10/09/2023 06:10 GMT+7

Bình Thuận đổi đời từ các hồ chứa nước

Nhiều năm qua, những vùng đất khô cằn Bình Thuận dù đã được đầu tư lớn về thủy lợi, nhưng cơn khát nước vẫn hoành hành khi mùa khô đến. Ngược lại, vào mùa mưa, người dân lại đối mặt với lũ, ngập.

Người dân vùng cao huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) mong muốn cảnh này không còn tái diễn khi vào mùa khô hạn - Ảnh: K.HẰNG

Người dân vùng cao huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) mong muốn cảnh này không còn tái diễn khi vào mùa khô hạn - Ảnh: K.HẰNG

Tại Bình Thuận chục năm trở lại đây, nhiều nơi từ khô cằn sỏi đá, không có nước sinh hoạt thì nay trở nên tốt tươi, trù phú nhờ hồ thủy lợi, nhờ con kênh phóng xuyên vùng núi đá, tỏa khắp nơi đưa nước đến tận ruộng đồng, vườn cây ăn trái... 

Bình Thuận đổi đời từ các hồ chứa nước, nhưng hành trình chống khát còn dở dang

Nhưng vẫn còn đó những vùng đang cháy khát khi mùa nắng hạn kéo dài, nhất là các huyện ở phía nam.

Từ khô cằn sỏi đá đến tươi xanh trù phú

Với trung tâm TP Phan Thiết, ông Nguyễn Hữu Phước - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận - khẳng định sẽ không có nước nếu không làm hồ thủy lợi Sông Quao ở huyện Hàm Thuận Bắc.

Nơi cảm nhận rõ nhất việc thay da đổi thịt ấy là các xã Sông Bình, Phan Sơn, Phan Lâm, Bình An... (huyện Bắc Bình) và Thuận Hòa, Hàm Phú, Hàm Trí, thị trấn Ma Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc). 

Từ vùng đất hoang hóa, dựa vào nước tự nhiên là chính, tưởng chừng phải bỏ không nay trở nên trù phú bởi ruộng đồng, thanh long, vườn xoài, ổi, dừa đến các trang trại công nghệ cao. 

Những nơi này đang tận hưởng nguồn nước mát từ các hồ Sông Quao, Đại Ninh, Cà Dây, Sông Lũy.

Trở lại các xã vùng cao ấy bây giờ nhộn nhịp xe tải chở nông sản. Tại xã Phan Sơn, anh Nguyễn Duy Phú (37 tuổi) nhớ lại khoảng 15 năm về trước luôn đối mặt với khô hạn, đến nước uống còn thiếu trầm trọng. 

"Khi hệ thống thủy lợi được đầu tư, đồng ruộng đã mọc lên từ vùng đất đá ấy, cảnh chống hạn không còn. Nếu không có hệ thống này, rất khó được như bây giờ", anh Phú chắc nịch nói.

Xuôi theo con kênh Châu Tá - Đại Ninh về xã Thuận Hòa, anh Nguyễn Văn Phùng nhớ khu rẫy của mình trước đây ở xã Thuận Hòa chủ yếu dựa vào nước tự nhiên, chỉ làm được một vụ mè (vừng). Năng suất mè lúc đó khoảng 4-5 tạ/ha, gặp nắng hạn có đợt mất trắng. Còn bây giờ cây mè đã lên 6 tạ/ha, nhiều vườn cây năng suất cao hơn đã được phủ xanh.

Kênh tưới Châu Tá - Đại Ninh dẫn nguồn nước mát từ hồ Sông Lũy, tỉnh Bình Thuận đến phủ xanh nhiều vùng phía bắc của tỉnh như huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc - Ảnh: ĐỨC TRONG

Kênh tưới Châu Tá - Đại Ninh dẫn nguồn nước mát từ hồ Sông Lũy, tỉnh Bình Thuận đến phủ xanh nhiều vùng phía bắc của tỉnh như huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc - Ảnh: ĐỨC TRONG

"Không chỉ người dân địa phương, người nơi khác cũng đã đến săn lùng mua đất để làm nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi quy mô lớn. Tất cả nhờ vào kênh dẫn Châu Tá - Đại Ninh đưa nước về đây", anh Phùng hồ hởi nói.

Anh nói tiếp: "Không chỉ mang nguồn nước tưới đến người dân, thay vì mưa xuống chảy hết ra biển, hồ này còn giữ lại nguồn nước quý giá để cung cấp cho dân trong mùa khô".

Ông Nguyễn Duy Khôi, phó chủ tịch UBND huyện Bắc Bình, kể lại trước đây địa phương là nơi khô hạn, chỉ dựa vào một số đập dâng nhỏ nên sản xuất nông nghiệp vô cùng khó khăn. Khi có một số hồ chứa nước như Cà Dây, Sông Lũy thì màu xanh phủ khắp nơi.

Ông Khôi kể từ làm lúa một vụ bấp bênh nay chủ động cả ba vụ. Khi có hồ Cà Dây, hồ Sông Lũy thì khu tưới đã mở rộng lên hơn 22.000ha, trong khi trước đó chỉ từ 2.500-3.000ha. Sắp tới, khi hệ thống kênh mương tiếp tục mở rộng diện tích tưới tăng thêm khoảng 5.000ha.

"Sản xuất nông nghiệp đa dạng hơn, không chỉ là cây lúa, cây lâu năm cũng góp phần phủ xanh, tăng tỉ lệ che phủ. Đó mới là quan trọng nhất", ông Khôi so sánh.

Rồi ông kể thêm những vùng đất như Sông Bình, Phan Sơn, Phan Lâm trước đây hầu như không có nước, bây giờ đã chủ động toàn bộ. Đất đai từ khô cằn sỏi đá nay người dân đã có thể trồng cây lâu năm, cây hằng năm. Thu nhập người dân tăng mạnh, đời sống ổn định hơn nhờ hệ thống thủy lợi.

Bối cảnh biến đổi khí hậu, đến năm 2050, nguồn nước có xu thế tăng 1,3% vào mùa lũ và giảm 1,5% vào mùa kiệt. Sự phân bố ngày càng không đều kết hợp với gia tăng nhu cầu sử dụng nước trong tương lai sẽ gây thêm những áp lực không nhỏ đối với việc đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và các ngành.

TS Hoàng Văn Đại


Nguồn: Thống kê của tỉnh Bình Thuận - Đồ họa: N.KH.

Nguồn: Thống kê của tỉnh Bình Thuận - Đồ họa: N.KH.

Hành trình chống khát còn dở dang

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Bình Thuận có 357.000ha đất nông nghiệp. Hiện tỉnh này có 49 hồ chứa nước, với tổng dung tích chứa 442 triệu m3.

Tính toán từ ngành nông nghiệp tỉnh này, dung lượng của các hồ chứa nước hiện tại cộng với nguồn nước ở sông, suối khác chỉ đủ tưới cho khoảng 57.000ha. Nếu tính toán 100 triệu m3 tưới được cho 10.000ha, với 300.000ha đất nông nghiệp còn lại sẽ cần tới 3 tỉ m3 nước/năm.

Về phân bổ, hiện 33/49 hồ, với tổng dung lượng chứa khoảng 300 triệu m3, nằm ở các huyện phía bắc tỉnh Bình Thuận (Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong và một phần Phan Thiết). Lượng nước này cơ bản cung cấp được nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho vùng. 

Dù vậy, có khoảng 40.000ha vùng đất cát ven biển thuộc khu vực phía bắc vẫn chưa giải quyết được nhu cầu về nước.

Trái ngược đó là cảnh thiếu nước trầm trọng vào mùa khô ở các huyện phía nam tỉnh này (Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi, Đức Linh, Tánh Linh, một phần Phan Thiết).

Mỗi khi vào mùa khô, nhất là sau Tết Nguyên đán, người dân các xã vùng cao huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đối mặt với nhiều khó khăn do khan hiếm nước - Ảnh: NGÔ ĐÌNH HÒA

Mỗi khi vào mùa khô, nhất là sau Tết Nguyên đán, người dân các xã vùng cao huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đối mặt với nhiều khó khăn do khan hiếm nước - Ảnh: NGÔ ĐÌNH HÒA

Theo quy hoạch phát triển thủy lợi Bình Thuận giai đoạn 2011-2020 (phê duyệt 2013 và đang được điều chỉnh), tại các huyện phía nam, Bình Thuận dự kiến đầu tư xây dựng 8 hồ chứa nước, tổng cộng 534,27 triệu m3

Trong đó, hồ chứa lớn nhất là La Ngà 3 với dung tích 435 triệu m3, đứng thứ hai là hồ Ka Pét (51,23 triệu m3), hồ Sông Phan (29,48 triệu m3), các hồ còn lại dung tích nhỏ.

Tuy nhiên đến nay Bình Thuận mới chỉ đầu tư được các hồ Tân Lập 1, Tân Lập 2, Bưng Thị, Suối Nậm, Sông Phan, Măng Tố với tổng dung tích khoảng 18,56 triệu m3.

Cộng với những hồ trước đó, khu vực các tỉnh phía nam tỉnh này có 15 hồ chứa nước, với dung tích chỉ khoảng 140 triệu m3. Theo tính toán của tỉnh Bình Thuận, với trữ lượng nước này chỉ mới đáp ứng tưới tiêu cho 15% diện tích đất nông nghiệp khu vực phía nam.

Không có hồ chứa, nước đổ hết ra biển

Nguồn: Thông kê của tỉnh Bình Thuận - Đồ họa: N.KH.

Nguồn: Thông kê của tỉnh Bình Thuận - Đồ họa: N.KH.

TS Hoàng Văn Đại, phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thuộc Tổng cục Khí tượng thủy văn quốc gia, cho hay từ năm 2014 đã có nghiên cứu đánh giá về nhu cầu dùng nước của tỉnh Bình Thuận dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Ông Đại chia sẻ Bình Thuận là một trong những tỉnh có tổng lượng mưa năm ít nhất cả nước, tổng lượng mưa năm ở một số khu vực như Phan Thiết, Sông Lũy, Mũi Né, Phan Rí chỉ đạt từ 800-1.000mm, trong đó mùa mưa chiếm 80-90% tổng lượng mưa hằng năm và tập trung chủ yếu vào các tháng từ tháng 5 đến tháng 10.

Nguồn tài nguyên nước của tỉnh này chủ yếu dựa vào nguồn nước mặt của bảy lưu vực sông chính là sông Lòng Sông, sông Lũy, sông Cái, sông Cà Ty, sông Phan, sông Dinh và sông La Ngà.

Hầu hết các sông, suối ở Bình Thuận chảy theo hướng tây bắc - đông nam rồi đổ ra biển. Riêng sông La Ngà chảy theo hướng đông sang tây rồi nhập với sông Đồng Nai. Trong khi đó, các sông, suối ở khu vực này đều là các sông nhỏ, độ dốc lớn nên khi có mưa, hầu hết sẽ tập trung trong sông và đổ ra biển nếu không có công trình tích trữ.

Theo ông Đại, thực tế hiện nay khả năng cấp nước trong mùa kiệt cho sinh hoạt, sản xuất ở Bình Thuận khá khó khăn. Nhiều xã tại huyện Bắc Bình, TP Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh, thị xã La Gi thường xuyên xảy ra thiếu nước sinh hoạt cục bộ.

Ước tính tổng nhu cầu dùng nước hiện tại khoảng 1 tỉ m3 và nhu cầu dùng nước đến giai đoạn 2050 ước tính khoảng 1,4 tỉ m3, tăng khoảng 30% so với hiện nay. Để đáp ứng nước cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của Bình Thuận, ngoài những hồ chứa đã có, đòi hỏi phải làm thêm hồ chứa.

---------------------------------

Vì sao phải làm hồ thủy lợi?

Hồ Sông Lũy ở huyện Bắc Bình, Bình Thuận đem lại trù phú cho người dân trong khu vực - Ảnh: Đ.T.

Hồ Sông Lũy ở huyện Bắc Bình, Bình Thuận đem lại trù phú cho người dân trong khu vực - Ảnh: Đ.T.

* GS.TS ĐÀO XUÂN HỌC (chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam):

Hồ thủy lợi đa mục tiêu

GS.TS ĐÀO XUÂN HỌC (chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam)

GS.TS ĐÀO XUÂN HỌC (chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam)

Cũng cần phải nói rõ Bình Thuận làm hồ Ka Pét là hồ chứa nước chứ không phải hồ chứa thủy điện.

Mục tiêu của hồ này không phải của một cá nhân, đơn vị nào mà nhằm mục đích phục vụ người dân cả khu vực.

Hồ không chỉ cung cấp nước tưới mà còn cung cấp nước nguồn cho sinh hoạt, cho sản xuất.

Ở đây, việc cần làm chủ yếu là cần hạn chế tối đa các mặt tiêu cực, bất lợi, tăng mặt tích cực. Đó là trách nhiệm của các nhà kỹ thuật, quản lý nhà nước.

Không có vấn đề nào mà không có mặt tích cực hay bất lợi. Ở trường hợp này, cần thấy một hồ thủy lợi sẽ giải quyết được đa mục tiêu như giải quyết vấn đề lũ, tăng dòng chảy kiệt... Thêm đó, khi nguồn nước hồ ổn định, hơi nước bốc lên, môi trường, khí hậu thuận lợi sẽ giúp rừng, cây cối xung quanh phát triển tốt hơn.

Nước ngầm ở bên dưới cũng được phát triển tốt hơn. Chưa kể con người, động vật sẽ có nguồn nước tốt hơn để sử dụng. Những mặt tích cực này cũng cần phải được nói rõ, cụ thể.

* Đại biểu NGUYỄN THỊ LỆ THỦY (phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội):

Chọn phương án có tác động tiêu cực thấp nhất

Đại biểu NGUYỄN THỊ LỆ THỦY (phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội)

Đại biểu NGUYỄN THỊ LỆ THỦY (phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội)

Việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét là rất cần thiết, quan trọng và bà con nơi đây đang mong chờ bởi đây là vùng khô hạn gần như nhất, nhì của cả nước.

Nước ngầm ở đây chỉ có tại khu vực gần biển, còn các huyện miền núi như Hàm Thuận Nam thì không có.

Mùa mưa ở đây nước ồ ạt nhưng do không có chỗ chứa, địa hình dốc từ tây sang đông nên chảy hết xuống biển.

Do đó, việc xây dựng hồ ngoài việc giữ được nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, còn điều tiết nước, cắt giảm lũ cho hạ du, phục vụ sản xuất công nghiệp...

Về vị trí làm hồ chứa Ka Pét, trước đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khảo sát, quy hoạch hồ ở vị trí này. Sau này UBND tỉnh Bình Thuận tiếp nhận và làm tiếp. Ở đây, trong quá trình làm dự án, chắc chắn phải có cả tác động tích cực lẫn mặt tiêu cực. Tuy nhiên phương án hiệu quả và có mặt tích cực nhiều hơn sẽ được lựa chọn.

Thực tế, trong quá trình quy hoạch, tỉnh Bình Thuận cũng đã đưa ra rất nhiều phương án để xem xét, đánh giá tính hiệu quả, những tác động tiêu cực, và cuối cùng lựa chọn phương án hiện nay với những tác động tiêu cực đến rừng ở mức thấp nhất.

Đồng thời, với phương án trồng lại gấp 3 lần diện tích rừng đã sử dụng và kế hoạch, cây trồng cụ thể, chúng ta có thể tin tưởng vào việc này.

* TS HOÀNG VĂN ĐẠI (phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thuộc Tổng cục Khí tượng thủy văn quốc gia):

Đang có góc tiếp cận phù hợp

TS HOÀNG VĂN ĐẠI (phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thuộc Tổng cục Khí tượng thủy văn quốc gia)

TS HOÀNG VĂN ĐẠI (phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thuộc Tổng cục Khí tượng thủy văn quốc gia)

Để có các giải pháp nhằm đảm bảo nước sinh hoạt, sản xuất khi không làm hồ chứa chúng ta cần nghiên cứu rất cụ thể điều kiện của từng vùng. Trong đó, có thể như tích trữ tại chỗ (tại các kênh, ao, hồ tự nhiên, bể nước), sử dụng tiết kiệm nguồn nước...

Tuy nhiên giải pháp này chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu dùng nước cho sinh hoạt và các ngành.

Mặt khác, chúng ta có thể khai thác nước ngầm đối với các khu vực có tài nguyên nước ngầm dồi dào, nhưng việc này có thể dẫn đến việc hạ thấp mực nước ngầm, làm suy thoái, ô nhiễm tài nguyên nước ngầm.

Trong khi đó, Bình Thuận không có nguồn tài nguyên nước ngầm phong phú. Từ đó, có thể hình dung những khó khăn về nguồn nước khi không sử dụng biện pháp hồ chứa với vai trò điều hòa nguồn nước.

Về mặt logic, khi cần giải pháp để điều hòa, phân bổ nguồn nước trong năm cho hợp lý, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thực tế của khu vực thì hồ đóng vai trò quan trọng trong việc phân bổ lại nguồn nước trong năm và hồ Ka Pét không nằm ngoài mục đích đó. Cụ thể ở đây là tích nước vào mùa mưa và cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất vào mùa khô khi nguồn nước từ mưa, nước ngầm không đảm bảo cấp nước.

Ở góc độ này chúng ta thấy đang có cách tiếp cận phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay và người dân đang mong đợi.

Không thể có bài toán tối ưu cho tất cả các lợi ích mà chúng ta chỉ có thể có phương án mang tính hài hòa để đảm bảo cơ bản lợi ích chung.

* PGS.TS VŨ THANH CA (nguyên giảng viên cao cấp khoa môi trường, ĐH Tài nguyên và Môi trường):

Hồ sẽ mang lại các giá trị dịch vụ môi trường lớn hơn

PGS.TS VŨ THANH CA (nguyên giảng viên cao cấp khoa môi trường, ĐH Tài nguyên và Môi trường)

PGS.TS VŨ THANH CA (nguyên giảng viên cao cấp khoa môi trường, ĐH Tài nguyên và Môi trường)

Nói về lợi ích của rừng thì không cần phải nói nhiều vì ai cũng hiểu. Tuy nhiên, tầm quan trọng của rừng không có nghĩa là hoàn toàn không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Quan điểm bảo vệ môi trường là bảo vệ chính chúng ta, để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Với khu vực chuyển đổi rừng thành lòng hồ thủy lợi Ka Pét chủ yếu là khu vực rừng nghèo và khoảng 137ha rừng đặc dụng được chuyển đổi là khu vực rừng nghèo nhất của Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. 

Cần chú ý rằng ngoài khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, trước đây các cây gỗ to, có giá trị của khu vực rừng dự kiến thành lòng hồ đã bị khai thác.

Mãi tới năm 2002 đến nay mới có chủ trương đóng cửa rừng. Rừng mất khu vực lòng hồ là rừng thứ sinh chứ không phải nguyên sinh. Như vậy, thiệt hại do mất rừng cũng thấp hơn rất nhiều.

Các tính toán ban đầu của tôi về giá trị các dịch vụ môi trường mà rừng mang lại cũng như hồ mang lại cho thấy hồ sẽ mang lại các giá trị dịch vụ môi trường lớn hơn nhiều lần so với rừng. Thêm vào đó, xây dựng hồ Ka Pét không phải di dời dân.

Việc cung cấp nước từ hồ vào mùa khô có tác động tốt tới khu vực tỉnh Bình Thuận, là nơi đang thiếu nước trầm trọng.

Người dân vùng cao các xã Hàm Thạnh, Hàm Cần, Mỹ Thạnh của huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận chủ yếu sống bằng nông nghiệp - Ảnh: ĐỨC TRONG

Người dân vùng cao các xã Hàm Thạnh, Hàm Cần, Mỹ Thạnh của huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận chủ yếu sống bằng nông nghiệp - Ảnh: ĐỨC TRONG

Đoạn trường thiếu nước, ai khổ mới hay

Con đường dẫn từ quốc lộ 1 lên các xã vùng cao Mỹ Thạnh, Hàm Cần, Hàm Thạnh của huyện Hàm Thuận Nam những ngày này đang nhộn nhịp mùa thu hoạch thanh long, lúa.

Nhìn xuống các cây cầu, nước sông chảy ào ạt về vùng xuôi, nhiều người dân nơi đây cho hay mùa mưa nước đổ xuống ào ào, nhưng vào mùa khô, nhất là sau Tết Nguyên đán, kênh suối cạn kiệt nước mới hiểu cái oi bức, thiếu nước, khô cạn của vùng.

Bà Lê Thị Ren (65 tuổi, ở xã Hàm Cần) có lẽ cảm nhận rõ nhất về cơn khát nước của người dân địa phương. Bà Ren nói vùng này khắc nghiệt, sáu tháng mùa mưa nước sông suối tràn ra, nhưng mùa khô thì khác.

Khi ấy, người dân vùng cao Hàm Cần phải đi đào hố dọc các con sông tìm nước uống. "Do đào bằng tay hết nổi nên phải dùng thêm xe cuốc đào sâu hơn mới có nước", bà Ren nhớ lại.

Cuộc sống của người dân ở đây chủ yếu xoay quanh việc lên rẫy trồng bắp, lúa, nuôi trâu bò. Mỗi năm chỉ làm được một vụ bắp, có khi trồng xong phải bỏ vì thiếu nước. Bà Ren nói thêm: "Mùa nắng là các con sông ở đây cạn khô, dân chỉ làm một vụ. Làm lúa phụ thuộc nước mưa, có lúc đã trổ bông nhưng đành bỏ do hết mưa. Nước uống phải đi moi theo các con sông trơ đáy".

Chị Lê Thị Dương (31 tuổi, con gái bà Ren) cho hay nhà chị có 5 sào (5.000m2) đất trồng lúa và thanh long. Đến mùa khô, sông suối cạn không có nước tưới cho cây, phải chờ 4-5 tháng sau, đến mùa mưa mới có nước tưới lại. Nhà chị Dương có 5 con trâu, 2 con dê, đến mùa khô cũng phải vất vả dắt đi tìm nước uống.

Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thạnh Hoàng Ngọc Tưởng giải thích đặc trưng khí hậu nơi đây là 6 tháng nắng 6 tháng mưa rõ rệt. Mùa mưa nước xuôi hết về biển còn mùa nắng khô hạn, thiếu nước, không chăn nuôi được, đời sống người dân hết sức cơ cực.

Theo ông, xã Mỹ Thạnh thuộc vùng cao, thuần đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu sống bằng nghề nông và phụ thuộc vào "nước trời". Còn hệ thống nước sạch cho sinh hoạt mới được đầu tư nhưng không đáng kể, vẫn thiếu, đặc biệt là mùa nắng.

Xã có 258 hộ, với gần 1.000 nhân khẩu nhưng hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến 70%. Những năm qua, người dân trồng lúa, bắp, mì chỉ được một vụ do phụ thuộc chính vào nước mưa.

"Nếu có hồ Ka Pét, nguồn nước sẽ hết sức phong phú. Bà con chủ động được tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp. Có nguồn nước, bà con còn có thêm nghề nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch. Đặc biệt, khi có hồ chứa sẽ tăng thêm nguồn nước ngầm, hệ sinh thái và cảnh quan xanh tươi hơn", ông Tưởng kỳ vọng.

Sống cảnh cắt nước luân phiên

Với nước sinh hoạt, địa phương đã đầu tư, kéo đến các xã vùng cao này nên giải quyết phần nào sinh hoạt hằng ngày. Nhưng ông Trần Văn Liêm - giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Bình Thuận - tính toán chỉ riêng tại huyện Hàm Thuận Nam đến nay mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nước sinh hoạt.

"Nguồn nước thô chủ yếu từ các hồ thủy lợi, giếng nhân tạo nhưng đến mùa nắng là cạn. Công ty phải linh động cắt nước luân phiên chứ không thể thong thả được, nhất là các xã vùng cao Hàm Thạnh, Hàm Cần, Mỹ Thạnh thì mới đáp ứng được một nửa, nhu cầu đang còn rất lớn", ông Liêm nói.

Bình Thuận thông tin về hồ Biển LạcBình Thuận thông tin về hồ Biển Lạc

Tối 8-9, UBND tỉnh Bình Thuận phát thông cáo báo chí thông tin lại về hồ Biển Lạc ở huyện Tánh Linh đang xôn xao dư luận.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên