10/09/2023 10:02 GMT+7

Quan hệ Việt - Mỹ: Tầm nhìn mới, động lực mới

Hôm nay 10-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến đến Việt Nam thăm cấp nhà nước theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hàng Việt tại siêu thị Eden ở thành phố Falls Church, bang Virginia, Mỹ - Ảnh: HỮU TÀI

Hàng Việt tại siêu thị Eden ở thành phố Falls Church, bang Virginia, Mỹ - Ảnh: HỮU TÀI

Chuyến thăm của ông Joe Biden diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện. Đây là dịp để hai bên nhìn lại quá trình hợp tác và phát triển trong thập niên qua, đồng thời đề ra đường hướng phát triển mối quan hệ song phương trong thời gian tới, tìm kiếm những tiềm năng hợp tác tương lai.

Hợp tác với Việt Nam rõ ràng là một ưu tiên của Mỹ vì nước này muốn giảm thiểu rủi ro cho các hoạt động công nghiệp.

Ông Amitendu Palit (ĐH Quốc gia Singapore)

Vai trò dẫn đầu của Việt Nam

Chuyên cơ của Tổng thống Biden dự kiến đến Hà Nội trong ngày 10-9 sau khi ông hoàn tất chuyến công du đến Ấn Độ dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi.

Cùng với việc Phó tổng thống Kamala Harris đến Indonesia dự Hội nghị cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 và các hội nghị liên quan, chính quyền ông Biden đang tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ những ưu tiên hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nhà Trắng đặc biệt đánh giá cao mối quan hệ với Việt Nam cũng như nhìn nhận Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chiến lược của Washington.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã chia sẻ điều này tại cuộc họp báo ngày 5-9 khi nói với Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre: "Được xây dựng trên thành công trong chuỗi hoạt động ngoại giao của Tổng thống Biden năm nay, chuyến thăm này là bước đi đáng chú ý trong việc tăng cường quan hệ ngoại giao của chúng ta, và phản ánh vai trò dẫn đầu mà Việt Nam đang nắm giữ trong mạng lưới hợp tác ngày càng tăng của chúng ta ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khi chúng ta nhìn về tương lai".

Theo ông Sullivan, chuyến thăm Việt Nam là thời cơ mạnh mẽ để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác mang lại lợi ích cho người dân Mỹ, cũng như hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông cho rằng Việt Nam và Mỹ cùng quan tâm tới nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có phát triển công nghệ và hai nước sẽ "vạch ra tầm nhìn của chúng ta trong việc cùng đối diện thế kỷ 21 với một mối quan hệ đối tác được thúc đẩy và tràn đầy năng lượng".

Giới quan sát hiện nay nhìn nhận Mỹ đang triển khai một chiến lược tổng thể nhằm gia tăng sức ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chính quyền ông Biden muốn tăng cường sức mạnh cho các đối tác của Washington thông qua việc cung cấp một khuôn khổ đa dạng hóa lựa chọn hợp tác kinh tế.

Theo ông Steven Okun - cố vấn cấp cao của Công ty tư vấn chiến lược quốc tế McLarty Associates, việc Mỹ mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam đã nhấn mạnh và nâng cao tầm quan trọng trong vai trò của Việt Nam ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cả về kinh tế lẫn chiến lược. Ông Okun cho rằng Việt Nam có vai trò nổi bật khi Mỹ muốn tăng cường ảnh hưởng và giới thiệu các lựa chọn hợp tác mới trong khu vực.

Theo tôi, các lĩnh vực như sản xuất, năng lượng tái tạo và dịch vụ kỹ thuật số mang đến thời cơ vàng cho Việt Nam để tạo ra chỗ đứng cho riêng mình, từ đó khẳng định sự hiện diện mạnh mẽ hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ những thuận lợi từ chi phí nhân công và môi trường địa chính trị.

GS Julien Chaisse (ĐH Hong Kong)
Công nhân lắp ráp máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp trang bị hệ thống AI - nhận diện cây trồng tại Công ty Real-time Robotics Việt Nam do kiều bào Mỹ đầu tư sản xuất - Ảnh: TỰ TRUNG

Công nhân lắp ráp máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp trang bị hệ thống AI - nhận diện cây trồng tại Công ty Real-time Robotics Việt Nam do kiều bào Mỹ đầu tư sản xuất - Ảnh: TỰ TRUNG

Việt Nam đánh giá cao hợp tác với Mỹ

Cũng như Cố vấn an ninh quốc gia Sullivan, Đại sứ Mỹ Marc Knapper mới đây khi đề cập chuyến thăm của Tổng thống Biden cũng nhắc tới tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước với những ưu tiên chung về định hướng phát triển kinh tế đổi mới, chú trọng công nghệ.

Nền tảng quan trọng cho tiềm năng hợp tác Việt - Mỹ là các nỗ lực giải quyết khác biệt giữa hai bên, xây dựng niềm tin và sự tôn trọng, bao gồm tôn trọng thể chế chính trị. Ông Biden không phải tổng thống đầu tiên thăm Việt Nam, nhưng là tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm chính thức theo lời mời của một lãnh đạo Đảng Cộng sản - một động thái mà chuyên gia Palit cho rằng phản ánh việc Mỹ "cảm thấy thoải mái khi tham gia với Việt Nam về mặt chính trị".

Tình bạn giữa hai nước sẽ đóng vai trò lớn trong chiến lược "friend-shoring" của Mỹ, một chiến lược tập trung xây dựng, thúc đẩy quan hệ sản xuất và chuỗi cung ứng giữa Mỹ và các quốc gia Washington coi là "bằng hữu".

"Friend-shoring nhằm mở rộng quan hệ thương mại của chúng tôi và đa dạng hóa chuỗi cung ứng giữa nhiều đối tác tin cậy như Việt Nam nhằm giảm thiểu các cú sốc toàn cầu, rủi ro địa chính trị và tình trạng các ngành công nghiệp quan trọng bị tập trung quá nhiều vào một nơi", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói khi thăm Việt Nam hồi tháng 7.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-9, GS Julien Chaisse (ĐH Hong Kong) - chuyên gia về toàn cầu hóa và đầu tư nước ngoài - khẳng định chuyến thăm của Tổng thống Biden là chất xúc tác cho việc củng cố vị trí của Việt Nam trong chiến lược "friend-shoring", tạo ra một tình huống có lợi cho cả hai nước.

Theo ông Okun - người vừa được bầu tiếp tục làm chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong khi vẫn còn một số vấn đề cần xử lý, chuyến thăm của Tổng thống Biden mang tới một cơ hội cho đối thoại chính trị và kinh tế cấp cao cho hai nước.

"Các thảo luận này có thể giúp cả hai xác định lợi ích chung và các lĩnh vực hợp tác, nâng cao hơn nữa vai trò của Việt Nam trong nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng bền vững", ông nói với Tuổi Trẻ.

Đoàn du khách Mỹ từ bến tàu Bạch Đằng đi ca nô sông Sài Gòn đến địa đạo Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đoàn du khách Mỹ từ bến tàu Bạch Đằng đi ca nô sông Sài Gòn đến địa đạo Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Việt - Mỹ: những cửa ngõ hợp tác kinh tế

Chuyến thăm của ông Biden không chỉ giúp khám phá các tiềm năng hợp tác song phương Việt - Mỹ, các chuyên gia còn cho rằng việc thúc đẩy mối quan hệ này cũng giúp hai nước tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và các khuôn khổ hợp tác mới.

Ông Palit lấy ví dụ, Việt Nam hiện là một phần rất quan trọng trong nỗ lực xây dựng quy tắc thế hệ mới của Mỹ trong khu vực. Điều này sẽ tác động đến thương mại, đầu tư và kinh doanh. Những mối quan hệ này sẽ giúp Việt Nam xây dựng mối liên kết sâu sắc hơn với các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ở chiều ngược lại, tầm quan trọng của Việt Nam cũng sẽ giúp doanh nghiệp Mỹ có thêm cơ hội tiếp cận thị trường Đông Nam Á, theo ông Okun. "Việt Nam có một nền kinh tế phát triển nhanh, hội nhập với các nước láng giềng trong khu vực, là một trong số ít các thành viên Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Vì vậy, Việt Nam sẽ phát triển như một cửa ngõ quan trọng cho các công ty Mỹ tiếp cận thị trường Đông Nam Á và xa hơn nữa", ông Okun phân tích với Tuổi Trẻ.

Hàng Việt được bán tại một siêu thị ở thành phố Garden Grove, bang California, Mỹ  - Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

Hàng Việt được bán tại một siêu thị ở thành phố Garden Grove, bang California, Mỹ - Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

Trân trọng thành quả hợp tác

Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden là điểm nhấn mới đặc biệt của quá trình hòa giải kéo dài hàng thập niên giữa người Mỹ với người Việt. Đó là một câu chuyện trường kỳ nhất thời hiện đại, trải qua nhiều bước khác nhau để xây dựng hòa bình giữa người với người, giữa quốc gia với quốc gia.

Những bước đó bao gồm sự hợp tác giữa các cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ, sự tham gia ngày càng tăng của người Mỹ gốc Việt, và sự hợp tác tìm kiếm những người mất tích của các bên trong cuộc chiến.

Về ngoại giao, hai nước đã bình thường hóa quan hệ, thiết lập quy chế thương mại lâu dài và nhất trí về quan hệ Đối tác toàn diện. Cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này tập hợp tất cả những sự kiện đã qua, với kỳ vọng một chương mới sẽ bắt đầu trong quan hệ Việt - Mỹ.

Mối quan hệ song phương hiện nay đang ở mức gần gũi nhất trong lịch sử hai nước. Khi đại biện đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam Desaix Anderson đến Hà Nội năm 1995, ông đã rất ngạc nhiên trước sự đón tiếp nồng nhiệt với mình. Ông và các đại sứ Mỹ sau này đều khẳng định khả năng của quan hệ Mỹ - Việt là rất lớn và "không gì là không thể".

Mặc dù vậy, phải mất nhiều năm mới có thể biến tiềm năng này thành hiện thực. Điều này phản ánh nhiều khác biệt chính trị còn tồn tại giữa hai nước chúng ta.

Tuy nhiên, tôi tin rằng theo thời gian, những khác biệt này có thể được thấu hiểu và giải quyết thông qua đối thoại. Ví dụ, những hậu quả chiến tranh như chất độc da cam và bom mìn còn sót lại từng là trở ngại cho sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Việt Nam.

Giờ đây, viện trợ nhân đạo ngày càng tăng của Mỹ nhằm hỗ trợ Việt Nam giải quyết hậu quả của chiến tranh đối với con người và môi trường là nền tảng cho quan hệ song phương.

Trong tất cả các mối quan hệ ngoại giao trên thế giới, không có mối quan hệ nào có thể sánh được với quan hệ Việt - Mỹ khi nói về sự hợp tác giữa các cựu thù nhằm tái thiết và khắc phục hậu quả chiến tranh. Tất nhiên, những hậu quả này vẫn còn đó và sẽ mất nhiều thời gian hơn để giải quyết dù nhiều tiến bộ đáng kể đã đạt được.

Rõ ràng, hợp tác về kinh tế, thương mại hay giải quyết hậu quả chiến tranh, cùng với các lĩnh vực khác, đã phát triển ổn định trong suốt 10 năm sau khi thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Liệu các lĩnh vực hợp tác này có mở rộng?

Tôi kỳ vọng Mỹ sẽ duy trì và mở rộng các cam kết với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, trong đó có hợp tác về biến đổi khí hậu và phát triển công nghệ. Việt Nam có thể có thêm nhiều cơ hội từ hợp tác này bằng cách đơn giản hóa quy trình phê duyệt đối với các dự án Mỹ và quốc tế tài trợ. Cả hai nước có thể đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực cho công dân đi lại lẫn nhau...

Tiến sĩ Andrew Wells-Dang (chuyên gia cao cấp thuộc Viện Hòa bình Mỹ) - DUY LINH ghi

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam, Thương vụ Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ Dữ liệu: Minh Khôi, Ngọc Đức - Đồ họa: N.KH.

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam, Thương vụ Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ Dữ liệu: Minh Khôi, Ngọc Đức - Đồ họa: N.KH.

Nở rộ hợp tác Việt - Mỹ

Cùng với kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại hai chiều, Việt Nam cũng chào đón làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam của doanh nghiệp Mỹ, nhất là ở lĩnh vực công nghiệp và công nghệ. Những dấu hiệu này đã được thể hiện rõ rệt trong năm 2023.

Mỹ ưu tiên thị trường Việt Nam

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Tú Thành, phó giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, cho biết ngay từ trước chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, nhiều nhà đầu tư Mỹ đã quan tâm tới Việt Nam.

Điển hình là đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước đến nay với hơn 50 nhà đầu tư đã tới Việt Nam vào tháng 3 năm nay. Trong đó có những đơn vị chưa từng đến làm ăn ở Việt Nam, nhưng sau chuyến thăm, một số trong họ đã có kế hoạch kinh doanh. Cùng với đó, cũng đã có liên tiếp sáu quan chức cấp cao của Mỹ tới Việt Nam từ đầu năm đến nay liên quan tới các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, nông nghiệp, thương mại, tài chính…

"Có nhiều thông điệp được các quan chức chính quyền Mỹ đưa ra và nhấn mạnh nhiều lần, đó là vai trò quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Mỹ và việc thực hiện chiến lược dịch chuyển sản xuất ở các quốc gia để phục vụ thị trường Mỹ.

Mục tiêu là nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường duy nhất, giảm mức độ rủi ro để củng cố khả năng chống chịu trước cú sốc và rủi ro về địa chính trị, thiên tai dịch bệnh, dẫn tới đứt gãy nguồn cung, đảm bảo an ninh về nguồn cung" - ông Thành phân tích.

Theo ông Thành, doanh nghiệp Mỹ rất quan tâm đến thị trường Việt Nam từ cả góc độ giá trị thị trường, cũng như ưu tiên của Chính phủ Mỹ trong việc xác định Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng. Vì vậy ngay từ sau chuyến thăm của doanh nghiệp Mỹ hồi tháng 3, một số nhà đầu tư đã và đang tiến hành các thủ tục để bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam.

Trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ, ông Thành chia sẻ câu chuyện của nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau đang triển khai đầu tư tại Việt Nam. Như doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không đã đạt được bước tiến quan trọng trong đàm phán với đối tác Việt Nam về việc nâng cấp và mở rộng đội bay.

Hay như trong lĩnh vực năng lượng, có tập đoàn đã thỏa thuận sơ bộ với đối tác Việt Nam về việc nhập khẩu sản phẩm từ khí tự nhiên của Mỹ với trị giá gần 2 tỉ USD trong vòng 10 năm tới.

Một doanh nghiệp khác trong lĩnh vực kiểm định sản phẩm cũng đang triển khai mở rộng đầu tư khi nhận định việc xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và đi các nước sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng muốn mở trụ sở của khu vực tại Việt Nam, giúp khách hàng tiếp cận dịch vụ tốt hơn.

Nhân rộng hợp tác doanh nghiệp Việt - Mỹ

Mới đây, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions), thuộc Tập đoàn Viettel đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Google châu Á - Thái Bình Dương nhằm tăng tốc, thúc đẩy chuyển đổi số ngành giáo dục và lĩnh vực điện toán đám mây tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được hai bên đưa ra những giải pháp công nghệ hữu ích cho thị trường Việt Nam. Các mô hình trợ lý ảo phục vụ nhu cầu của từng nhóm khách hàng sẽ được đào tạo chính xác và thông minh, phù hợp với ngôn ngữ tiếng Việt. Viettel và Google dự kiến đồng tổ chức các hội thảo liên quan đến lĩnh vực AI nhằm thúc đẩy công nghệ này tại Việt Nam.

Trước đó Tập đoàn Vingroup và Intel cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ để hợp tác về lĩnh vực điện toán nâng cao, bao gồm các giải pháp thành phố thông minh và tòa nhà thông minh dựa trên công nghệ 5G, các quy trình sản xuất thông minh, các dịch vụ điện toán đám mây, AI, cũng như hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao (ADAS) dựa trên công nghệ Mobileye.

Hồi đầu năm nay, Tập đoàn FPT đã công bố thương vụ mua lại toàn bộ mảng dịch vụ công nghệ - một trong những mảng kinh doanh chiến lược của Intertec International - của Công ty Intertec của Mỹ.

Trước đó, năm 2018, FPT đã mua lại 90% cổ phần của Intellinet - công ty chuyên tư vấn lộ trình chuyển đổi số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ theo đánh giá năm 2017 của tạp chí Consulting Magazine (Mỹ).

Mỹ là một trong hai thị trường lớn nhất của FPT, mang lại mức lợi nhuận cao nhất trong các thị trường với mức độ tăng trưởng năm 2022 là 50%. Doanh số FPT Americas - chi nhánh Công ty FPT Software (thành viên của Tập đoàn FPT) tại Mỹ - đã tăng 5 lần và 10 lần về lợi nhuận từ năm 2017 đến 2022.

Việt Nam - điểm đến của các tập đoàn Mỹ

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang nổi lên là một quốc gia phát triển đầy tiềm năng và bền vững, dân số trẻ và năng động, chính trị ổn định, chính phủ tạo nhiều điều kiện thuận lợi thu hút các công ty lớn trên thế giới… Do đó, Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng được nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới lựa chọn, trong đó có các công ty của Mỹ.

Những dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt - MỹNhững dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ

Ngày 10-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến Việt Nam trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hãy cùng Tuổi Trẻ Online điểm lại những dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0