13/08/2015 08:06 GMT+7

Làm sao để ngày khai trường thật vui

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG

TT - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu và nói tiếp: "Tôi mong ngành GD-ĐT tiếp thu ý kiến và chỉ đạo các nhà trường cố gắng làm được điều nhỏ bé này" .

Cô Nguyễn Phương Hằng đang hướng dẫn học sinh lớp 1/1 cách đưa tay phát biểu trong ngày tựu trường ở Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận Tân Bình, TP.HCM vào sáng 11-8 - Ảnh: Như Hùng
Hãy làm sao để ngày khai trường thật vui, ấn tượng với tất cả học sinh, nhất là những cháu bé lần đầu đến trường, các cháu học sinh vừa bước sang một bước ngoặt vào cấp học mới; làm sao để ngày khai trường là của thầy và trò, thể hiện tình cảm của thầy trò. Tôi mong ngành GD-ĐT tiếp thu ý kiến và chỉ đạo các nhà trường cố gắng làm được điều nhỏ bé này.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Tại hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015 và triển khai nhiệm vụ năm học mới tổ chức ngày 12-8, Bộ GD-ĐT đã phát phiếu thăm dò việc ấn định một ngày duy nhất tổ chức lễ khai giảng năm học mới. 

Hàng trăm phiếu thăm dò được phát ra với nội dung: “Tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2015 - 2016 vào ngày 5-9 hay 4-9?”. Đa số phiếu được điền vào ô “ngày 5-9”. Nếu việc thăm dò ý kiến được thống nhất theo hướng này, thì lễ khai giảng năm học mới năm nay sẽ được thống nhất tổ chức vào một ngày duy nhất, đó là ngày 5-9.

Lễ khai trường là của thầy và trò

Sở dĩ có việc thăm dò trên là do Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến góp ý của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị.

Khi trao đổi với Bộ GD-ĐT về những việc cụ thể, gần gũi nhưng có ý nghĩa giáo dục học sinh mà ngành GD-ĐT nên lưu tâm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói: “Khai giảng là ngày hội các cháu đến trường. Nhưng nhiều năm nay, trời nắng hay mưa thì các cháu vẫn phải xếp hàng chờ đợi người đến dự, nhất là các cháu tiểu học. Lễ khai giảng lại dành nhiều thời gian cho các bài phát biểu mà phần lớn các cháu không để ý, không hiểu”.

“Năm nay theo tôi chỉ nên chọn một ngày khai giảng. Nội dung lễ khai giảng chỉ nên làm đúng nghi lễ cần thiết là chào cờ, hát quốc ca. Nếu được thì cả nước làm một lúc, cùng một thời khắc hát quốc ca. Hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn thôi. Những điều cụ thể như thế nên làm, thật sự vì các cháu học sinh” - Phó thủ tướng đề nghị.

Ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nằm ngoài các nội dung chuẩn bị tham luận và chủ đề mà hội nghị hướng đến nhưng lập tức đã có được sự chia sẻ, đồng tình của khá nhiều người tham dự hội nghị. “Giáo dục phải gần gũi, thân thiện, phải đặt vào đó quyền lợi, mong muốn của học sinh” là chia sẻ chung của nhiều người tham dự. 

Chia sẻ bên lề hội nghị với Tuổi Trẻ, PGS Trần Xuân Nhĩ, phó chủ tịch Hội Khuyến học VN, nói: “Tôi rất đồng tình với suy nghĩ và đề nghị của Phó thủ tướng. Lâu nay lễ khai giảng năm học bị biến thành ngày lễ của người lớn, nơi các cháu học sinh phải đến trường rất sớm để xếp hàng chờ đợi đại biểu đến dự, nơi phần lớn thời gian được dành để giới thiệu đại biểu, để nghe nhà trường báo cáo thành tích, và các đại biểu đọc những bài phát biểu dài mà học sinh không hiểu, không quan tâm, không thấy cảm động. Tôi nghĩ nếu có thể được thì mạnh dạn thay đổi, cả nước cùng thay đổi”.

Ông Nguyễn Thanh Bình, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cũng cho rằng: “Ý kiến của Phó thủ tướng là xác đáng. Lễ khai giảng nên tổ chức gọn, nhẹ, không rườm rà nhưng phải trang nghiêm và long trọng. Phần còn lại của buổi khai giảng nên là phần “hội” cho học sinh biểu diễn văn nghệ, thể thao, chơi trò chơi. Phần phát biểu của lãnh đạo địa phương đa số là nhắn nhủ với nhà trường, giáo viên, vì thế không nhất thiết bắt học sinh phải nghe. Nếu sau phần “lễ” mà tổ chức được một buổi tọa đàm giữa lãnh đạo địa phương với ban giám hiệu trường, giáo viên, ban đại diện phụ huynh... thì quá tốt. Lãnh đạo cũng có dịp được nghe ý kiến, tâm tư của giáo viên, phụ huynh để có sự chỉ đạo sâu  sát hơn”.

Mặc dù vậy, nhưng theo một hiệu trưởng trường phổ thông ở TP.HCM (đề nghị không nêu tên): "Nếu thay đổi thì phải bắt đầu từ chính các vị lãnh đạo địa phương chứ không phải ngành GD-ĐT. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu rất rõ nỗi khổ của học sinh và cả giáo viên khi chuẩn bị cho lễ khai giảng. Nhất là khi buổi lễ đó có sự tham dự của lãnh đạo địa phương và ngành giáo dục. Từ xưa tới nay, truyền thống của ta là cứ có lãnh đạo thì lãnh đạo đó sẽ phát biểu chỉ đạo. Bây giờ thử hỏi có trường nào dám “cắt” tiết mục đó không? Tuy nhiên, nếu chính các lãnh đạo đề nghị không phát biểu mà chỉ lên đánh trống khai trường thôi thì chúng tôi mừng quá, học sinh của chúng tôi đỡ phải đứng thêm 30 - 40 phút để nghe những điều các em không thể hiểu nổi”.

Bắt đầu từ những điều nhỏ

Đề cập đến những hạn chế của năm học trước, trong đó có hạn chế trong việc giáo dục đạo đức, phẩm chất học sinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã nói: “Nội dung chương trình môn đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục chính trị hiện nay còn nặng về lý thuyết; giáo viên các bộ môn chưa chú trọng tích hợp, lồng ghép giáo dục đạo đức lối sống vào các môn học của mình; công tác tư vấn tâm lý học đường chưa đáp ứng yêu cầu. Việc giáo dục kỹ năng sống thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai: như cơ sở vật chất trong các nhà trường chưa đáp ứng yêu cầu vui chơi, rèn luyện sức khỏe cho học sinh, ngân sách bố trí cho công tác này còn hạn chế...”.

Bàn tiếp về hạn chế này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: “Chúng ta ai cũng biết cả xã hội đang có rất nhiều bức xúc... Từ các chuyện nhỏ là không tôn trọng Luật giao thông, vệ sinh công cộng bừa bãi, chen lấn không xếp hàng nơi công cộng... đến chuyện tội phạm vị thành niên. Đương nhiên tất cả những việc đó có trách nhiệm của toàn xã hội, nhưng rõ ràng ngành giáo dục có một phần trách nhiệm rất quan trọng. Cần giáo dục đạo đức rất nhiều, nhưng có một điều chắc chắn rằng: nếu thầy giáo không gương mẫu thì cho dù có tuyên truyền như thế nào đi chăng nữa, ảnh hưởng đến các cháu cũng sẽ bớt tác dụng. Bây giờ tôi lấy ví dụ, dạy các cháu phải gọn gàng sạch sẽ nhưng trong trường không sạch sẽ, dây điện loằng ngoằng, chỉ sạch những chỗ nhìn thấy, còn những chỗ khuất rác, mạng nhện đầy thì làm sao các cháu nghe lời dạy được, nghe nhưng không có vào”.

Theo Phó thủ tướng, ngoài việc “nêu gương” của người lớn thì nên khôi phục, duy trì những việc làm, hoạt động cụ thể, gần gũi đối với học sinh. Ví như nề nếp tập thể dục đầu giờ, giữa giờ của học sinh phổ thông trước đây làm rất tốt, nhưng sau cứ lỏng dần. “Bài thể dục đầu giờ, giữa giờ không chỉ giúp học sinh vận động, tập thể lực mà là hình thành ý thức rèn luyện sức khỏe” - Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhắc lại nội dung “Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng”, nhắc tới khẩu hiệu từng quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh trước đây sau bài thể dục giữa giờ: “Rèn luyện thân thể, bảo vệ Tổ quốc”. Ông cho rằng những nội dung giản dị, hằng ngày thấm dần vào mỗi học sinh là cách giáo dục tốt nhất và đây là hướng ngành GD-ĐT nên lưu tâm. Khi nói về đội ngũ giáo viên, ông cũng cho rằng cho dù ngành GD-ĐT có đưa ra nhiều nội dung, mục tiêu khác nhau thì vấn đề cốt lõi không bao giờ cũ đối với người thầy vẫn là dạy tốt và hết lòng vì học sinh.

 Những nhiệm vụ năm học 2015 - 2016

1. Đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo.

2. Đổi mới chương trình giáo dục, công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục; tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

3. Rà soát sắp xếp mạng lưới trường lớp, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân.

4. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

5. Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và tăng nguồn lực đầu tư.

6. Hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo.

7. Tiếp tục duy trì công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập.

8. Tăng cường hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

9. Đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.

10. Tiếp tục triển khai Đề án ngoại ngữ 2020.

(Nguồn: Bộ GD-ĐT)

 

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên