04/03/2024 08:10 GMT+7

Việt Nam và 50 năm ASEAN - Úc

Sáng nay 4-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao lên đường dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Úc, thăm chính thức Úc và sau đó là New Zealand từ ngày 5 đến 11-3.

Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chính phủ Úc - Dữ liệu: Duy Linh - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chính phủ Úc - Dữ liệu: Duy Linh - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Úc diễn ra từ 4-3 không chỉ là dịp để nhìn lại nửa thế kỷ đã qua mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực mới như khí hậu, năng lượng sạch và công nghệ cao.

"Đối tác cho tương lai"

Nhìn lại lịch sử nửa thế kỷ qua, Úc luôn nằm trong số những nước đi tiên phong trong quan hệ với ASEAN. Úc trở thành một trong các đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN vào năm 1974, khi đó mới chỉ có 5 thành viên. Đến năm 2021, Canberra lần nữa trở thành một trong hai nước đầu tiên thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN. 

"Sự ổn định trong mối quan hệ giữa ASEAN và Úc suốt nửa thế kỷ qua là điểm nổi bật nhất", tiến sĩ Troy Lee-Brown đến từ Viện Quốc phòng và an ninh (Đại học Tây Úc) nhận định với Tuổi Trẻ.

Hội nghị cấp cao tại Melbourne không chỉ để ASEAN và Úc kỷ niệm chặng đường 50 năm, đó còn là nỗ lực của Canberra nhằm tăng thêm sự hấp dẫn trong mắt các nước Đông Nam Á, một khu vực kế cận Úc và thu hút ngày càng nhiều sự chú ý từ các cường quốc nhờ vị trí trung tâm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

"ASEAN là trung tâm trong chiến lược khu vực của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng hội nghị cấp cao lần này sẽ củng cố hơn nữa vai trò của ASEAN trong việc duy trì sự ổn định, hòa bình và đối thoại ở khu vực cũng như trên thế giới", Đại sứ Úc tại Việt Nam Andrew Goledzinowski khẳng định trong cuộc phỏng vấn với báo chí ở Hà Nội hôm 1-3.

ASEAN hiện nay là đối tác kinh tế lớn thứ hai của Úc, xếp trên cả Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Vào tháng 9-2023, Úc đã công bố chiến lược phát triển kinh tế với khu vực Đông Nam Á đến năm 2040 với 75 kiến nghị làm sao để tăng cường thương mại hai chiều và đầu tư giữa hai bên.

Với chủ đề "Đối tác cho tương lai", Úc xác định hội nghị năm nay sẽ có bốn lĩnh vực trọng tâm chính là khí hậu, năng lượng, hợp tác hàng hải và các mối quan hệ kinh tế.

Việt - Úc lên tầm cao mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong ba nhà lãnh đạo được mời - bên cạnh lãnh đạo Lào, Malaysia - cho một chuyến thăm chính thức Úc trong tuần lễ diễn ra hội nghị ASEAN - Úc. Đó là điều mà theo Đại sứ Úc tại Việt Nam Andrew Goledzinowski, cho thấy sự đánh giá cao của Úc đối với vai trò của Việt Nam tại khu vực và những kỳ vọng về kết quả chuyến thăm lần này với quan hệ hai nước.

Trả lời báo chí hôm 1-3, ông Goledzinowski tiết lộ có năm lĩnh vực đặc biệt sẽ là trọng tâm trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đó là tăng cường hợp tác, hiểu biết về chính trị và chiến lược, bởi cả hai nước chia sẻ nhiều giá trị giống nhau như độc lập - tự cường, thượng tôn luật pháp quốc tế và hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực.

Thứ hai là hợp tác kinh tế và thương mại, Thủ tướng Úc Anthony Albanese dự kiến sẽ công bố một chính sách kinh tế đối với Việt Nam trong dịp này để tăng cường đầu tư của Úc vào Việt Nam. Lĩnh vực thứ ba là giáo dục, nơi Úc đã là đối tác quan trọng của Việt Nam và mong muốn có thể làm được nhiều hơn thế. 

"Chúng tôi biết Thủ tướng Phạm Minh Chính rất quan tâm đến giáo dục. Ông ấy sẽ tham dự một hội nghị bàn tròn về giáo dục ở Canberra, nơi tất cả các trường đại học Úc sẽ có mặt để gặp ông ấy", ông Goledzinowski tiết lộ thêm.

Lĩnh vực thứ tư là chuyển đổi năng lượng và biến đổi khí hậu, nơi hai nhà lãnh đạo sẽ có nhiều cuộc thảo luận hơn sau khi Úc công bố khoản hỗ trợ 105 triệu AUD cho chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam trong chuyến thăm vào tháng 6-2023 của Thủ tướng Albanese. Và cuối cùng là trao đổi kiến thức, thúc đẩy sáng tạo đổi mới và khoa học. 

"Tôi biết một trong những quan tâm lớn của Thủ tướng Phạm Minh Chính là chuyển đổi số. Vì vậy tôi hy vọng rằng một số ý tưởng mới sẽ xuất hiện sau chuyến thăm quan trọng đó và được công bố trong tuần này", Đại sứ Goledzinowski bày tỏ.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết trong chuyến thăm chính thức Úc, lãnh đạo hai bên sẽ định hướng hợp tác thời gian tới, nhấn mạnh các mục tiêu hợp tác thương mại, thúc đẩy đầu tư từ Úc vào Việt Nam và từ Việt Nam sang Úc.

Điểm nhấn của chuyến thăm lần này sẽ là mở rộng hợp tác giáo dục - đào tạo, trong đó có đào tạo nghề và mở rộng hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là về kinh tế số, kinh tế xanh và quá trình chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam. "Cùng với đó Việt Nam và Úc sẽ hướng tới việc đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới", ông Việt chia sẻ.

Hợp tác an ninh hàng hải

Về lĩnh vực hợp tác hàng hải giữa ASEAN và Úc, tiến sĩ Troy Lee-Brown đánh giá khi các quốc gia trong khu vực ngày càng hướng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bản chất dựa vào biển của Đông Nam Á đã trở nên nổi bật hơn với sự tập trung lớn hơn vào an ninh hàng hải.

"Đó là lý do trong chương trình nghị sự lần này của hội nghị bao gồm hợp tác hàng hải và Úc sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng năng lực an ninh hàng hải cho ASEAN trong tương lai" - ông Troy Lee-Brown nói.

Úc và ASEAN thỏa thuận thiết lập "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện"Úc và ASEAN thỏa thuận thiết lập 'quan hệ đối tác chiến lược toàn diện'

TTO - Ngày 27-10, Úc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đồng ý thiết lập 'quan hệ đối tác chiến lược toàn diện' - bằng chứng cho thấy tham vọng của Canberra trong việc đóng vai trò lớn hơn tại khu vực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên