11/08/2023 11:30 GMT+7

Bóng ma Evergrande tái diễn khi doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Trung Quốc có dấu hiệu 'hết tiền'

Country Garden - doanh nghiệp bất động sản từng lớn nhất Trung Quốc - rơi vào khủng hoảng tài chính, dấy lên lo ngại về đế chế bất động sản thứ hai vỡ nợ sau Evergrande.

Logo của Công ty Country Garden trên nóc một dãy nhà tại thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô - Ảnh: AFP

Logo của Công ty Country Garden trên nóc một dãy nhà tại thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô - Ảnh: AFP

Theo báo New York Times, chỉ trong 10 ngày đầu tháng 8, Country Garden - doanh nghiệp bất động sản có doanh số lớn nhất Trung Quốc - đã khiến các nhà đầu tư hoảng hốt hai lần.

Ngày 1-8, công ty này đã hủy bỏ kế hoạch phát hành cổ phiếu trị giá 300 triệu USD. Đến ngày 7-8, công ty không thể chi trả đúng hạn lãi suất cho hai loại trái phiếu được họ phát hành bằng đồng USD dù số tiền phải trả 22,5 triệu USD, tương đối nhỏ so với quy mô nhiều tỉ USD của Country Garden. Tuy nhiên, việc chậm chi trả vẫn cho thấy tình trạng thiếu tiền mặt nói riêng và khó khăn tài chính nói chung của Country Garden.

Doanh thu lên đỉnh, hạ đáy

Theo Hãng tin Bloomberg, tâm lý lo ngại của nhà đầu tư được thể hiện lập tức qua việc giá cổ phiếu của Country Garden giảm đến 8,9% trên sàn giao dịch Hong Kong vào ngày 9-8, chạm mức thấp nhất từ tháng 11-2022 đến nay. Ba đơn vị môi giới chứng khoán lớn do đó đã hạ bậc mã này.

Nhìn rộng hơn, từ đầu năm 2023 đến nay, giá trị thị trường của Country Garden đã giảm đến hơn nửa. Điều này trái ngược với khoảng một năm trước, khi công ty này được chính quyền Trung Quốc biểu dương là công ty bất động sản hình mẫu.

Năm 2022, Country Garden hưởng lợi lớn từ các biện pháp kích thích ngành bất động sản từ Chính phủ Trung Quốc. Với các gói hỗ trợ kinh tế, công ty này dễ tiếp cận các khoản vay hơn, bất chấp việc nhiều doanh nghiệp khác gặp trục trặc.

Nhờ đó, trong giai đoạn này, Country Garden đã thu về doanh số lên đến gần 50 tỉ USD.

Báo New York Times giải thích các khó khăn tài chính Country Garden đang đối mặt xuất phát từ việc doanh số bán căn hộ giảm mạnh. Số người Trung Quốc muốn mua nhà hiện đã ít hơn trước rất nhiều. Điều này khiến doanh thu của các hợp đồng đã thống nhất giữa Country Garden và người mua giảm gần 1/3 trong sáu tháng đầu năm.

Hy vọng với Country Garden được thắp lên đôi chút khi Bắc Kinh thông qua một số chính sách giúp đỡ khu vực bất động sản vào hồi tháng 7. Song, hầu hết các chính sách này lại nhằm vào các thành phố lớn như Thâm Quyến và Thượng Hải, trong khi thị trường chính của Country Garden lại là các đô thị nhỏ.

Viễn cảnh Evergrande quay lại với Trung Quốc

Một phức hợp nhà ở tại thành phố Trấn Giang được xây bởi công ty bất động sản Evergrande, vốn đã phá sản hồi cuối năm 2021 - Ảnh: AFP

Một phức hợp nhà ở tại thành phố Trấn Giang được xây bởi công ty bất động sản Evergrande, vốn đã phá sản hồi cuối năm 2021 - Ảnh: AFP

Tình hình hiện tại của Country Garden gợi nhớ thị trường về cách mà Evergrande - một đế chế bất động sản khác của Trung Quốc - đã vỡ nợ hồi cuối năm 2021.

Sự sụp đổ của Evergrande vừa báo hiệu sự bắt đầu, cũng là một trong những tác nhân đẩy nhanh cuộc khủng hoảng thị trường nhà ở Trung Quốc. Kể từ Evergrande, doanh số căn hộ sụt giảm nghiêm trọng. Các công ty bất động sản, dù lớn hay nhỏ, đều lần lượt rơi vào tình trạng chật vật trả nợ.

Các dự án bất động sản đã mọc lên quá nhiều, trong khi khó khăn của nền kinh tế khiến người dân không thể tính chuyện mua nhà.

Bà Kristy Hung - chuyên gia phân tích của Bloomberg - nhận định: "Country Garden nắm số dự án nhiều gấp bốn lần Evergrande. Do đó, mọi viễn cảnh vỡ nợ của họ đều sẽ ảnh hưởng thị trường nhà đất Trung Quốc nhiều hơn Evergrande.

Bất kỳ cuộc khủng hoảng nợ nào của Country Garden đều sẽ tác động sâu rộng lên thái độ của thị trường và có thể làm suy giảm niềm tin của người mua vào các công ty bất động sản có tình hình tài chính tốt".

Tình hình của Country Garden có phần tiêu cực hơn khi dù trả được phần trái tức đang nợ, công ty này vẫn sẽ phải trả nhiều đợt trái tức khác trong từng tháng còn lại của năm 2023.

Bên cạnh đó, khoảng 2,4 tỉ USD trái phiếu được giữ bởi các nhà đầu tư Trung Quốc và 2 tỉ USD trái phiếu giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ đến hạn tất toán vào cuối năm 2024.

Lo sợ vỡ nợ, thị trường bất động sản Trung Quốc lại dậy sóngLo sợ vỡ nợ, thị trường bất động sản Trung Quốc lại dậy sóng

Hai năm sau chấn động vỡ nợ của Tập đoàn bất động sản Evergrande, những lo lắng về tình trạng vỡ nợ của 2 nhà phát triển khác lại khiến thị trường nhà đất Trung Quốc dậy sóng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên