Văn hóa pop đã mất bảy viên ngọc rồng

TRÚC ANH 21/03/2024 08:06 GMT+7

TTCT - Akira Toriyama, họa sĩ truyện tranh Nhật huyền thoại, cha đẻ của Dragon Ball (Bảy viên ngọc rồng), vừa qua đời ở tuổi 68.

Văn hóa pop đã mất bảy viên ngọc rồng- Ảnh 1.

Di sản của ông - vốn làm hàng triệu người khắp thế giới mê mẩn và thay đổi sâu sắc ngành manga-anime - sẽ còn mãi, và ở khắp nơi - từ phim Hollywood, nhạc rap đến thể thao chuyên nghiệp.

Toriyama-sensei (cách gọi bậc thầy trong tiếng Nhật) tạ thế ngày 1-3, nhưng hơn một tuần sau thế giới mới được hay tin. Ông bắt đầu series Dragon Ball từ năm 1984, với cốt truyện lấy cảm hứng từ Tây Du Ký, nhưng hài hước và thiên về võ thuật hơn. 

Loạt truyện kéo dài đến 11 năm, trở thành series thuộc loại ăn khách nhất của tạp chí truyện tranh Weekly Shonen Jump với kỷ lục có số bán được 6 triệu bản. Theo cuốn A History of Modern Manga (2023), tạp chí này mất 1 triệu độc giả vào năm ngay sau khi Dragon Ball kết thúc và chưa bao giờ quay lại mức kỷ lục. Bản hoạt hình Dragon Ball Z cũng thành hiện tượng toàn cầu, và nhiều tác phẩm trong franchise Dragon Ball vẫn đang được sản xuất.

Với thành công đó, những nhân vật với cá tính và tạo hình độc đáo của ông chinh phục nhiều thế hệ độc giả suốt 40 năm qua: từ những cái tên (Son Goku, Vegeta), những tộc người (Saiya, Namek) tới những tuyệt đỉnh võ công như cú chưởng kamejoko, dịch chuyển tức thời, lưỡng long nhất thể. Đây là những từ trong bản dịch "xa xưa" (gần 30 năm) ở Việt Nam, cố tình nhắc lại ở đây để độc giả có chút bồi hồi.

Trong Dragon Ball, nếu gom đủ bảy viên ngọc rồng, có thể gọi rồng thần hiện lên và xin một điều ước bất kỳ. Sau khi đáp ứng nguyện vọng, rồng thần sẽ biến mất, bảy viên ngọc tách rời, bay đi tứ phương tám hướng, chờ người nào đủ khả năng gom đủ và gọi rồng một lần nữa. Di sản của Toriyama cũng đã vươn đi khắp tinh cầu này như thế.

"Hầu như không có nơi nào trong văn hóa đại chúng mà nghệ thuật của Akira Toriyama chưa chạm đến" - Washington Post khẳng định chắc nịch, và đưa ra một loạt dẫn chứng. 

Shang-Chi trong Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings (2021) có lúc vận công và tung chưởng y hệt chiêu thức kamehameha (tức kamejoko); nhiều rapper nhắc đến truyện khi viết lời (Ab-Soul, Big Sean và Casey Veggies đều có bài hát nhắc tới "siêu Saiya"); trong thể thao, các cầu thủ ăn mừng bằng những tuyệt kỹ trong truyện, chẳng hạn tiền vệ Harvey Elliott của Liverpool tung kamehameha sau khi ghi bàn vào lưới Crystal Palace hồi tháng 12-2023.

Còn trong ngành manga-anime thì khỏi nói. Eiichiro Oda và Masashi Kishimoto trở thành họa sĩ truyện tranh vì họ muốn giống Toriyama và muốn tạo ra thứ gì đó giống như Dragon Ball. Hai cái tên này là đủ nói về tầm vóc di sản Toriyama - Oda là tác giả One Piece, còn Kishimoto là cha đẻ Naruto.

Tranh của nghệ sĩ Ý Luciano Dam cho thấy Dragon Ball đã ảnh hưởng đến các manga đình đám khác của Nhật thế nào.

Tranh của nghệ sĩ Ý Luciano Dam cho thấy Dragon Ball đã ảnh hưởng đến các manga đình đám khác của Nhật thế nào.

Trong tin buồn chính thức, Bird Studio (do Toriyama lập năm 1983) bày tỏ tiếc nuối khi Toriyama vẫn "còn một số tác phẩm đang trong quá trình sáng tạo với sự nhiệt tình cao độ", và tri ân người hâm mộ: "Nhờ sự ủng hộ của rất nhiều người trên khắp thế giới, ông đã có thể tiếp tục hoạt động sáng tạo của mình trong hơn 45 năm qua".

Theo trang Screen Rant, Dragon Ball Z là một trong những anime đầu tiên được phát sóng rộng rãi bên ngoài Nhật Bản và thế giới phương Tây, trên tổng số 81 quốc gia. Từ châu Phi sang châu Á, từ Iceland tới Úc, dù có là fan truyện tranh hay không, một người từ 10-50 tuổi đều nghe thấy Dragon Ball ít nhất một lần trong đời. 

Trong bài viết dí dỏm trên Los Angeles Times năm ngoái, tác giả JP Brammer cho rằng Son Goku còn là "người hùng" với dân Latin. Nguyên nhân rất giản dị: các nước Mỹ Latin thường chiếu chương trình truyền hình của Nhật vì giá rẻ hơn, và khi khán giả làm quen Goku, họ yêu nhân vật anh hùng, thiện lương này ngay lập tức. 

Với người da đen cũng thế, họ thấy mình trong những nhân vật của Dragon Ball - "những người thấp cổ bé họng nhưng không ngừng vươn lên", tác giả Gita Jackson viết trong bài "Vì sao người da đen mê Dragon Ball Z" cho trang Kotaku.

Giới thể thao lấy Dragon Ball làm nguồn cảm hứng vì Toriyama đã đưa vào đó những câu chuyện về lòng quyết tâm và sự gan góc, về khổ luyện và thành công. Khi phá kỷ lục quốc gia ở đường chạy 200m hồi tháng 4-2022, chân chạy nước rút 23 tuổi Amlan Borgohain (Ấn Độ) nói cảm hứng của anh chính là Goku, chứ không phải huấn luyện viên hay đồng đội. Bài học anh rút ra là "không bao giờ có giới hạn trong việc cải thiện bản thân", theo The Indian Express.

Văn hóa pop đã mất bảy viên ngọc rồng- Ảnh 3.

Tinh thần đó, trong mắt các nghệ sĩ hip hop, như rapper Sese/Sayzee, là nguồn cảm hứng hoàn hảo cho âm nhạc. "Mọi nhân vật trong phim đều cố gắng nâng cao sức mạnh và trở thành chiến binh mạnh nhất, và đó cũng là cách tôi nhìn cuộc chơi rap - các rapper muốn trở thành người giỏi nhất, và chỉ cần có thế, nguồn sáng tạo bắt đầu tuôn chảy" - anh nói với Vice. Năm 2015, Sese ra mixtape The Frieza Saga, tên một phần dài (33 tập) của Dragon Ball Z.

Chẳng thế mà báo chí ngoài châu Á đều đưa tin về cái chết của Akira Toriyama, nhắc nhở độc giả về di sản đã định hình nền văn hóa đại chúng của thế giới đương đại. Tất cả chỉ bắt đầu bằng một bộ truyện mà chính cha đẻ của nó cũng không ngờ có ngày lừng danh khắp chốn. 

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Asahi Shimbun năm 2013, Toriyama bày tỏ ngạc nhiên trước sự nổi tiếng của bộ truyện và thú nhận "hoàn toàn không hiểu" làm thế nào mà nó có ảnh hưởng với nhiều người đến vậy.

Người hâm mộ ông thì hiểu. Ngoài các nhân vật và cốt truyện làm say đắm khán giả trên toàn thế giới, Dragon Ball còn được yêu thích vì mang chủ đề vượt thời gian: tình bạn, tính kiên trì, tinh thần nhân văn. 

Nhưng chính Akira Toriyama nói rằng khi vẽ cuộc phiêu lưu của Son Goku - một người Saiya lớn lên ở Trái đất, cùng những người bạn địa cầu - ông không hề nghĩ tới chuyện cài cắm thông điệp gì lớn lao. "Tôi chỉ muốn làm các cậu trai vui" - Toriyama nói trong cùng cuộc phỏng vấn; "các cậu trai" ý chỉ độc giả của shounen manga (truyện tranh dành cho thanh thiếu niên nam).

Nếu độc giả ngày nay xem Dragon Ball là nhạt và nông thì Akira Toriyama cũng không lấy làm phiền. Toriyama khẳng định mục tiêu duy nhất của ông khi vẽ truyện là giải trí, thay vì đau đáu với chuyện gây ấn tượng và truyền tải thông điệp như nhiều mangaka (họa sĩ manga) khác.

Ông không nói thế cho sang, mà thực lòng nghĩ vậy. Năm 2020, khi trò chuyện với Hiroshi Matsuyama, CEO công ty sản xuất game "Dragon Ball Z: Kakarot", Torishima nói chẳng có gì để học từ Dragon Ball cả, nó "không phải là bài học cuộc sống", mà chỉ là "một bộ truyện tranh hài hước". 

Tất nhiên những người đã lấy Goku làm cảm hứng sẽ không đồng ý. Và việc Dragon Ball vẫn còn phổ biến tới tận ngày nay - trẻ con vẫn tung kamehameha với bạn bè, ai tóc dựng đứng hay nhuộm vàng đều bị chọc là "như siêu Saiya" - cũng cho thấy Toriyama-sensei đã quá khiêm nhường.

Có lẽ nhờ ngay từ đầu chỉ hướng tới sự đơn giản chứ không phải thứ gì lớn lao, Toriyama đã khơi dậy những cảm xúc thuần khiết và chân thật nhất trong mỗi người xem hoặc đọc tác phẩm của ông. 

Bìa tập cuối bản manga của Dragon Ball là hình ảnh Son Goku tươi cười, giơ tay "chào tạm biệt và cám ơn". Đâu đó trên kia, Toriyama có lẽ cũng đã nở nụ cười như vậy, khi vẫy tay chào hai thế hệ độc giả. Và những người ở lại, theo đúng tinh thần và cảm hứng mà ông để lại, cũng mỉm cười tạm biệt ông.

Văn hóa pop đã mất bảy viên ngọc rồng- Ảnh 4.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận