06/08/2023 13:34 GMT+7

Ào ạt lấn rừng làm rẫy, trồng bơ, dựng nhà

Vườn sầu riêng khoảng 2ha trồng trên đất rừng phòng hộ phía sau chốt cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc chỉ là giọt nước tràn ly.

Khu vực rừng bị phá tại nội ô Đà Lạt xảy ra vào tháng 5-2022 nằm gần khu nhà kính trồng nông sản cũng lấn chiếm đất rừng - Ảnh: M.VINH

Khu vực rừng bị phá tại nội ô Đà Lạt xảy ra vào tháng 5-2022 nằm gần khu nhà kính trồng nông sản cũng lấn chiếm đất rừng - Ảnh: M.VINH

Trên thực tế tình trạng phá rừng để trồng cây, trồng rau từ lâu đã không còn là chuyện lạ ở tỉnh Lâm Đồng.

Thậm chí, việc phá rừng diện tích hàng hecta diễn ra ngay tại nơi tưởng chừng không ai dám là nội ô TP Đà Lạt.

Rừng nội ô cũng bị hạ

Khoảnh rừng quanh hồ Ta Hoét (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) bị phá nằm gần vùng có dân cư đang sống và sản xuất nông nghiệp - Ảnh: M.VINH

Khoảnh rừng quanh hồ Ta Hoét (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) bị phá nằm gần vùng có dân cư đang sống và sản xuất nông nghiệp - Ảnh: M.VINH

Giữa tháng 5-2022, một khoảnh rừng nội ô ở phường 8, TP Đà Lạt bị phá tan nát. Cơ quan chức năng hết sức bất ngờ khi vụ việc được phát hiện. 

Trong lúc kiểm tra, một lãnh đạo UBND TP Đà Lạt bức xúc rằng không thể hiểu tại sao một vụ phá rừng quy mô lớn, với khoảng 700 cây thông rừng bị đốn hạ và đầu độc, lại có thể xảy ra ở khu rừng nội ô. Khoảnh rừng bị phá liền lạc, có diện tích khoảng 3ha. 

Đáng nói, những cây thông bị đốn hạ vẫn còn để nguyên tại hiện trường. Một số cây nhựa tươi ứa ra. Dấu vết tại hiện trường cho thấy toàn bộ khoảnh rừng nội ô Đà Lạt đã bị đốn hạ bằng cưa máy.

Cũng tại Đà Lạt, rừng phòng hộ đầu nguồn được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng không thoát khỏi bàn tay lâm tặc. 

Tháng 3-2022, chúng tôi đến khoảnh rừng thuộc xã Tà Nung, TP Đà Lạt. Trước mắt là hàng chục cây thông có đường kính 40 - 60cm, cao 10 - 15m đã bị đốn hạ, cắt thành khúc chất đống rồi đốt cháy nhằm phi tang. 

Đây là những cây thông được cơ quan chức năng xác định đã 20 năm tuổi, thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn. Ở nơi khoảnh rừng bị phá xuất hiện nhiều cọc sắt được căng dây thép gai "đánh dấu lãnh thổ". 

Ông Nguyễn Thành Lợi - chủ tịch UBND xã Tà Nung - cho biết: "Nếu chính quyền địa phương không phát hiện sớm để giải tỏa hiện trường, trồng lại cây thì chỉ sau một thời gian ngắn đợi cho dấu vết rừng mờ nhạt, cây nông nghiệp lớn lên những người chiếm đất sẽ rao bán và kiếm tiền bất hợp pháp".

Rà soát lại các vụ phá rừng trên địa bàn, ông Trần Phú Trường - chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà - nhận định: "Nơi nào giá đất tăng cao là nơi đó chúng tôi phải lưu ý đề phòng phá rừng. 

Lâm tặc giờ manh động vô cùng, không phải dùng dao dùng búa để hạ cây mà dùng cưa máy công suất lớn chạy bằng điện. Chỉ một giờ một khắc nào đó là cả khoảnh rừng bị hạ. Khi nhận được tin báo, lực lượng bảo vệ đến hiện trường thì mọi việc đã xong rồi".

Rừng thành... rẫy

Ông Trần Văn Hiệp, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng (bìa phải), kiểm tra hiện trường vụ phá rừng trên quy mô lớn TP. Đà Lạt - Ảnh: M.V.

Ông Trần Văn Hiệp, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng (bìa phải), kiểm tra hiện trường vụ phá rừng trên quy mô lớn TP. Đà Lạt - Ảnh: M.V.

Tại huyện Bảo Lâm ở phía nam Lâm Đồng, việc phá rừng chiếm đất đang là điểm nóng. Một số khoảnh "rừng" đã bị lâm tặc dựng rào chắn cẩn thận để phân chia ranh giới. Khi bị phát hiện, lâm tặc hung hãn sẵn sàng tấn công lực lượng bảo vệ rừng, đánh trọng thương người tố cáo việc phá rừng. 

Tháng 8-2022, ông Lê Văn Ba (một người dân địa phương) bị đánh gãy tay vì chụp ảnh tố cáo việc biến hơn 200ha rừng thông xanh tốt tại tiểu khu 438A, 439 (xã Lộc Phú) thành... rẫy bơ, cà phê và nhiều loại cây ăn quả khác. 

Theo UBND huyện Bảo Lâm, có 48 cá nhân đã lấn rừng ở khu vực nói trên, tổng diện tích bị xâm hại đúng như ông Ba đã tố cáo, tổng diện tích rừng bị chiếm khoảng 80ha. 

Hiện UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi toàn bộ diện tích hơn 231ha này giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Đam B'ri quản lý. Tuy nhiên nạn phá rừng, chiếm đất ở đây diễn biến ngày càng phức tạp.

Hơn 200ha rừng thông tự nhiên ở Lộc Phú (huyện Bảo Lâm) bị biến thành rẫy là một điển hình lấn rừng làm rẫy, canh tác nông nghiệp. Tại huyện này, có những khu vực lâm tặc đưa cả máy móc vào cày xới, san ủi rừng thành những thửa đất vuông vức. 

Ông Phạm Hồng Đăng - cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Đam B'ri - nói: "Không chỉ người dân là ông Lê Văn Ba bị hành hung khi tố cáo phá rừng. Chính bản thân tôi cũng bị lâm tặc hành hung khi giải tỏa nóng rừng bị lấn chiếm. 

Họ phá rừng, lấn rừng tinh vi lắm. Cưa điện không có tiếng động và thường hành động khi lễ Tết, lúc lực lượng ứng trực mỏng".

Rừng thông tại Tiểu khu 438A, 439 (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm) thành… rẫy bơ, cà phê và nhiều loại cây ăn quả khác, thậm chí dựng nhà - Ảnh: M.V.

Rừng thông tại Tiểu khu 438A, 439 (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm) thành… rẫy bơ, cà phê và nhiều loại cây ăn quả khác, thậm chí dựng nhà - Ảnh: M.V.

Việc lấn chiếm đất rừng làm nông nghiệp ở Lâm Đồng chưa có thống kê đầy đủ. Tuy nhiên, chỉ tính diện tích lấn chiếm rừng làm nhà kính (năm 2022) đã hơn 220ha, tập trung ở Đà Lạt, Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng... 

Trong giai đoạn từ 2018 đến nay, tỉnh Lâm Đồng phát hiện khoảng 2.800 vụ phá rừng, trong đó hơn 1.400 vụ được xác định là có động cơ phá rừng để chiếm đất (khoảng 400ha). Trong 14 năm qua, có 208 dự án thuê đất rừng đầu tư ở Lâm Đồng do để xảy ra phá rừng, mất rừng nên bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi dự án.

Ông Nguyễn Văn Sơn - bí thư Huyện ủy Lâm Hà - cho biết: "Chúng tôi đã thống nhất phá rừng chỗ nào, nếu phát hiện được, bên cạnh xử lý theo luật thì phải hoàn nguyên rừng. Không trồng cây con chờ lớn mà phải trồng cây lớn, vài năm tuổi để nhanh hoàn nguyên rừng".

Trao đổi mới đây, ông Trần Văn Hiệp - chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cho biết: "Chúng tôi rất cố gắng, không ở đâu mà diện tích rừng/kiểm lâm lại lớn như ở Lâm Đồng. Có những sai phạm của lực lượng cần phải xử lý nhưng phải nhìn nhận cần có chính sách mới trong công tác kiểm lâm. 

Trước mắt, chúng tôi đã lập chuyên án điều tra phá rừng, tập trung vào các băng nhóm chuyên lấn chiếm đất rừng cho nhiều mục đích khác nhau. Các vụ phá rừng trong hai năm gần đây tại tỉnh Lâm Đồng đều tìm được thủ phạm. Đa số các vụ đều khởi tố vụ án và khởi tố bị can khi đủ điều kiện".

Hàng loạt cán bộ bị kỷ luật vì để mất rừng

Tháng 8-2022, Công an TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố, bắt tạm giam nhóm đối tượng phá rừng tại phường 8, TP Đà Lạt, gồm: Lê Thị Minh (51 tuổi), Dương Kim Hà (41 tuổi) và Bùi Thị Huyền (39 tuổi, cùng ngụ tại phường 12, TP Đà Lạt). Liên quan đến vụ phá rừng này, Đảng ủy phường 8, TP Đà Lạt cũng đã bị kỷ luật vào cuối năm 2022.

Theo cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2018 đến tháng 4-2023, toàn tỉnh có 13 cơ quan, đơn vị và 161 cán bộ, nhân viên bị kỷ luật do mắc sai phạm, thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để lập vườn sản xuất nông nghiệp, sang nhượng trái phép...

Lâm tặc "gặm nhấm" đất rừng Tây Nguyên, có chủ rừng... bán luôn rừngLâm tặc 'gặm nhấm' đất rừng Tây Nguyên, có chủ rừng... bán luôn rừng

Bất chấp mọi nỗ lực bảo vệ, những năm qua hàng trăm ngàn héc ta đất rừng ở Tây Nguyên tiếp tục bị triệt hạ. Lâm tặc thời nay không chỉ có dân đen mà còn có cả cán bộ, doanh nghiệp và mục đích phá rừng cũng không phải lấy gỗ, mà là để chiếm đất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên