04/07/2023 05:20 GMT+7

Bạo loạn ở Pháp: Nhìn sâu vào nỗi buồn của nước Pháp

Đã từ lâu, biểu tình đã trở thành một món "đặc sản" của người Pháp. Nhưng chục năm gần đây mới xảy ra hiện tượng các cuộc biểu tình mau chóng chuyển biến xấu thành bạo loạn.

Cảnh sát ở Paris tối 2-7, đêm thứ năm liên tiếp xảy ra bạo loạn - Ảnh: REUTERS

Cảnh sát ở Paris tối 2-7, đêm thứ năm liên tiếp xảy ra bạo loạn - Ảnh: REUTERS

Các trang web du học sinh, hoặc du lịch tại Pháp đều có khuyến cáo để mọi người có sự chuẩn bị tinh thần, hoặc có những phương án dự phòng cho những tình huống nghiêm trọng như bạo loạn, đốt xe, cướp phá…

Biểu tình xảy ra cơm bữa, từ những chuyện nho nhỏ cho đến những vấn đề quốc gia đại sự, đến độ chính những người Pháp họ cũng hài hước thừa nhận: "Chúng tôi là những nhà vô địch biểu tình".

Biểu tình ngày càng bạo lực hơn, đến độ bạo loạn

Người Pháp nhận thức sâu sắc được sức mạnh của đám đông, họ tuần hành, hô to, giương cao những khẩu hiệu, những mong muốn, yêu cầu của họ để các nhà lập pháp, chính phủ biết mà cân nhắc.

Thậm chí họ nhiều lần phản đối các quyết sách của chính phủ, và nhiều lần họ đã thành công, chính phủ đã phải lắng nghe họ, bãi bỏ những chính sách không hợp lòng dân.

Nhìn về mặt tích cực, biểu tình là cách dễ nhất để đo mức độ hài lòng của dân đối với chính phủ, và chính phủ, trong tư cách là những người được dân bầu lên, có nhiệm vụ phải giải trình, cân nhắc xử lý những yêu sách mà đám đông đòi hỏi.

Ví dụ việc biểu tình đòi quyền bình đẳng từ các phong trào của các sắc dân nhập cư đem lại hiệu quả tích cực cho nhân loại nói chung vả các nhóm biểu tình nói riêng.

Đối với dân bản xứ thì không biểu tình đòi quyền bình đẳng sẽ không ổn, vì họ luôn nghĩ họ là thành phần thượng đẳng. Mặc dù có luật chống kỳ thị và họ bảo là không kỳ thị, nhưng họ vẫn kỳ thị theo cách của họ.

Chắc chắn một điều là không phải người nhập cư nào cũng đáng ghét, không phải người bản xứ nào cũng làm cao. Mà đó chỉ là con số chung chung.

Biểu tình chẳng có gì xấu nếu nó không vi phạm pháp luật bằng những cách đập phá, đốt xe, bạo loạn, cướp bóc… và dĩ nhiên, ai cũng hiểu, không phải toàn bộ đám đông, mà chỉ một số thành phần bất hảo lợi dụng tình hình, khuấy loạn bạo động, cướp phá. 

Đáng lưu ý là trong những năm gần đây, biểu tình ở Pháp ngày một nhiều hơn, và ngày càng trở nên bạo lực, bạo loạn hơn. 

Điều này vẽ lên một bức tranh về xã hội Pháp đang tồn tại nhiều bất ổn, niềm tin của dân Pháp với chính phủ và những rạn nứt sâu sắc về mặt chính trị giữa các đảng phái đối lập.

Cảnh sát chống bạo động làm việc vào ban ngày ở thành phố Lille, phía bắc nước Pháp, ngày 1-7 - Ảnh: REUTERS

Cảnh sát chống bạo động làm việc vào ban ngày ở thành phố Lille, phía bắc nước Pháp, ngày 1-7 - Ảnh: REUTERS

Xã hội Pháp còn nhiều bất ổn

Vụ việc ngày 27-6 mới đây nhất là một minh chứng. Cậu thiếu niên tên Nahel M, 17 tuổi vi phạm luật giao thông bị một cảnh sát bắn chết khi cậu ta không chấp hành lệnh dừng xe. 

Và thế là, như một thùng thuốc súng được châm ngòi, liền sau đó là các cuộc biểu tình, bạo loạn, đốt phá, thậm chí cướp bóc các cửa hàng đã xảy ra khắp nơi trên đất Pháp.

Người ta cáo buộc cảnh sát phân biệt chủng tộc, cũng như chỉ trích trình độ nghiệp vụ của cảnh sát.

Đây chính là chuyện bé xé to của một số nhóm người phá rối và thậm chí cả một số đảng phái chính trị nhằm gây tình hình bất ổn, hỗn loạn nhằm xả ra những dồn nén trong người, hoặc lợi dụng tình hình để kiếm chác, hạ uy tín của chính phủ, đánh bóng tên tuổi cho đảng phái mình.

Hành động giết người, dù vô tình hay cố ý của cảnh sát Pháp, đương nhiên sẽ bị xử lý theo pháp luật, thế nhưng những cuộc bạo loạn té nước theo mưa như vậy một mặt sẽ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, mặt khác đã bộc lộ một sự bất ổn lâu nay về mặt xã hội.

Theo giáo sư sử học Michel Pigenet, bạo lực trong biểu tình vốn không phải là một truyền thống đặc trưng của người Pháp. Ông nhận thấy bạo lực trong biểu tình cứ tiếp tục tăng, ngày càng nguy hiểm kể từ năm 2000.

Các nhà nghiên cứu ở Pháp cũng nhận ra nguồn gốc của bạo lực là do những nhóm người quậy phá (đa số là những người nhập cư, bất mãn, thất nghiệp, sống ở những khu ngoại ô nghèo, lười lao động).

Những thành phần này sẽ nhanh chóng xuất hiện ở các cuộc biểu tình hoặc nơi tụ tập đông người, nhằm lợi dụng cơ hội để đốt phá, cướp bóc, giao chiến với cảnh sát. 

Ngoài những cá nhân riêng lẻ, họ còn lập ra những nhóm cực đoan (nhiều khi có sự giật dây của các đảng phái cực hữu lẫn cực tả), sẵn sàng quậy phá bất chấp nhằm mục đích duy nhất là gây bất ổn, chống phá chính phủ. 

Như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phát biểu vào ngày 29-6: "Vài giờ qua được đánh dấu bằng những cảnh bạo lực nhằm vào các đồn cảnh sát cũng như các trường học và tòa thị chính... chống lại các tổ chức và nền cộng hòa".

Những kẻ biểu tình bạo lực bị cảnh sát khống chế ở Paris tối 2-7 - Ảnh: REUTERS

Những kẻ biểu tình bạo lực bị cảnh sát khống chế ở Paris tối 2-7 - Ảnh: REUTERS

Ngoài ra tổng thống Pháp còn đưa ra thêm một nguyên nhân khá mới, đó là mạng Internet và các trò chơi điện tử bạo lực.

"Các nền tảng và mạng đang đóng một vai trò quan trọng trong các sự kiện của những ngày gần đây. Chúng ta đã thấy chúng - Snapchat, TikTok và một số ứng dụng khác - đóng vai trò là nơi tổ chức các cuộc tụ tập bạo lực, và cũng có một hình thức bắt chước bạo lực khiến một số thanh niên lạc lối khỏi thực tế", nhà lãnh đạo Pháp chỉ ra những đầu mối kích động đám đông.

Ông Macron nói thêm rằng giới trẻ đang xuống đường để diễn lại "các trò chơi điện tử khiến họ say sưa", đồng thời kêu gọi các bậc phụ huynh giữ con em ở nhà.

Kinh tế Pháp bất ổn

Nếu như những cuộc biểu tình sau cái chết của Nahel M. bộc lộ ra một xã hội Pháp còn nhiều bất ổn, thì hàng trăm cuộc biểu tình có cả bạo loạn mấy tháng đầu năm 2023 chống lại luật tăng tuổi hưu lên 64 tuổi lại cho thấy một nước Pháp phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế. 

Kinh tế Pháp hiện nay có khoản nợ công là 112% GDP, theo tờ The Times, con số này là một trong những mức cao nhất của các nước EU, cao hơn cả Anh và Đức. 

Gánh nặng lương hưu hiện nay đang chiếm 14% sản lượng kinh tế, và do đó quỹ lương hưu cứ thâm thụt liên tục hằng năm. 

Tờ New York Times cho biết Chính phủ Pháp đã lập luận rằng tuổi thọ trung bình ngày càng tăng "đã khiến cho hệ thống rơi vào tình trạng ngày càng bấp bênh".

Vào năm 2000, có 2,1 công nhân phải trả tiền vào hệ thống cho mỗi một người về hưu và vào năm 2020, tỉ lệ đó đã giảm xuống còn 1,7 và vào năm 2070 tỉ lệ này dự kiến sẽ giảm xuống 1,2 theo các dự đoán chính thức. 

Nghĩa là nếu không cải cách, thì đến năm 2070, cứ 12 người đi làm sẽ phải góp tiền để nuôi cho 10 người về hưu.

Và cho dù hàng trăm cuộc biểu tình đã nổ ra, Chính phủ Pháp vẫn phải cắn răng chốt cái tuổi về hưu chính thức lên 64, sử dụng đặc quyền Hiến pháp (điều 49.3) cho phép thông qua dự luật mà không cần bỏ phiếu tại Hạ viện, và cuối năm nay sẽ bắt đầu áp dụng.

Cho đến những bất ổn về chính trị

Theo thống kê năm 2020, nước Pháp có trên 500 đảng phái. Thực ra con số bị thay đổi liên tục do có những đảng mới thành lập, rồi có những đảng giải tán. 

Như Đảng Phục Hưng của tổng thống Pháp hiện nay cũng chỉ mới được thành lập từ năm 2016 (lúc ấy lấy tên là Nền Cộng hòa tiến bước), một năm trước khi ông được bầu làm tổng thống.

Cho nên, càng có nhiều đảng phái thì sự cạnh tranh, chỉ trích, phản đối, quấy nhiễu các chính sách của nhau lại càng trở nên khốc liệt. 

Trong vòng mấy chục năm nay, chỉ có hai đảng lớn của Pháp là Đảng Xã hội và Đảng Cộng hòa (đổi tên từ Đảng UMP) thay nhau nắm giữ chức vị tổng thống, một bên thiên tả, một bên thiên hữu. 

François Mitterrand (Đảng Xã hội), 1981 - 1995, Jacques Chirac (Đảng Cộng hòa), 1995 - 2007, Nicolas Sarkozy (Đảng Cộng hòa), 2007 - 2012, François Hollande (Đảng Xã hội) 2012 - 2017. 

Thế nhưng người dân Pháp tỏ ra không hài lòng với những chính sách của hai đảng lớn này khi kinh tế càng ngày càng đi xuống, kéo theo nhiều hệ lụy an sinh xã hội.

Nắm được tình hình đó, chàng trai trẻ Emmanuel Macron thành lập Đảng Nền Cộng hòa tiến bước năm 2016 theo chủ nghĩa trung dung và tự do, rồi tranh cử, và trở thành tổng thống trẻ nhất của Pháp lúc 40 tuổi, năm 2017. 

Điều này nói lên sự mất định hướng, suy giảm niềm tin vào các đảng lớn lâu đời của người dân Pháp. 

Một khi đảng cầm quyền không chiếm được đa số phiếu, thì sẽ phải lập nên những liên minh để có thể điều hành chính phủ, và từ đó tình hình chính trị càng ngày càng phân mảng, nhiều quyết sách khó được lưỡng viện thông qua. 

Và việc mới đây chính phủ phải dùng đặc quyền Hiến pháp điều 49.3, ban hành luật không thông qua Hạ viện là một ví dụ điển hình cho những bất ổn về chính trị.

Biểu tình bạo loạn, bài toán khó cho Chính phủ pháp

Người Pháp thích biểu tình và họ có quyền tự hào về chuyện đó, vì trong quá khứ họ đã rất nhiều lần thành công và thay đổi được vận mệnh của nước Pháp.

Vụ dân Paris nổi loạn năm 1789 phá ngục Bastille là mấu chốt quan trọng cho sự thành công của Cách mạng Pháp.

Năm 1968 biểu tình kèm bạo động đã làm cho Chính phủ Pháp tăng mức lương tối thiểu và cho phép nam nữ bình quyền. 

Biểu tình năm 2006 thì khiến chính phủ phải bãi bỏ một mẫu hợp đồng lao động mới vốn làm cho việc thuê mướn và sa thải người làm công của chủ doanh nghiệp dễ dàng hơn.

Và thế nên, bất kỳ ai, bất kỳ đảng phái hay chính phủ nào muốn cải cách đều vấp phải những làn sóng biểu tình phản đối, và tệ hại hơn, nó càng ngày càng trở nên bạo lực. 

Và cứ thế, cải cách, biểu tình, bạo loạn đã, đang và sẽ còn xảy ra dài dài trên đất Pháp.

Thư Paris: Nước Pháp trong bạo lựcThư Paris: Nước Pháp trong bạo lực

Đêm 27-6, một tiếng nổ trầm đục khiến tôi giật mình tỉnh giấc. Tôi lim dim tưởng gặp ác mộng thì nhiều tiếng nổ khác liên tiếp vang lên, mỗi lúc một rõ hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên