27/10/2018 13:47 GMT+7

160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - Kỳ cuối: Phục dựng thành Điện Hải

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Thành Điện Hải - thành lũy phòng thủ cuối cùng còn sót lại của buổi đầu kháng Pháp - nay đang được thành phố Đà Nẵng trả lại không gian xứng đáng.

160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - Kỳ cuối:  Phục dựng thành Điện Hải - Ảnh 1.

Du khách tham quan Bảo tàng Đà Nẵng nằm trong khuôn viên thành Điện Hải - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

"Hồi trước đường nối bờ sông với công trình lịch sử thành Điện Hải tên là Lê Văn Duyệt nhưng mới đây thành phố Đà Nẵng đã đổi tên thành đường Thành Điện Hải. 

"Sự thay tên này vô cùng ý nghĩa, nhằm mục đích tôn vinh một di tích quốc gia đặc biệt của một sự kiện đặc biệt" - ông Bùi Văn Tiếng, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, cho biết.

Thành Điện Hải là địa điểm biểu tượng cho một Đà Nẵng gan lì kìm chân quân viễn chinh Pháp.

Nhà nghiên cứu Hà Phước Mai

Chứng tích chống Pháp

Thành Điện Hải - thành lũy phòng thủ cuối cùng còn sót lại của buổi đầu kháng Pháp - nay đang được thành phố Đà Nẵng trả lại không gian xứng đáng. 

Những người nghiên cứu lịch sử như ông Tiếng như được mở cờ trong bụng khi thấy di sản gần 200 tuổi này được "sống lại".

Cuối tháng 3 vừa qua, cũng tại khuôn viên tòa thành này diễn ra buổi lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký. 

Trong buổi sáng đặc biệt đó, có một người vui vẻ ra mặt là ông Huỳnh Văn Hùng, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP Đà Nẵng. 

Ông là người quyết liệt "đòi đất", trả lại nguyên trạng không gian vốn có của thành Điện Hải.

Vốn là giám đốc Đài PT-TH Đà Nẵng, ngay những ngày đầu nhậm chức giám đốc sở, một trong những kế hoạch được đặt trên bàn làm việc của ông Hùng chính là hồ sơ liên quan đến di tích thành Điện Hải. 

"Được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt là thêm một cơ hội để thành Điện Hải được chăm sóc kỹ hơn. Với vai trò đặc biệt trong buổi đầu chống Pháp, những dữ liệu liên quan trong sử liệu và hiện trạng thành Điện Hải quá ư xứng đáng là di tích đặc biệt" - ông Hùng nói.

Sách sử chép rằng thành này trước gọi là đồn Điện Hải, được xây dựng gần mép nước tả ngạn sông Hàn năm 1812 dưới thời vua Gia Long. 

Năm 1823, đời vua Minh Mạng, đồn được chuyển đến xây kiên cố ở vị trí hiện nay và đến năm 1835 được đổi tên là thành Điện Hải. 

Người Pháp gọi đây là pháo đài phía Tây để phân biệt với pháo đài phía Đông (tức thành An Hải, nằm phía bên kia sông nhưng nay không còn dấu tích).

Chính trong buổi đầu chặn đánh liên quân xâm lược, thành Điện Hải giữ vai trò là cơ sở phòng thủ kiên cố nhất so với các đồn, đài... 

Nơi đây được trang bị tới 30 khẩu đại bác. Trong những trận đánh kéo dài suốt 18 tháng giữa ta với Pháp, thành Điện Hải trở thành điểm giằng co đẫm máu. 

Nhiều lần quân Pháp chiếm được nơi này, đặt đại bác tại đây để làm đà tấn công vào hệ thống đồn lũy của nhà Nguyễn trong thành phố. 

Chính nơi đây vẫn được ghi nhận là thành trì giúp danh tướng Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân đội đánh lui liên quân Pháp - Tây Ban Nha.

Theo nhà nghiên cứu Hà Phước Mai - nguyên giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, trong những lần đi tìm tài liệu ở Pháp ông đã tìm thấy nhiều tư liệu về tòa thành này trong Viện Viễn Đông Bác Cổ. 

Quý nhất là các bản đồ thành Điện Hải được vẽ sau thời điểm Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp.

"Thành Điện Hải là địa điểm biểu tượng cho một Đà Nẵng gan lì kìm chân quân viễn chinh Pháp, làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của họ. 

Để xóa đi phần di tích khó chịu này, người Pháp đã chuyển đổi công năng tòa thành như bản vẽ năm 1888 cho thấy bệnh viện quân đội Pháp được xây dựng tại đây" - ông Mai nói.

160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - Kỳ cuối:  Phục dựng thành Điện Hải - Ảnh 3.

Sửa sai với tiền nhân

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, dù hư hại nhưng thành Điện Hải vẫn may mắn giữ được một số thành phần xây dựng cho phép hình dung được quy mô, nhận diện kiến trúc. 

Năm 1988, dù thành được xếp hạng là di tích cấp quốc gia nhưng một thời gian dài vẫn không được bảo vệ, tu bổ mà còn bị xâm hại nặng nề.

So với trước đây, tòa thành cao hơn 5m được xây dựng theo kiểu Vauban này (có dạng hình vuông với bốn góc lồi ra) đã không còn được bề thế như ngày nào vì đã bị lấy mất không gian. 

Một phần không gian chu vi hơn 556m với hào sâu 3m nằm giữa hai lớp tường đã bị người dân lấn chiếm.

Để sửa sai, những năm qua Đà Nẵng đã làm cuộc đại tu để "trả lại tên cho em". Một kế hoạch trăm tỉ đã được triển khai song song hai nhiệm vụ: giải tỏa một số hộ dân và đầu tư tôn tạo phục hồi nguyên trạng hệ thống tường thành, kè hào, hạ tầng cấp thoát nước... 

Về lâu dài, địa phương này cũng chủ trương di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi khu vực thành Điện Hải để chuyển về trụ sở của tòa thị chính cũ (42 Bạch Đằng) nhằm trả lại diện tích 2,6ha cho di tích thành Điện Hải.

Theo TS Hoàng Đạo Cương, viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch), để phục hồi và phát huy giá trị thành Điện Hải cần phải lưu ý tham khảo các tòa thành kiểu Vauban được dựng cùng thời nay vẫn còn ở Bắc Ninh, Tây Sơn. 

Đặc biệt, vì các hạng mục nguyên gốc dường như đã mất hết nên khi phục hồi cần nghiên cứu, đối chiếu đầy đủ ghi chép trong chính sử.

Việc di dời các hộ dân xung quanh đến nay đã hoàn tất, hạng mục tôn tạo thành quách và chiến hào đã được khởi động. 

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, ngành văn hóa sẽ tính toán cẩn thận, nhất là khi tiến hành phục hồi, tôn tạo các công trình trong vùng lõi như nhà chỉ huy, kỳ đài, nơi bố trí súng đại bác và các công trình phụ trợ khác.

"Chúng tôi nhận thấy rằng sau khi giải tỏa đây là một vị trí rất đẹp nên đề nghị thành phố có kế hoạch thiết kế quy hoạch quảng trường ở khu vực này và lấy thành Điện Hải làm trung tâm. 

Giữ được di tích, nơi đây sẽ trở thành tâm điểm nghiên cứu, giáo dục truyền thống và đặc biệt là phục vụ khách đến tham quan" - ông Hùng kỳ vọng.

160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp - Kỳ cuối:  Phục dựng thành Điện Hải - Ảnh 4.

TP Đà Nẵng đang triển khai nhiều hạng mục khôi phục thành Điện Hải - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Theo “Đại Nam thực lục chính biên” của triều Nguyễn: “Tháng 2 năm Quý Mùi, Minh Mạng thứ 4 (1823), dời đài Điện Hải ở Quảng Nam, bắt 5.000 người dân làm việc hằng tháng, cấp tiền gạo. Sai Phó đô thống chế Tả dinh quân thần sách là Nguyễn Văn Tri và Tham tri bộ binh là Nguyễn Khoa Minh trông coi công việc”.

Sau khi bình định được nước ta, Pháp lấy thành Điện Hải để xây bệnh viện quân y chữa bệnh cho sĩ quan và binh lính ở khu vực Trung Kỳ.

Sau ngày thống nhất đất nước, trên tòa thành vẫn còn các công trình phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đến năm 2004, Bảo tàng Đà Nẵng mới chính thức được xây dựng ở đây.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên