22/05/2013 18:02 GMT+7

"Ăn theo" lễ hội vía Bà

HOÀI VŨ
HOÀI VŨ

TTO - Chưa đến lễ chính nhưng những ngày này, số lượng khách đổ về núi Sam (Châu Đốc, An Giang) đã đông đúc, các dịch vụ mua bán, nhà trọ, khách sạn, nhà hàng, quán ăn, lò quay heo, chỗ gửi xe… theo đó cũng “nóng” lên.

6vfcRB9W.jpgPhóng to
Vàng bạc, giấy tiền và hàng mã được cúng đốt liên tục - Ảnh: Hoài Vũ

Năm nay, tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm vừa được Hội đồng Xác lập kỷ lục châu Á công nhận đạt kỷ lục châu Á năm 2013. Lễ công nhận sẽ được long trọng tổ chức ngày 29-5 trên núi Cấm, trùng hợp thời điểm diễn ra lễ hội vía Bà nên lượng khách đổ về núi Sam và núi Cấm dự kiến tăng đáng kể.

Lễ hội văn hóa quốc gia vía Bà Chúa Xứ diễn ra tại núi Sam từ ngày 22 đến 25-4 âm lịch hằng năm. Đây là một trong những lễ hội được tổ chức theo nghi thức truyền thống, quy mô lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, mỗi ngày quy tụ trên 50.000 lượt người đến hành hương và du lịch.

Các trung tâm du lịch, nhất là phố núi Châu Đốc, những ngày này trở nên rộn ràng, tất bật cùng với nhiều dịch vụ ăn theo ngày càng đa dạng, phong phú nhưng cũng không kém phần phức tạp.

Thông thường vào những ngày diễn ra lễ hội, số lượng khách đổ về núi Sam đông đúc khiến các dịch vụ mua bán, nhà trọ, khách sạn, nhà hàng, quán ăn, lò quay heo, chỗ gửi xe… lúc nào cũng “nóng”, giá cả leo thang, chưa kể hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Tuy chính quyền và lực lượng bảo vệ mấy ngày này đã tăng tốc 24/24 giờ nhưng vẫn không kiểm tra, giám sát nổi, nhất là mùa “bão giá”, nhiều quán ăn thẳng tay “chặt chém” gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Điều đáng quan tâm nhất là tình trạng “mua thần bán thánh”, lợi dụng niềm tin của khách mộ đạo bày ra nhiều trò mê tín làm ảnh hưởng đến không gian thiêng của các khu di tích và chùa chiền. Tại sân miếu Bà và chùa Tây An, lúc nào cũng có đông người mang nhang đèn, vàng bạc, giấy tiền cùng các loại đồ mã ra cúng đốt trong khi các“cò” đứng kế bên kề tai dụ dỗ khiến không ít người nhẹ dạ nghe theo.

DRo5thnC.jpgPhóng to
Heo quay cúng bái tại miếu Bà Chúa Xứ thế này khiến các lò quay heo cạnh tranh quyết liệt - Ảnh: Hoài Vũ

Mạnh ai nấy cúng, người cúng heo quay, người cúng trái cây, nhang đèn; có người đốt nguyên cả bó để tỏ lòng thành kính, nhưng vừa cắm xong đã có người đến nhổ mang đi tránh hỏa hoạn. Cứ thế, rừng người cứ chen nhau vào khấn vái, chen lấn, nhích từng bước khiến các nơi thờ phụng trở nên ngột ngạt khó thở vì mùi khói nhang nồng nặc.

Thời gian diễn ra lễ hội cũng là lúc cạnh tranh quyết liệt. Các cơ sở kinh doanh thường tung ra một đội ngũ “cò” mời mọc, níu kéo khách hàng, đông nhất là "cò" giữ xe, "cò" khách sạn, "cò" ăn uống, "cò" chụp ảnh, rồi nào "cò" xem bói, xem chỉ tay, "cò" chim phóng sinh, "cò" mắm, "cò" khô, "cò" heo quay, "cò" thuốc gia truyền… Du khách đi đến đâu cũng bị lôi kéo, hết mời ăn uống lại mời ngủ trọ, mời chụp ảnh, mời mua nhang đèn, đồ cúng, thậm chí còn mời vào… phòng matxa.

Mặc dù ban tổ chức rất quan tâm đến văn hóa lễ hội nhưng dọc các đường lên núi vẫn còn xuất hiện nhóm người xin ăn nằm bò lê lết. Đó đây vẫn còn tiềm ẩn nhiều tiêu cực như tình trạng bói toán, xem chỉ tay, bán thuốc núi và trị bệnh bằng các biện pháp “siêu hình”. Hiện tượng chen lấn, móc túi vẫn còn diễn ra.

WNJ8gKRu.jpgPhóng to
Mua bán chim phóng sinh gần khu lễ hội - Ảnh: Hoài Vũ

Vấn đề vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường cũng đang đặt ra nhiều chuyện nan giải, nhất là thức ăn, nước uống không được bảo quản kỹ. Nhiều rác rến, nhất là các đồ phế thải như vỏ lon, bọc nilông, cao su ném bừa bãi dọc đường lên núi khiến cảnh quan môi trường mất hấp dẫn và còn làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng du lịch.

Vài năm nay, nhất là từ khi lễ hội vía Bà Chúa Xứ được công nhận lễ hội văn hóa cấp quốc gia, ban quản lý, ban tổ chức lễ hội và lực lượng công an, dân phòng đã nỗ lực trong việc ổn định trật tự trị an và hạn chế tối đa các tệ nạn xã hội ăn theo, song thực tế vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc do lễ hội kéo dài, địa bàn quá rộng mà lực lượng quản lý lại mỏng nên không thể một sớm một chiều khắc phục được.

Không phủ nhận tại các khu diễn ra lễ hội cũng có nhiều người tốt, làm ăn lương thiện, nhất là khách hành hương đến đây với tấm lòng từ bi hướng thiện. Nhiều cửa hàng mua bán cũng rất có uy tín, có bảng niêm yết giá cả đàng hoàng. Đáng tiếc số đó chưa nhiều, chưa đủ để tạo niềm tin cho du khách.

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng du lịch, nhiều du khách đã đề nghị ban tổ chức nên nhắc nhở bà con khi vào cúng bái chỉ cần đốt mỗi người một cây nhang, dẹp bỏ nạn bán chim phóng sinh và các hình thức mê tín dị đoan, cụ thể như việc bán vàng, đôla giả và các loại sách báo nhảm nhí trước miếu Bà. Có như thế không gian lễ hội mới tương xứng với một lễ hội văn hóa cấp quốc gia.

HOÀI VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên