02/12/2023 14:27 GMT+7

Vì sao Công đoàn đề xuất thêm 2 ngày nghỉ dịp Quốc khánh?

Công đoàn Việt Nam kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, bổ sung tăng 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh 2-9 hằng năm.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo đại hội sáng 2-12 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo đại hội sáng 2-12 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Đó là thông tin đáng chú ý trong Báo cáo tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn đối với Đảng, Nhà nước gửi đến Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028, diễn ra từ ngày 1 đến 3-12 tại Hà Nội. 

Tăng ngày nghỉ lễ Quốc khánh là nguyện vọng của số đông công nhân

Báo cáo nhằm truyền tải tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, hiến kế kiến nghị với Đảng, Nhà nước và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam để chăm lo tốt hơn cho người lao động.

Cụ thể, Công đoàn kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu tăng ngày nghỉ lễ, Tết hằng năm vào thời điểm thích hợp. Bởi số ngày nghỉ như thế tại Việt Nam đang thấp hơn bình quân chung của các nước Đông Nam Á và thế giới từ 5-6 ngày.

Công đoàn cho rằng việc bổ sung 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh, tức nghỉ từ mùng 2 đến 5-9, tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường trong ngày khai giảng. “Đây là nguyện vọng rất thiết tha của số đông công nhân có con đang tuổi đến trường”, Công đoàn nêu. 

Theo Bộ luật Lao động 2019, nước ta có 11 ngày nghỉ lễ chính thức gồm Tết dương lịch (1 ngày), Tết Nguyên đán (5 ngày), giỗ Tổ Hùng Vương (1 ngày), Chiến thắng 30-4 và Quốc tế Lao động (2 ngày) và Quốc khánh 2-9 (2 ngày).

Cũng trong kiến nghị của công nhân, nhiều ý kiến muốn cấp có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động. 

Việc này hướng tới đảm bảo sự công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động khu vực cơ quan hành chính nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần). Bên cạnh đó, người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc con cái, đảm bảo hạnh phúc gia đình.

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Sau 5 năm, tiền lương tăng 25,34%

Phiên sáng cùng ngày, ông Nguyễn Đình Khang - chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - nêu rõ nhiệm kỳ 2018 - 2023, Công đoàn đã đẩy mạnh hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể, tập trung vào kiến nghị tăng lương, cải thiện điều kiện và thời giờ làm việc, nghỉ ngơi…

Chẳng hạn, so với đầu nhiệm kỳ, tổ chức này đã kiến nghị tiền lương tối thiểu vùng tăng 25,34%. Đó là một trong những nguyên nhân khiến số cuộc ngừng việc tập thể giảm 55,3%.

Bên cạnh thành quả, ông Khang thẳng thắn nhận định còn nhiều tồn tại như người sử dụng lao động vi phạm pháp luật, nhất là nợ lương, bảo hiểm xã hội, chấm dứt hợp đồng trái phép. Một số bức xúc của người lao động về nhà ở, nơi khám chữa bệnh, trường học, nâng cao trình độ tay nghề chậm được giải quyết.

Theo ông Nguyễn Đình Khang, nhiệm kỳ 2023 - 2028 xác định 3 khâu đột phá.

Một là đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động.

Hai là phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Ba là xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Đại hội XIII Công đoàn: Đột phá tiền lương xếp đầu tiênĐại hội XIII Công đoàn: Đột phá tiền lương xếp đầu tiên

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028, xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó đối thoại, thương lượng tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc được xếp đầu tiên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên