10/07/2020 09:25 GMT+7

25 năm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ - Kỳ 4: Thượng nghị sĩ Leahy và chị Thảo

KHOA THƯ
KHOA THƯ

TTO - Sau sự kiện bình thường hóa quan hệ hai nước năm 1995, các vấn đề hậu chiến vẫn còn hết sức nhạy cảm, là vết thương nhức nhối không chỉ với người Việt Nam mà còn với người Mỹ.

25 năm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ - Kỳ 4: Thượng nghị sĩ Leahy và chị Thảo - Ảnh 1.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tặng thượng nghị sĩ Patrick Leahy món quà là hộp đất đã được làm sạch chất dioxin ngày 11-12-2019 - Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ

Đáp lại sự giúp đỡ tích cực của Việt Nam trong chương trình Tìm kiếm tù binh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA), phía Mỹ cũng đã thiện chí giải quyết các hậu quả chiến tranh ở Việt Nam bao gồm chất độc da cam/dioxin và bom mìn, vật nổ còn sót lại.

Theo lời cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường, khắc phục hậu quả chiến tranh đã trở thành một trong những chương trình lớn của quan hệ Việt - Mỹ trong hơn 20 năm qua và là điểm sáng giúp hai cựu thù trong quá khứ có thể gọi nhau là bạn bè, đối tác như hiện tại.

Tôi cảm thấy ấn tượng khi một chương trình nhỏ được khởi xướng cách đây 25 năm với mục đích duy nhất là giúp một vài người có thể đi đứng trở lại, lại trở thành chất xúc tác cho việc giải quyết một trong những vấn đề khó khăn nhất mà chiến tranh để lại, đồng thời xây dựng một mối quan hệ mới cho hai cựu thù.

Chủ tịch Thượng viện Mỹ Patrick Leahy phát biểu ngày 23-6-2015 tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington về giải quyết vấn đề chất độc da cam tại Việt Nam.

"Vị đại sứ xuất sắc nhất"

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy là một trong những nhân vật có đóng góp quan trọng nhất ở phía Mỹ nhằm giải quyết vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam. Ông đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1996 để gặp và thảo luận với các bên liên quan về cách thức mà Mỹ và Việt Nam có thể tiến hành để rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại. Sau này, khi đã trở thành chủ tịch Thượng viện Mỹ, ông Leahy nhiều lần quay trở lại Việt Nam để thúc đẩy các nỗ lực giải quyết di sản chiến tranh mà ông từng bắt đầu vào năm 1996.

Thật ra ông bắt đầu các nỗ lực hỗ trợ người khuyết tật ở Việt Nam kể từ khi tổng thống Bush (cha) còn đương chức. Năm 1989, Quỹ nạn nhân chiến tranh Patrick Leahy trở thành chương trình hỗ trợ đầu tiên của Mỹ cho người dân Việt Nam thời kỳ hậu chiến, đã giúp đỡ hàng ngàn nạn nhân chiến tranh Việt Nam, những người bị mất chân tay, có thể đi lại và tự lập thông qua việc trao tặng tay chân giả, xe lăn và các khóa dạy nghề.

Khi còn là đại sứ Việt Nam tại Mỹ (2011-2014), ông Nguyễn Quốc Cường đã gặp thượng nghị sĩ Patrick Leahy và được nghe kể một câu chuyện xúc động. Đó là lần ông Leahy sang Việt Nam để tặng xe lăn cho những người khuyết tật do bom mìn. Tại buổi lễ hôm đó có một thanh niên bị cụt hai chân đề nghị được ông bế lên xe lăn.

Cảm giác đầu tiên khi bế người thanh niên đó lên là hụt hẫng, bởi vì người Việt Nam vốn thấp bé nay bị mất hai chân lại trở nên rất nhẹ, khiến ông Leahy tưởng chừng như không có ký lô nào cả. Rồi thì người thanh niên đó kéo nhẹ cổ áo của ông Leahy lại. Ông giật mình, ngỡ mình đã làm điều gì thất thố. Nhưng hóa ra người thanh niên quàng cánh tay còn lại lên cổ ông để nói cảm ơn.

"Ông Patrick Leahy nói với tôi rằng cả đời không bao giờ có thể quên được nghĩa cử đó của người thanh niên Việt Nam" - đại sứ Quốc Cường kể lại. Chuyện này được nhắc lại trong lần ông Cường đến chào từ biệt ông Leahy khi kết thúc nhiệm kỳ ở Mỹ. Ông Leahy đánh giá đại sứ Cường là một đại sứ xuất sắc của Việt Nam tại Mỹ.

"Lúc đó, tôi cảm ơn những lời đánh giá, động viên của ông Patrick Leahy. Tuy nhiên, tôi có nói với ông ấy rằng người đại sứ xuất sắc nhất của Việt Nam tại Mỹ chính là người thanh niên cụt chân đã quàng tay lên cổ ông Leahy để cảm ơn cách đây nhiều năm trước. Nghe thấy thế, ông ấy rất xúc động, đứng lên bắt tay, ôm tôi và bảo rằng: Ông nói rất đúng!".

25 năm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ - Kỳ 4: Thượng nghị sĩ Leahy và chị Thảo - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thu Thảo chụp ảnh cùng vợ chồng cựu chủ tịch Thượng viện Mỹ Patrick Leahy và bà Marcelle Leahy trên chuyến bay chuyên cơ khi ông sang thăm Việt Nam năm 2014 - Ảnh: NVCC

Người phụ nữ Việt ở VVAF

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy có mối quan hệ rất thân thiết với một phụ nữ Việt, đó là chị Nguyễn Thu Thảo - cựu trưởng đại diện Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) - bởi hai người cùng có mối quan tâm chung đặc biệt trong các vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam.

Ngày 16-9-2010, trong bài phát biểu tại Thượng viện Mỹ, ông Leahy đã nhấn mạnh vai trò của VVAF, mà ở đó chị Thảo nắm giữ một trong những vị trí chủ chốt, là "không thể thiếu" trong việc thực hiện các nỗ lực này tại Việt Nam.

Cơ duyên khiến chị Thảo chọn con đường đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh cũng rất tình cờ. Đúng vào ngày cưới của chị (17-11-2000), cả gia đình chị dán mắt vào màn hình theo dõi bài phát biểu của Tổng thống Bill Clinton tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam thời hậu chiến. 

"Chúng tôi mong muốn tăng cường các chương trình hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Chúng tôi muốn tiếp tục chương trình rà phá bom mìn vật nổ" - tuyên bố của ông Clinton ngay lập tức thu hút được sự chú ý của chị Thảo.

Cùng thời điểm chuyến thăm này, VVAF - tổ chức từng nhận được giải Nobel hòa bình năm 1997 cho chiến dịch chống sử dụng mìn sát thương trên toàn thế giới - khởi động một số khảo sát về vật nổ chiến tranh còn sót lại với sự hợp tác cùng Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Tò mò về sứ mệnh của VVAF, chị Thảo quyết định nộp đơn làm việc cho VVAF dù đang là cán bộ dự án dân tộc thiểu số của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Hà Giang. 

"Cho dù chỉ mới có một chút hiểu biết về bom mìn ở quê hương mình thôi nhưng tham gia dự án này sẽ cho mình cơ hội được hiểu thêm về hậu quả của cuộc chiến tranh ở Việt Nam từ một góc nhìn khác - của những người bên kia chiến tuyến và ảnh hưởng của nó để lại cho đời sống của người dân Mỹ", chị Thảo nhớ lại động lực đã thúc đẩy mình nộp đơn.

Năm 2004, chị Thảo lên đường sang Mỹ với học bổng Fulbright cho ngành quan hệ quốc tế cùng nguyện vọng duy nhất: trường nào cũng được, miễn là ở Washington DC, nơi đặt trụ sở chính của VVAF. Ban ngày chị đi làm việc ở trụ sở chính của VVAF, ban đêm đến trường và thường xuyên tháp tùng chủ tịch VVAF là ông Bobby Muller trong những buổi gặp mặt của chính giới và học giả địa phương cũng như nghe những buổi điều trần liên quan đến Việt Nam ở Thượng viện và Hạ viện Mỹ.

Ròng rã một năm rưỡi ở xứ cờ hoa, chị Thảo kết thúc chương trình học và trở về Việt Nam. Một ngày giữa năm 2006, ông Bobby Muller gọi chị Thảo đến để đưa ra đề xuất: "Hãy bắt đầu chương trình xử lý chất độc da cam tại Việt Nam".

Nhờ vào sự thúc đẩy của ông Leahy và trợ lý thân cận Tim Rieser, một người cũng có nhiều tình cảm với Việt Nam, tháng 5-2007 Chính phủ Mỹ tuyên bố cung cấp 3 triệu USD "cho các hoạt động khắc phục hậu quả về môi trường và sức khỏe ở những khu vực bị ô nhiễm dioxin tại Việt Nam".

Từ 3 triệu USD ban đầu, cho đến nay phía Mỹ đã chi hơn 100 triệu USD cho việc tẩy độc sân bay Đà Nẵng và cam kết dành 300 triệu USD cho tẩy độc sân bay Biên Hòa. Ngoài ra, từ năm 1989, 125 triệu USD đã được Chính phủ Mỹ dành cho chương trình hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam, giúp đỡ hơn 1 triệu người.

Dạo quanh thủ đô

Tháng 4-2014, chủ tịch Thượng viện Mỹ Patrick Leahy dẫn đoàn thăm chính thức Việt Nam trong 5 ngày để làm việc với các đối tác sở tại trong vấn đề rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Bà Marcelle Leahy đã ngỏ ý nhờ chị Thảo chở mình đi thăm thú Hà Nội trên xe máy. Và mặc cho mọi người lo ngại và ngăn cản vì tình trạng giao thông rối ren ở thủ đô, hai người phụ nữ đã có một chuyến đi đầy lý thú, qua những ngóc ngách của phố cổ, những dãy biệt thự ở khu phố Pháp, bờ đê sông Hồng, kéo dài 3 tiếng so với dự định 1 tiếng ban đầu.

25 năm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ - Kỳ 3: Những 25 năm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ - Kỳ 3: Những 'sứ giả' giáo dục

TTO - Thượng nghị sĩ Mỹ William Fulbright đã sáng lập học bổng Fulbright với ý nghĩa: “Để thêm bạn, bớt thù, giáo dục chính là con đường tốt nhất”. Quan điểm giáo dục thúc đẩy tình bằng hữu rất đúng với quan hệ Việt - Mỹ những năm đầu thời hậu chiến.

KHOA THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên