22/04/2024 17:38 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Việt Nam rút ra được nhiều bài học từ Hiệp định Geneve

Việt Nam đã học được nhiều kinh nghiệm từ Hiệp định Geneve năm 1954, xem đây là cuốn cẩm nang quý báu kể từ đó đến nay, theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ cộng hòa Tạ Quang Bửu (phải) ký Hiệp định Geneve - Ảnh: TTXVN

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ cộng hòa Tạ Quang Bửu (phải) ký Hiệp định Geneve - Ảnh: TTXVN

Ngày 21-7-1954, Hiệp định Geneve được ký kết sau 75 ngày đàm phán căng thẳng và phức tạp.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động toàn cầu và 70 năm ngày ký hiệp định, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa của sự kiện lịch sử này.

Hiệp định Geneve - điều ước quốc tế đa phương đầu tiên của Việt Nam

Nhắc lại đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Hội nghị Geneve đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh đây là lần đầu tiên trong lịch sử, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được khẳng định trong một điều ước quốc tế, được các nước tham gia Hội nghị Geneve công nhận và tôn trọng.

Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm ở Việt Nam, mở ra một chương mới trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Việc ký kết Hiệp định Geneve, theo bộ trưởng Bộ Ngoại giao, không chỉ là một mốc son lịch sử của dân tộc Việt Nam, mà còn mang ý nghĩa thời đại.

Đây là thắng lợi chung của ba nước Đông Dương và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Hiệp định này cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ mạnh mẽ cho các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, mở đầu cho thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.

Với nền ngoại giao Việt Nam, Hiệp định Geneve là điều ước quốc tế đa phương đầu tiên nước ta tham gia đàm phán, ký kết và thực thi. Điều này không chỉ khẳng định vị thế quốc gia độc lập và có chủ quyền của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của nền ngoại giao Việt Nam.

Hiệp định Geneve cũng đã để lại nhiều bài học quý báu và tôi luyện nên nhiều nhà ngoại giao ưu tú trong thời đại Hồ Chí Minh.

Những bài học rút ra cho Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Ảnh: DUY LINH

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Ảnh: DUY LINH

"Có thể nói quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneve là một cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trả lời khi được hỏi về những bài học Việt Nam rút ra được từ hiệp định.

Những kinh nghiệm này đã được kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris 1973 sau này, cũng như trong công tác đối ngoại hiện nay.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao chỉ rõ bên cạnh những bài học về nguyên tắc như bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, kiên định độc lập, tự chủ trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc, Hiệp định Geneve còn để lại "nhiều bài học còn nguyên giá trị về phương pháp và nghệ thuật ngoại giao mang đậm bản sắc ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh".

Đó là bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đoàn kết dân tộc gắn kết với đoàn kết quốc tế để tạo nên "một sức mạnh vô địch". Trong quá trình đàm phán Hiệp định Geneve, Việt Nam đã không ngừng mở rộng đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới.

Đó là bài học về kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song linh hoạt, biến hóa về sách lược theo phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến".

Trong suốt quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneve, Việt Nam luôn kiên trì nguyên tắc hòa bình, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Song Việt Nam vẫn cơ động, linh hoạt có sách lược phù hợp với tương quan lực lượng, bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực để giành mục tiêu chiến lược.

Hiệp định Geneve cũng cho Việt Nam bài học phải luôn luôn coi trọng nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình, phải "biết mình, biết người", "biết thời, biết thế" để từ đó "biết tiến, biết thoái", "biết cương, biết nhu".

"Đây là bài học sâu sắc còn nguyên giá trị trong bối cảnh thế giới hiện nay đang biến động phức tạp và khó lường", bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định.

Cuối cùng, Hiệp định Geneve còn là bài học về sử dụng đối thoại và đàm phán hòa bình để giải quyết bất đồng, xung đột trong quan hệ quốc tế. Theo bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đây là bài học "mang tính thời đại, nhất là khi nhiều xung đột phức tạp đang diễn ra trên thế giới như hiện nay".

Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế

Hội nghị Geneve về Đông Dương khai mạc ngày 8-5-1954 tại Thụy Sĩ, ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ.

Hội nghị đã trải qua 75 ngày đàm phán căng thẳng với 31 phiên họp và sự tham dự của 9 bên. Ngoài Việt Nam Dân chủ cộng hòa còn có 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lúc này là Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp.

Hội nghị kết thúc với việc Hiệp định Geneve được ký kết ngày 21-7-1954.

Nói về điều này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước nói chung, trong đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneve nói riêng, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ to lớn và quý báu cả về vật chất và tinh thần của bạn bè quốc tế, trước hết là từ Lào, Campuchia, các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng và mãi ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Đồng thời trong khả năng của mình, Việt Nam luôn ủng hộ, đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính về thăm nơi che chở cho Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên PhủThủ tướng Phạm Minh Chính về thăm nơi che chở cho Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Về Mường Phăng - nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thắp hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ và nhân dân Mường Phăng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên