28/09/2017 09:23 GMT+7

5 đề xuất từ 'siêu bơm chống ngập'

Vũ Hải (kỹ sư cao cấp  chuyên ngành cấp thoát nước)
Vũ Hải (kỹ sư cao cấp chuyên ngành cấp thoát nước)

TTO - Xung quanh siêu bơm chống ngập, bạn đọc Vũ Hải (kỹ sư cao cấp chuyên ngành cấp thoát nước) đã có bài viết đưa ra 5 đề xuất. Tuổi Trẻ xin giới thiệu hiến kế của ông.

5 đề xuất từ siêu bơm chống ngập - Ảnh 1.

Máy bơm chống ngập bơm nước ngập do triều cường trên đường Nguyễn Hữu Cảnh ra sông Sài Gòn- Ảnh: HỮU KHOA

Tôi thấy mừng khi giải pháp dùng "siêu bơm chống ngập" bước đầu thử nghiệm thành công trong cơn mưa ngày 21-9 trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP.HCM.

1. Việc thử nghiệm "siêu bơm chống ngập" vừa qua được thực hiện khi mưa nhỏ, chủ yếu nước ngập là do triều cường, nên lần tới đề nghị Công ty Quang Trung liên kết với đài khí tượng thủy văn dự báo về ngày có mưa to để có kế hoạch bơm nước thử nghiệm. 

Do vậy, công ty cần thử nghiệm nhiều lần, nhất là đối với ngày có mưa to gặp triều cường, để có đầy đủ số liệu chứng minh cho hiệu quả của giải pháp.

2. Công ty Quang Trung nên ghi chép đầy đủ các thông số về: độ sâu ngập trên đường trước khi bơm, công suất máy bơm khi vận hành, áp lực bơm, thời gian bơm cho tới khi hết ngập và khối lượng nước bơm sau mỗi lần thử nghiệm. 

Cũng cần ghi lại các thông số về lượng điện, lượng dầu tiêu thụ; số người tham gia vận hành cho mỗi lần thử nghiệm để có cơ sở tính toán chi phí vận hành quản lý sau này khi giải pháp được chấp thuận và đưa vào hoạt động, khai thác.

3. Đợt thử nghiệm vừa qua chủ yếu là bơm nước ngập do triều cường. Điều đó chứng tỏ rằng các van ngăn triều của khu vực này hoạt động chưa tốt, hư hỏng hoặc còn một số cửa xả chưa được lắp đặt van ngăn triều. 

Điều này cần được thành phố khắc phục sớm để khỏi lãng phí vì phải tốn năng lượng và chi phí không cần thiết cho việc bơm nước không mong muốn này.

4. Một vấn đề cần lưu ý nữa là hiện nay thành phố đã cho xây dựng đập ngăn triều ở cửa rạch Thị Nghè phục vụ chống ngập rất hiệu quả cho một lưu vực rộng lớn, nhưng do quản lý chưa tốt và thiết kế đập chủ yếu chỉ để ngăn không cho nước triều vào kênh rạch là chính, chứ không quan tâm đến việc biến kênh rạch thành hồ chứa nước mưa khi mưa to, nên hiệu quả sử dụng đập chưa cao.

Đề nghị thành phố bổ sung một kinh phí nhỏ cho việc cải tạo đập ngăn triều Thị Nghè bằng cách lắp đặt các thiết bị quản lý tự động hóa việc đóng mở cửa đập và có chế độ vận hành, quản lý đập hợp lý sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều cho việc chống ngập do triều và mưa to cho cả lưu vực rộng lớn này.

Ví dụ: Khi mức nước sông lên cao tới cốt 1m, cửa ngăn triều tự động sập xuống sẽ chống được ngập do triều. Vào mùa mưa, khi nước triều rút tới cốt 0,5m, cửa ngăn triều tự động mở ra để nước từ kênh rút ra sông đến cốt -1,5m (cốt đáy rạch ở vị trí đập là -5,5m) thì tự động đóng lại. Như vậy khi mưa to, kênh rạch theo tính toán sơ bộ có thể trữ được khoảng 930.000m3 nước mưa, nếu kể cả hệ thống cống lúc này đang rỗng nữa thì lượng nước mưa điều tiết sẽ còn lớn hơn nữa.

5. Nền đường một số đoạn trên đường Nguyễn Hữu Cảnh bị sụt lún từ 0,3 - 0,4m, đặc biệt có chỗ tới 1,6m nên có một số cống thoát nước trên các đoạn đường này bị vỡ, gãy làm nước không chảy được, trào lên mặt đường gây ngập. Do vậy, cần nhanh chóng thăm dò tìm chỗ ống vỡ, gãy để khắc phục ngay.

Vũ Hải (kỹ sư cao cấp chuyên ngành cấp thoát nước)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên