03/12/2023 14:40 GMT+7

Công đoàn sẽ nghiên cứu lại đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2024

Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nói tổ chức này sẽ nghiên cứu lại đề xuất tăng lương tối thiểu vùng vì phụ thuộc vào tình hình kinh tế - xã hội, sức khỏe doanh nghiệp.

Lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trả lời họp báo sau Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam - Ảnh: HÀ QUÂN

Lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trả lời họp báo sau Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam - Ảnh: HÀ QUÂN

Ngày 3-12, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức họp báo thông tin kết quả Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Vì sao chưa chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng?

Theo ông Nguyễn Đình Khang - chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ngay sau đại hội, công đoàn tập trung xây dựng, ban hành nghị quyết quan trọng về hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể; phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp ngoài nhà nước...

Năm 2024, tổ chức công đoàn tập trung chăm lo đoàn viên trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn do thiếu đơn hàng. Tết Giáp Thìn 2024 này, bên cạnh tặng quà, công đoàn sẽ tổ chức các chuyến xe, chuyến tàu, máy bay không đồng.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về việc tăng lương tối thiểu vùng, ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - nêu rõ cách đây 4 tháng, công đoàn đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng khoảng 5%.

Sắp tới khi Hội đồng Tiền lương quốc gia họp, cơ quan này mới thống nhất, bàn bạc cụ thể.

"Chúng tôi sẽ khảo sát, đánh giá kỹ hơn bức tranh về kinh tế, đặc biệt sức khỏe của doanh nghiệp để có đề xuất phù hợp", ông Hiểu nói.

Nhiệm kỳ qua công đoàn đã đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng là 25,3%. Từ kết quả trên, trong 5 năm tới, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tập trung nâng cao kiến thức kỹ năng đàm phán cho cán bộ công đoàn cơ sở, giám sát việc thực hiện thay đổi tiền lương, nghiên cứu sửa đổi lương tối thiểu vùng ở các địa phương đã phát triển...

Ước mơ đưa con tới trường ngày khai giảng

Giải thích rõ hơn về kiến nghị tăng ngày nghỉ lễ, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết khi lấy ý kiến về Bộ luật Lao động 2019, nhiều nước Đông Nam Á có tới 15-16 ngày nghỉ lễ trong khi Việt Nam là 11 ngày.

Trước mắt công đoàn đề xuất tăng 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh vì công nhân làm dây chuyền, ca kíp mơ ước đưa con tới trường ngày khai giảng.

Nói thêm về đề xuất 2 ngày nghỉ, ông Hiểu cho rằng lễ Quốc khánh đang nghỉ 2 ngày, công đoàn muốn tăng ngày để công nhân làm việc dây chuyền, ca kíp có điều kiện đưa con tới trường ngày khai giảng.

"Đó là ước mơ của nhiều công nhân", ông Hiểu nói.

Theo ông, ví dụ tại Trung Quốc, nước này có thời điểm nghỉ dịp Quốc khánh tới một tuần. Do đó, cấp có thẩm quyền có thể xem xét, tham khảo bài học kinh nghiệm. "Thu nhập ngày càng cao, chúng ta đặt ra vấn đề tăng ngày nghỉ là cần thiết", ông Hiểu nêu rõ.

Gần nhất Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1-7-2022. Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4,42 triệu đồng/tháng lên 4,68 triệu đồng/tháng. Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng/tháng lên 4,16 triệu đồng/tháng. Vùng III tăng 210.000 đồng, từ 3,43 triệu đồng/tháng lên 3,64 triệu đồng/tháng. Vùng IV tăng 180.000 đồng, từ 3,07 triệu đồng/tháng lên 3,25 triệu đồng/tháng.

Đề xuất đổi mới lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sốngĐề xuất đổi mới lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống

Đổi mới lương tối thiểu vùng là mong mỏi của công nhân, người lao động gửi gắm tới Đảng, Nhà nước thông qua Công đoàn, theo ông Ngọ Duy Hiểu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên