26/04/2021 16:28 GMT+7

Bạn đã bị lừa: Câu chuyện thật về giới tranh giả

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Mua tranh giả phải chen chúc lấy vé. Chuyện bịp bợm như thế lại diễn ra ở New York - thủ đô mới của nghệ thuật. Còn trung tâm của tấn bi hài kịch này lại chính là Knoedler - gallery lâu đời nhất, nắm trọn mọi danh (tai) tiếng ở Mỹ.

Bạn đã bị lừa: Câu chuyện thật về giới tranh giả - Ảnh 1.

Bức tranh giả của Mark Rothko có giá bán lên đến 5,5 triệu USD - Ảnh: Melbar Entertainment Group

Ngày 21-10-2011, Knoedler đóng cửa, dù vẫn đang trong ngày làm việc. Thật lạ lùng, báo giới nghệ thuật ở New York tự hỏi họ đã bỏ sót tin tức gì. Thế nhưng, đó chỉ mới là dấu hiệu đầu tiên của chuỗi sự kiện chấn động.

Không may như người ta vẫn thường nói, cánh cửa này vừa đóng lại, cánh cửa khác đã mở ra, hé lộ vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử nghệ thuật với tổng số tiền lên đến 80 triệu USD.

Một buổi sáng năm 1995, Glafir Rosales mang đến Knoedler bức tranh chưa từng được biết đến của Mark Rothko.

Lúc bấy giờ, chẳng ai có chút thông tin gì về Glafir Rosales - người phụ nữ kín tiếng sống ở Long Island. Dẫu không thể chứng thực được nguồn gốc tác phẩm, giám đốc gallery Ann Freedman ngay lập tức mua bức tranh. "Tôi đã quá bị cuốn vào sự hào hứng trước hội họa" - Ann Freedman nhớ lại.

Ann Freedman tin mình vừa khai thác được một mỏ báu vật, càng phấn khích hơn sau khi nghe Glafir Rosales còn giữ nhiều tác phẩm chưa từng được biết đến của các nghệ sĩ biểu hiện trừu tượng: Jackson Pollock, Willem de Kooning, Robert Motherwell…

Có bao nhiêu bức tranh của các danh họa này đang giao dịch trên thị trường? Rất ít.

Kể từ khi Jackson Pollock rọi lớp ánh sáng mới lên nghệ thuật hiện đại bằng vệt màu tung tẩy, những tay sưu tập cộm cán nhất đều ra sức càn quét tranh biểu hiện trừu tượng, đẩy thị trường lên đến mức khan hiếm.

Không ngạc nhiên khi số tranh Ann Freedman vừa phát hiện đã đem lại lợi nhuận vài trăm phần trăm cho Knoedler, và tăng 1.000% chỉ vài ngày sau khi rơi vào tay giới sưu tập.

Thế nhưng, Ann Freedman cùng hàng loạt chuyên gia từng thẩm định những tác phẩm này đều không hay biết (ít nhất họ nói vậy) toàn bộ số tranh Glafir Rosales mang đến là… hàng giả.

Nhóm nghệ sĩ thiên tài, niềm tự hào của nghệ thuật Mỹ, hóa ra chỉ là một họa sĩ già người Trung Quốc, thích chép tranh danh họa để luyện nghề.

Glafir Rosales đã lợi dụng cơn cuồng mê tranh biểu hiện trừu tượng, đưa giới nghệ thuật vào tròng, khẽ khàng siết dây thòng lọng bằng ba bức tranh "hiếm" mỗi năm.

Nhà sưu tập, nhà đấu giá đã xếp hàng, lấy số suốt 16 năm để được mua tranh giả, lòng không chút nghi vấn. Hăm hở giành chỗ nhất phải kể đến vợ chồng Domenico De Sol - chủ tịch của nhà đấu giá Sotheby’s danh tiếng, triệu phú Pierre Lagrange...

Đạo diễn Barry Avrich đã bóc tách chiếc bẫy tinh vi qua lời kể của báo giới New York, các chuyên gia nghệ thuật, Ann Freedman, Domenico De Sol. Cay đắng thay, như lời Ann Freedman thừa nhận, bà đã hồn nhiên tận hiến gần hai chục năm sự nghiệp cho những bức tranh giả.

Chúng hủy hoại danh tiếng của bà lẫn Knoedler thay vì trao cho họ vương vị số 1 ở Mỹ. Dĩ nhiên, còn làm muối mặt những nhà thẩm định nghệ thuật lẫn Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia đã trót xem chúng là đồ thật.

Bộ phim tài liệu Made you look: A true story of fake art (tựa Việt: Bạn đã bị lừa: Câu chuyện thật về giới tranh giả) được phát hành trên mạng đã lần lại đường dây mối nhợ của một vụ án mà mỗi khi nhắc đến, giới sưu tập tranh thượng thặng còn rùng mình.

Lại nghi bán tranh giả của họa sĩ Đông Dương Lại nghi bán tranh giả của họa sĩ Đông Dương

TTO - Họa sĩ Đức Hòa khẳng định dứt khoát: "Đây là tranh giả. Bố tôi không vẽ kém như vậy. Nhiều lỗi quá".

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên