ theo các quy định pháp lý.

Quy định số 80 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử mới đây đã nhìn trực diện vào vấn đề nêu trên cùng những giải pháp cụ thể. Theo đó, cán bộ bị kỷ luật không được phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian tương ứng với mức độ và hình thức kỷ luật từ 12 - 60 tháng. 

Với những cán bộ đang trong thời hạn thi hành kỷ luật mà không thuộc diện phải xem xét miễn nhiệm, cho từ chức theo quy định số 41-QĐ/TW thì cấp có thẩm quyền sẽ cân nhắc thấu đáo việc bổ nhiệm lại hoặc giới thiệu tái cử.

Bộ Chính trị cũng có kết luận chủ trương khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút thì nên tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền sẽ xem xét miễn nhiệm theo quy định. Sau khi từ chức hoặc bị miễn nhiệm, cán bộ vẫn sẽ được bố trí công tác phù hợp.

Vi phạm kỷ luật đảng hay vi phạm pháp luật, dù ở mức độ nào thì những cán bộ lệch chuẩn cũng đã xâm phạm các giá trị và lợi ích công, trái với sự kỳ vọng, mong đợi của nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin vào thể chế công. 

Sự lệch chuẩn đến mức bị kỷ luật sẽ làm giảm tính chính danh của cá nhân ở vị trí lãnh đạo, quản lý. Do đó uy tín cá nhân, khả năng dẫn dắt và truyền cảm hứng sẽ bị suy giảm nghiêm trọng, đặt cá nhân trước nguy cơ thất bại trong vai trò lãnh đạo, quản lý.

Một hệ thống quản trị quốc gia đề cao ý thức trách nhiệm, danh dự, liêm sỉ và lòng tự trọng của cán bộ thì không chỉ duy trì được lòng tin nơi nhân dân mà còn phải bảo đảm được vị thế vững chắc của Đảng với tư cách hạt nhân lãnh đạo. 

Vì vậy, khuyến khích tinh thần tự giác xin từ chức và hướng tới xây dựng văn hóa từ chức là chủ trương đúng đắn nhằm từng bước vun đắp văn hóa chính trị, công vụ.

Cán bộ bị kỷ luật: nên từ chức! Cán bộ bị kỷ luật: nên từ chức!

TTO - Đây là ý kiến của một số chuyên gia khi chia sẻ cùng Tuổi Trẻ sau khi Bộ Chính trị có khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.

TS NGUYỄN VĂN ĐÁNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: kỷ luật từ chức