13/03/2024 16:16 GMT+7

Bắt tay ngăn thực phẩm bẩn

Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM: Rất mong muốn các ngành như nông nghiệp, an toàn thực phẩm, quận huyện... tại TP đồng hành, bởi đây là vấn đề lớn, dài hạn và liên quan đến nhiều phía.

Cơ quan chức năng tại TP.HCM kiểm tra nguồn gốc thịt heo về chợ đầu mối - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Cơ quan chức năng tại TP.HCM kiểm tra nguồn gốc thịt heo về chợ đầu mối - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM trao đổi với Tuổi Trẻ về thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa của sáu hệ thống bán lẻ gồm Saigon Co.op, Central Retail Việt Nam, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, Aeon và Satra.

"Trong ngắn hạn, mục tiêu là sẽ kiểm soát được chất lượng thật sự của nhóm mặt hàng thí điểm. Và trong dài hạn, 100% hàng hóa ở các hệ thống phân phối tham gia chương trình đều được kiểm soát chất lượng như tiêu chuẩn mà chương trình đề ra", ông Phương nói.

"Thỏa thuận này đến từ việc trăn trở tìm đường nâng cao chất lượng hàng hóa. Chúng tôi quyết tâm làm, không sợ cực nhưng một mình ngành công thương sẽ rất khó khăn, thậm chí không thể làm".

Mỗi lần đọc báo thấy vụ ngộ độc ở trường là tôi rất lo, không biết khi nào tới lượt con mình. Hay những trường hợp thực phẩm hư hỏng có loại bỏ hết được không? Mình đi ra ngoài ăn có bị dính không?...

Ông Nguyễn Nguyên Phương (phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM)

* Là cơ quan khởi xướng và cầm trịch chương trình này, thưa ông, kế hoạch thực hiện cụ thể của chương trình sẽ như thế nào?

Ông Nguyễn Nguyên Phương

Ông Nguyễn Nguyên Phương

- Với sự tích cực tham gia của các hệ thống phân phối và lựa chọn sản phẩm có tính khả thi cao để thí điểm, giai đoạn đầu của chương trình sẽ có hai việc chính gồm: kiểm tra, đánh giá khâu cung ứng nguồn hàng của các đơn vị đã ký thỏa thuận để hướng dẫn, chấn chỉnh; và cách thức xử lý khi phát hiện sai phạm của nhà cung cấp

Nếu rà soát và thấy ổn, Sở Công Thương sẽ phối hợp để tính toán mở rộng dần quy mô chương trình đến khi đạt mục đích đề ra. Mục tiêu trong ngắn hạn là hoàn thành kiểm soát được chất lượng thật sự của nhóm mặt hàng thí điểm. Dài hơi hơn là mong muốn 100% hàng hóa ở các hệ thống phân phối tham gia chương trình được cam kết quản lý cho đúng tiêu chuẩn, chất lượng đề ra.

Trong quý 2-2024 sẽ sơ kết, đánh giá chương trình. Phải loại dần doanh nghiệp thiếu trách nhiệm với xã hội, với người tiêu dùng, nói không với sản phẩm kém chất lượng.

* Gánh thêm nhiều trách nhiệm, liệu các nhà cung cấp và hệ thống phân phối có tích cực thực hiện theo đúng cam kết, thưa ông?

- Nhà cung cấp sẽ có thêm việc phải làm, nhưng đây cũng là điều phải làm nếu muốn tồn tại và phát triển hơn. Sau giai đoạn đầu ổn định sẽ rà soát và hướng tới xây dựng một tiêu chuẩn, quy trình chung, chấm dứt việc mỗi đơn vị cát cứ một quy trình.

Nghĩa là bên cạnh quy trình cơ bản, các hệ thống phân phối sẽ ngồi lại với nhau để chọn lọc, đối chiếu nhằm giảm hoặc bỏ những điều kiện thừa, không cần thiết, từ đó đưa ra một quy trình nhập hàng thống nhất. Hệ thống phân phối có trách nhiệm phải tiếp nhà cung cấp nếu họ đáp ứng quy trình chung này. Bởi tăng trách nhiệm cho nhà cung cấp nhưng không ưu tiên bán hàng cho họ là không công bằng.

Nếu áp dụng quy trình này, nhà phân phối sẽ giảm được kinh phí, thời gian để xây dựng tiêu chí nhập hàng. Trong khi đó, nhà cung cấp được ưu tiên xúc tiến đưa hàng vào siêu thị, được giảm điều kiện không cần thiết. Và tất cả có được thương hiệu tốt hơn nhờ sự tin tưởng từ người tiêu dùng.

* Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi như thế nào khi chương trình này được triển khai thực hiện?

- Lâu nay vẫn có quan điểm cho rằng người dân phải tiêu dùng thông minh, nhưng điều đó không công bằng. Bởi người tiêu dùng dù có quan tâm đến việc mua bó rau, ký thịt nhưng không có nhiều sự lựa chọn do chúng ta chưa chỉ ra được chỗ nào uy tín, an toàn. Mua sắm ở siêu thị thường yên tâm hơn chợ lẻ nhưng thực tế vẫn bị lọt vào những sản phẩm không an toàn.

Khi triển khai kế hoạch này, với sự đồng hành của cơ quan nhà nước, quy trình kiểm soát chặt chẽ hơn, ít ra chúng ta cũng tự tin để thông báo cho người tiêu dùng những sản phẩm, nơi bán để đặt niềm tin. Đây là giá trị sàng lọc, giá trị cốt lõi, cũng là tạo sự công bằng. Khi đủ cơ sở, chúng tôi định hướng sẽ thông tin rộng rãi những nhà cung cấp, doanh nghiệp tham gia chương trình và cả những đơn vị vi phạm để người tiêu dùng nắm, thậm chí khẳng định luôn chất lượng sản lượng.

* Nhiều ý kiến nghi ngại tính công bằng, sự mâu thuẫn giữa các bên khi tham gia thỏa thuận?

- Là đơn vị cầm trịch chương trình này, chúng tôi hiểu được sẽ có nhiều khó khăn phát sinh. Tuy nhiên, việc kiểm soát và chế tài là điều quan trọng.

Chúng tôi xác định phải công khai minh bạch quy trình, ưu tiên đưa ra các điều khoản để các bên tự giám sát chéo và chế tài phải nghiêm. Ngoài ra, khâu xác minh và công bố thông tin cũng phải rất kỹ càng, bởi nếu không chứng minh được rõ lỗi nhà cung cấp, hay đổ oan cho họ để cắt hợp đồng thì bị phản tác dụng, thậm chí phải đền hợp đồng.

Chúng tôi sẽ cắt cử nhân lực để đeo bám thường xuyên, kịp thời ngồi lại với nhau để đánh giá, điều chỉnh khi cần, bởi nếu ngơi nghỉ là mọi thứ trôi vào dĩ vãng.

* Nguồn nông sản về TP.HCM đa phần đến từ các tỉnh và công tác quản lý cũng liên quan đến nhiều sở, ngành. Vậy có cần sự kết hợp và hỗ trợ không, thưa ông?

- Sắp tới chúng tôi sẽ tăng cường công tác kết nối, phổ biến thỏa thuận này đến với ngành nông nghiệp, công thương ở các địa phương, đặc biệt các nơi có vùng nguyên liệu lớn như Lâm Đồng, Tiền Giang... Theo đó, sẽ nhờ địa phương xúc tiến, hỗ trợ người sản xuất để thúc đẩy việc thích nghi, sớm đáp ứng được quy định của hệ thống phân phối đưa ra. Chúng ta không thể làm thay nông dân, cũng khó giám sát lực lượng này nên phải liên kết.

Ngoài ra, chúng tôi rất mong muốn các ngành như nông nghiệp, an toàn thực phẩm, quận huyện... tại TP đồng hành, bởi đây là vấn đề lớn, dài hạn và liên quan đến nhiều phía. Thỏa thuận này đến từ việc trăn trở tìm đường nâng cao chất lượng hàng hóa. Chúng tôi quyết tâm làm, không sợ cực nhưng một mình ngành công thương sẽ rất khó khăn, thậm chí không thể làm.

Chỉ mua những sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn chung

Như Tuổi Trẻ thông tin, ngày 8-3 sáu hệ thống bán lẻ gồm Saigon Co.op, Central Retail Việt Nam, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, Aeon và Satra đã cùng ký thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa. Mục tiêu của thỏa thuận nhằm nâng cao chất lượng thực phẩm vào hệ thống bán lẻ, ngăn thực phẩm bẩn.

Trong giai đoạn đầu sẽ áp dụng với mặt hàng trái cây, rau củ, thịt và định hướng mở rộng thêm quy mô. Theo thỏa thuận, các bên thống nhất chỉ sản xuất hoặc mua các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chung, nhà cung cấp nào bị phát hiện vi phạm ở một hệ thống sẽ không được bán vào các hệ thống phân phối còn lại.

Nếu phát hiện sản phẩm không an toàn, các hệ thống phân phối phải ngay lập tức kiểm tra; tạm dừng nhập/phân phối/kinh doanh sản phẩm đó...

Ông Trần Võ Ngọc (giám đốc kinh doanh Saigon Co.op): Sẽ kiểm soát chặt ngay từ vùng sản xuất

Sau khi phổ biến những điều khoản đã được ký kết tại hội nghị, chúng tôi sẽ sắp xếp để ký thỏa thuận với nhiều nhà cung cấp, có thể ký ngay tại các địa phương (nơi sản xuất) dưới sự chứng kiến của đại diện sở, ngành liên quan để các bên cùng kết nối, giám sát nhau.

Theo đó, chúng tôi sẽ ưu tiên lấy hàng của nhà cung cấp tham gia ký kết, thậm chí hỗ trợ kinh phí để sản xuất. Những nhà cung cấp đã ký kết bắt buộc phải sản xuất theo đúng quy định đã ký, thỏa thuận, tăng cường công tác lấy mẫu kiểm tra, thường xuyên giám sát chất lượng... Chúng tôi không chỉ kiểm tra chất lượng định kỳ, mà đã đầu tư nhiều máy móc để có thể kiểm tra lưu động ngay tại vùng sản xuất của nhà cung cấp.

Ông Lê Minh Sang (giám đốc HTX cây ăn quả Tân Mỹ, Bình Dương): Xác định làm phải uy tín, lâu dài

Chúng tôi có hơn 22ha được dành sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, trước khi ký thỏa thuận, siêu thị cũng đã cử người xuống để kiểm soát chất lượng, tăng kiểm tra và đưa nhiều quy định trong sản xuất. Dù thêm việc phải làm nhưng tôi vẫn đồng thuận. Xác định làm phải uy tín, lâu dài.

Để đáp ứng các điều kiện được ký kết, chúng tôi sẽ cải thiện một số khâu. Cụ thể, các vật dụng như bình, máy móc phun thuốc phải được vệ sinh kỹ hơn, phải đào hố sâu và xa vùng trồng để đựng nước sau khi xử lý vận dụng, kê kệ palet để xếp hàng hóa thay vì để trên nền gạch như lâu nay. Đặc biệt, phải kiểm tra nguồn nước rửa bưởi với 99 chỉ tiêu, rào lưới bắt muỗi...

Bà Nguyễn Thị Bích Vân (giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam): Cải thiện chất lượng để tăng cạnh tranh với hàng nhập

Bình thường từ khâu sản xuất, nhập hàng vào các kho, bày bán trên kệ đều có bộ phận giám sát chất lượng, lấy mẫu kiểm tra hàng hóa thường xuyên. Do đó, việc tham gia thỏa thuận này chủ yếu nhằm nâng tầm thêm công tác kiểm tra, nâng cao trách nhiệm từ nhà cung cấp.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đưa ra thêm các quy định để siết chặt chất lượng hàng hóa và được nhà cung cấp chấp thuận, cùng chung tay "soi" chất lượng sản phẩm. Chúng ta không chỉ thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng trong nước, mà việc cải thiện này giúp nhà cung cấp tăng sức cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập tràn về ngày càng nhiều, giá rất cạnh tranh.

Cam kết nói không với thực phẩm bẩnCam kết nói không với thực phẩm bẩn

Sự kiện sáu hệ thống phân phối tự nguyện cùng ký cam kết siết chất lượng hàng tươi sống tại TP.HCM được nhiều chuyên gia đánh giá cao.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên