08/10/2023 19:13 GMT+7

3 phương án gỡ vướng cho dự án ngăn triều 10.000 tỉ

Báo cáo kết quả triển khai nghị quyết số 40 của Chính phủ liên quan dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 (dự án ngăn triều 10.000 tỉ), TP.HCM đề xuất ba phương án gỡ vướng.

Hạng mục cống Tân Thuận của dự án ngăn triều 10.000 tỉ sừng sững trên kênh Tẻ nhưng chưa thể đưa vào vận hành - Ảnh: LÊ PHAN

Hạng mục cống Tân Thuận của dự án ngăn triều 10.000 tỉ sừng sững trên kênh Tẻ nhưng chưa thể đưa vào vận hành - Ảnh: LÊ PHAN

Cuộc họp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các thành viên Thường trực Chính phủ về dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (dự án ngăn triều 10.000 tỉ - giai đoạn 1) đã nhận định các báo cáo của UBND TP.HCM cho thấy dự án đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chính phủ cũng quyết định thành lập tổ công tác do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng, chủ tịch UBND TP.HCM làm tổ phó. Chính phủ yêu cầu UBND TP.HCM cần khẩn trương thực hiện và báo cáo cụ thể việc triển khai nghị quyết số 40. Đồng thời xác định rõ các khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý và đề xuất phương án giải quyết cho Phó thủ tướng Trần Lưu Quang.

Trước những khó khăn liên quan đến dự án ngăn triều 10.000 tỉ, lãnh đạo TP.HCM đã đề xuất ba phương án gỡ vướng.

Phương án 1: Thành phố thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng đã hoàn thành song song cả bằng trả đất và tiền, phù hợp với lịch thanh toán đã thỏa thuận.

Đối với phần giá trị thanh toán bằng tiền, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn ngân hàng BIDV chưa thu nợ. Tiếp tục cấp vốn để cho nhà đầu tư có thể hoàn thành dự án. Trên cơ sở đó, TP và nhà đầu tư tổ chức nghiệm thu, thanh toán phần còn lại theo đúng các thỏa thuận, hợp đồng và các phụ lục hợp đồng đã được ký kết.

Tuy nhiên đối với phương án này, nghị định 69 của Chính phủ ban hành năm 2019 không quy định việc thanh toán các hợp đồng BT bằng hình thức tiền theo tiến độ khối lượng hoàn thành và chỉ cho phép thanh toán bằng tiền tại thời điểm quyết toán công trình.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã báo cáo tại buổi họp Thường trực Chính phủ và có ý kiến phương án này là chưa phù hợp.

Như vậy, trong trường hợp được thanh toán bằng quỹ đất song song với thanh toán bằng tiền cũng chưa đảm bảo khả năng Ngân hàng BIDV ký phụ lục hợp đồng tín dụng với nhà đầu tư để tiếp tục giải ngân vốn.

Phương án 2: Quỹ đầu tư phát triển TP (HFIC) cho vay từ nguồn vốn hoạt động. Phương án này có thuận lợi khi HFIC có thể chủ động cho vay để nhà đầu tư thi công hoàn thành công trình. 

Việc huy động được nguồn vốn sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành, tăng hiệu quả dự án, giảm lãi vay phát sinh.

Tuy nhiên cũng có hạn chế khi qua đối chiếu các quy định, HFIC có báo cáo dự án chưa đáp ứng các điều kiện để HFIC có thể thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho vay.

Cụ thể, dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng chưa có tổng mức đầu tư điều chỉnh, chưa xác định thời gian hoàn thành dự án, lịch thanh toán và điều kiện thanh toán, tình trạng nợ có nguy cơ trở thành nợ xấu của nhà đầu tư.

Ngoài ra giới hạn cho vay của HFIC chỉ khoảng 1.100 tỉ đồng (20% vốn sở hữu của HFIC). Nguồn vốn vay cũng như điều kiện về bảo đảm tiền vay phải được BIDV đồng ý.

Phương án 3: HFIC sẽ nhận ủy thác cho vay công trình dự án từ ngân sách TP theo quy định của nghị định số 147 Chính phủ ban hành năm 2020.

Cụ thể là TP sẽ ủy thác ngân sách (khoảng 1.800 tỉ đồng) cho HFIC để HFIC cho nhà đầu tư vay hoàn thành công trình. Sau khi công trình được nghiệm thu, TP sẽ thanh toán cho nhà đầu tư theo đúng hợp đồng BT, các phụ lục hợp đồng BT đã ký. 

Từ đó nhà đầu tư sẽ thanh toán nợ với HFIC. HFIC sẽ hoàn trả lại ngân sách TP đối với khoản vốn đã nhận ủy thác.

Thuận lợi của phương án này là có cơ sở pháp lý. Theo đó ngân sách TP không tạm ứng cho nhà đầu tư để thực hiện dự án mà sẽ ủy thác cho HFIC. HFIC sẽ cho vay theo quy định đối với quỹ đầu tư phát triển địa phương.

Phương án 3 là khả thi nhất đối với dự án ngăn triều 10.000 tỉ

Qua phân tích ba phương án, TP.HCM nhận thấy phương án 3 là phương án khả thi nhất, có cơ sở thực hiện. Do đó, trong trường hợp được thông qua các đề xuất nêu trên, TP dự kiến sẽ thực hiện tổ chức điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi và điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT để gia hạn thời gian thực hiện dự án.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng gỡ vướng dự án ngăn triều 10.000 tỉ tại TP.HCMPhó thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng gỡ vướng dự án ngăn triều 10.000 tỉ tại TP.HCM

Đây là nội dung Văn phòng Chính phủ truyền đạt kết luận của Thường trực Chính phủ về dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng tại TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên