26/10/2023 08:22 GMT+7

Ai tuyệt đối không nên phẫu thuật thẩm mỹ?

Ngày nay, nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ của mọi người ngày càng gia tăng. Thế nhưng không phải ai cũng có đủ sức khỏe để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, đặc biệt đối với người có bệnh lý nền.

Tiến sĩ Tống Hải khuyến cáo người mắc một số bệnh lý nền không nên phẫu thuật thẩm mỹ - Ảnh: BVCC

Tiến sĩ Tống Hải khuyến cáo người mắc một số bệnh lý nền không nên phẫu thuật thẩm mỹ - Ảnh: BVCC

Theo TS thẩm mỹ Tống Hải - chủ nhiệm khoa vi phẫu và tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia (Hà Nội), những người không nên thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ là những người mắc các bệnh lý tim mạch, hô hấp nặng như suy tim, tăng huyết áp (dùng nhiều thuốc), viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen... 

Việc phẫu thuật thẩm mỹ sẽ gây gánh nặng cho tim, phổi, dẫn đến biến chứng.

Những người mắc các bệnh chuyển hóa như gout, đái tháo đường khó kiểm soát, vì phẫu thuật có thể khiến vết thương khó lành.

Người suy chức năng gan, xơ gan cổ trướng, suy thận lọc máu; người thiếu máu, rối loạn các yếu tố đông máu hoặc người phải dùng thuốc chống đông kéo dài; mắc các bệnh hệ thống trong đợt bùng phát, bệnh suy giảm miễn dịch; phụ nữ đang cho con bú.

Đặc biệt, đối với bệnh lupus ban đỏ hệ thống, TS Hải cảnh báo người bệnh cần chú ý. Theo đó, lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn mạn tính có thể ảnh hưởng tới nhiều bộ phận của cơ thể.

Bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch, thường giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và bệnh tật, tấn công các mô của chính mình. Cuộc tấn công này gây viêm và dẫn đến tổn thương mô vĩnh viễn trong một số trường hợp.

Bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nặng như ban đỏ cánh bướm, viêm thận lupus, viêm tủy ngang, hội chứng Raynaud co thắt mạch chi thể, thiếu máu huyết tán tự miễn, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì, viêm đa cơ,...

Triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện ở nhiều cơ quan như ở da là các ban đỏ hình cánh bướm, nốt ban dạng đĩa ngón tay, bàn tay,... 

Người bệnh có thể bị rụng tóc, vàng tóc, gãy tóc, loét niêm mạc, tràn dịch màng ngoài tim, sưng đau khớp, rối loạn kinh nguyệt, thiếu máu, viêm thận…

Hiện chưa có biện pháp điều trị hoàn toàn được bệnh lupus ban đỏ cũng như các căn bệnh tự miễn khác, song điều trị sớm và tích cực vẫn giúp người bệnh kiểm soát tốt. Khi kiểm soát được triệu chứng, bệnh nhân vẫn có sức khỏe và cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, cần đặc biệt cần lưu ý các triệu chứng lupus ban đỏ nghiêm trọng ở tim, phổi, thận và các cơ quan khác có thể gây biến chứng.

"Nếu trong thời kỳ bệnh lupus ban đỏ ổn định, bệnh nhân có thể làm các phẫu thuật thẩm mỹ như cắt mí, nâng cung mày, nâng mũi (chất liệu độn sinh học), hút mỡ một vài vùng,....

Tuy nhiên không nên làm các phẫu thuật thẩm mỹ lớn có đặt chất liệu, làm nhiều phẫu thuật một lúc, thời gian mổ kéo dài. Trường hợp đang trong đợt cấp bùng phát thì chống chỉ định phẫu thuật thẩm mỹ", TS Hải nhấn mạnh.

Tiến sĩ Hải thông tin thêm trong tình huống bệnh nhân vừa phẫu thuật thẩm mỹ xong mới nhận thấy dấu hiệu của lupus ban đỏ thì cần thật bình tĩnh.

Bệnh nhân cần được theo dõi để đánh giá mức độ bệnh, sử dụng các thuốc giảm đau (nếu có đau), sử dụng các thuốc bảo vệ gan thận. Đồng thời kết hợp các thuốc corticoid, có thể kết hợp các thuốc chống viêm, ức chế miễn dịch liều thấp… theo ý kiến của chuyên gia chuyên khoa sâu.

Đặc biệt, trước khi thực hiện phẫu thuật, dù là tiểu phẫu, bác sĩ đều phải hỏi bệnh sử của người bệnh rất kỹ để đảm bảo an toàn và kiểm soát được nếu có vấn đề xảy ra.

Càng thẩm mỹ càng không hài lòngCàng thẩm mỹ càng không hài lòng

Xã hội hiện đại, nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, có không ít người can thiệp thẩm mỹ càng nhiều thì càng gia tăng sự không hài lòng, dù đã gặp biến chứng. Có người còn có ý định tự tử chỉ vì mặt nổi mụn...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên