12/05/2024 10:30 GMT+7

Bao giờ bỏ thói quen tiện tay quăng rác, hất nước thải ra đường?

Nhiều nơi, người ta dùng tấm kim loại hoặc bìa cứng để chặn các miệng cống, nỗ lực đến tuyệt vọng để ngăn hành vi ném thẳng rác thải xuống hệ thống thoát nước. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế.

Cá chết kèm với rác thải nổi trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (ảnh chụp chiều 8-5-2024) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Cá chết kèm với rác thải nổi trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (ảnh chụp chiều 8-5-2024) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Như phóng viênTuổi Trẻ Online ghi nhận: Chiều 8-5, hàng ngàn con cá và rác nổi lềnh bềnh trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM).

Trước đó một ngày, mưa mới 15 phút, rác từ rạch trồi lên đầy đường Tô Ngọc Vân, TP Thủ Đức, TP.HCM.

Rất nhiều nơi khác cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Bài viết sau đây góp thêm góc nhìn cũng như giải pháp xử lý vấn nạn xả rác bữa bãi.

Mưa thì lầy lội, nắng bốc mùi hôi thối

Rác tràn ngập kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau cơn mưa ngắn. Rác nổi lềnh bềnh trên đường ở Thủ Đức chỉ 15 phút sau trận mưa rào…

Hẳn là không chỉ hai nơi này, mà còn rất nhiều chỗ khác ở TP.HCM dễ dàng bắt gặp rác thải vứt lung tung, không đúng nơi đúng chỗ.

Đơn cử như khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chỉ một đoạn đường non hơn cây số, xung quanh ngã tư Vũ Tùng - Bùi Hữu Nghĩa. Một đoạn thì các hộ bán cá đổ nước và chất thải lênh láng ra đường gần như suốt ngày.

Có lúc, chính quyền địa phương đã rào lưới để các hộ này chỉ bán bên trong khu chợ cá, nhưng được một thời gian ngắn họ tự cắt hết lưới rồi lại tiếp tục lấn chiếm lòng đường, xả nước trực tiếp ra đường.

Đoạn còn lại thì các hộ bán dừa, rồi bán bánh các thứ chiếm hết một làn đường, vô tư xả đủ loại rác xuống đường. Mùa mưa đi qua thì lầy lội, mùa nắng thì bốc mùi hôi thối.

Hay như cầu Kênh Tẻ (nối quận 4 và quận 7), cầu Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), và nhiều cây cầu, dạ cầu khác thường xuyên biến thành bãi rác công cộng.

Sau cơn mưa, nước đã rút dần nhưng rác vẫn còn đọng lại nhiều ở con rạch sát đường Tô Ngọc Vân - Ảnh: CHÂU TUẤN

Sau cơn mưa, nước đã rút dần nhưng rác vẫn còn đọng lại nhiều ở con rạch sát đường Tô Ngọc Vân - Ảnh: CHÂU TUẤN

Người ta quăng đủ thứ, từ rác thải sinh hoạt đến cả chăn nệm cũ, thậm chí bàn ghế hỏng. Ngay cả các con lươn mềm, nhiều người cũng vứt rác trên đó, rồi treo các túi thức ăn, nước uống thừa, không chừa một chỗ nào.

Còn các bãi cỏ, bụi cây, hay tiểu đảo cây cảnh thì... ôi thôi đủ loại rác. Lâu ngày không dọn, gió thổi là các túi ni lông bay phất phơ khắp chốn. 

Nhiều hộ kinh doanh thức ăn, nước uống lại có thói quen đổ trực tiếp toàn bộ nước thải xuống miệng cống luôn cho tiện. Mùa mưa nghẹt cống, nước không thoát được thì lại kêu la.

Vấn nạn tùy tiện xả rác, đổ nước thải tràn lan ra đường có lẽ đến từ hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, suy nghĩ kênh rạch, đường phố, cống rãnh là của chung, mình cứ đổ ra đấy, thế nào cũng có người dọn, ai hơi đâu mà đi truy cứu xem thủ phạm là ai.

Thứ hai, nhiều người có suy nghĩ: thôi thì cứ tiện tay thì ta vất, chứ rảnh đâu chạy thêm cả mấy trăm mét để bỏ vào thùng rác hay dại gì mang rác về nhà mình.

Phải chăng vì thế mà mỗi khi các dịp lễ hội công cộng ngoài đường phố vừa xong là rác tràn ngập vì chẳng mấy người muốn động tay vào dọn?

Chính vì cách suy nghĩ như thế này mà ngày ngày các con kênh, hệ thống thoát nước, rồi các con đường, vỉa hè, bụi cây đang bị rác thải bao vây, bị bức tử dần mòn.

Lượng công nhân vệ sinh môi trường, những đợt ra quân dọn dẹp rác là có giới hạn, đâu thể nào cứ 24/7 suốt một nơi được. Một người dọn, mười người xả thì mãi muôn đời cũng không bao giờ sạch được.

Một số nơi, người ta dùng tấm kim loại, hoặc đơn giản hơn là dùng bìa cứng để chặn các miệng cống, nỗ lực đến tuyệt vọng để ngăn hành vi ném thẳng rác thải xuống hệ thống thoát nước.

Nhưng thiết nghĩ, đây chỉ là giải pháp tình thế. 

Phạt tiền, bắt gom rác do mình xả ra

Về lâu dài, nên chăng cần cùng lúc thực hiện ba giải pháp.

Một là, giáo dục từ trong nhà trường, gia đình cho đến xã hội, liên tục trong tất cả cấp học.

Hai là, bản thân người lớn, cha mẹ nên có tính làm gương cho con trẻ. Bởi không ít người, khi đi ngoài đường, dù nam thanh nữ tú, hay cha mẹ chở con, tiện là ném rác thẳng xuống đường. Chúng ta dạy các thế hệ tiếp theo đối xử với môi trường sống thế sao?

Và thứ ba, có lẽ cũng là biện pháp quan trọng nhất: nên chăng đã đến lúc xử phạt mạnh tay hơn hành vi xả rác, đổ nước thải bừa bãi.

Việc tùy tiện xả rác, đổ nước thải ra đường, thật lòng mà nói, không phải là chuyện mới, và cũng chẳng phải chỉ riêng ở TP.HCM mới có.

Vấn nạn này đã diễn ra nhiều năm nay, đến nỗi nhiều người ngán ngẩm xem nó như "u nhọt".

Vậy nên, cần và rất cần sự nghiêm khắc của pháp luật, tăng nặng xử phạt, đi kèm với giáo dục không ngừng. Có vậy mới hy vọng vào việc nâng cao ý thức, và sớm cải thiện, sớm trả lại sự trong lành, sạch sẽ cho đường phố, kênh rạch, các hàng cây.

Tại một số quốc gia khác mà tôi được biết, những hành vi tương tự, ngoài việc bị phạt tiền còn phải đi lao động công ích, thậm chí là phạt cải tạo giam giữ nếu lặp đi lặp lại hoặc vi phạm với số lượng lớn.

Chúng ta đã có luật xử phạt người xả rác thì phải áp dụng một cách quyết liệt và triệt để.

Cũng nên có cơ chế khuyến khích để người dân làm tai mắt, cung cấp chứng cứ làm cơ sở để xử lý, tương tự việc xử lý vi phạm giao thông.

Nhờ người dân ghi lại những hình ảnh xả rác xuống kênh rạch, cung cấp cho cơ quan chức năng. Tôi cho rằng người dân đã chịu khổ vì mùi hôi sẽ đồng tình ủng hộ.

Việc kêu gọi ý thức giữ vệ sinh môi trường là cần thiết nhưng nếu không dùng pháp luật răn đe thì sẽ không mang lại hiệu quả.

Căn cứ theo quy định, mỗi lần quăng rác là lập ngay biên bản, xử phạt. Mỗi túi rác hay mỗi mẩu rác quăng xuống là xử phạt. Làm nhất quán, quyết liệt là chấm dứt ngay.

Cứ xả rác là "lãnh" biên bản như vậy thì ai cũng phải ngán.

Bên cạnh việc phạt tiền thì luật cũng cho phép các hình phạt bổ sung là khôi phục lại hiện trạng, nghĩa là phải vớt lại rác đã xả lên. Do vậy nên buộc lao động công ích ngay chính trên dòng kênh mà người vi phạm xả rác.

Phạt từ 1- 2 triệu đồng đối với hành vi vứt rác bừa bãi

Theo nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực thi hành từ ngày 25-8-2022), phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vứt vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển.


Sau vài cơn mưa đầu mùa, cá và rác lại nổi trên kênh Nhiêu Lộc - Thị NghèSau vài cơn mưa đầu mùa, cá và rác lại nổi trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Ghi nhận của phóng viên chiều 8-5, hàng ngàn con cá và rác nổi lềnh bềnh trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM). Dự báo những ngày tới, tình trạng có thể phức tạp hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên