Bệnh nhân ung thư U50: Chuyện gì đang xảy ra?

PHẠM HẰNG 02/05/2024 06:42 GMT+7

TTCT - Ung thư vẫn thường được xem như bệnh của người già. Giờ thì có vẻ đã khác.

Ảnh: UNC Healthcare

Ảnh: UNC Healthcare

Từ khóa "ung thư" và số lượt truy cập trang Dịch vụ Y tế Anh đã tăng vọt 373% trong vòng 24h, sau thông tin Vương phi Xứ Wales Kate Middleton công bố mắc bệnh ung thư vùng bụng hồi tháng 3.

Điều khiến nhiều người hoang mang là nguyên nhân gây ung thư do đâu khi công nương còn trẻ tuổi (42 tuổi), có lối sống lành mạnh và được chăm sóc sức khỏe bởi đội ngũ chuyên gia hàng đầu thế giới.

Số liệu "nhức nhối"

Độ tuổi trung bình để chẩn đoán ung thư là 66 tuổi, ung thư khởi phát sớm là ở độ tuổi dưới 50, thường chỉ chiếm một phần nhỏ nhưng nhờ chương trình sàng lọc sớm đã phát hiện tỉ lệ mắc bệnh gia tăng nhanh chóng. Đây là một thực trạng đáng báo động và được ví như "đại dịch".

Theo nghiên cứu công bố năm 2023 trên JAMA Network Open, vào năm 2019 ở Mỹ có 103/100.000 ca ung thư dưới 50 tuổi (năm 2010 là 100/100.000 ca). Đây có vẻ là một mức tăng nhỏ nhưng là một dấu hiệu bất thường, bởi trong thời gian này, tỉ lệ mắc bệnh ở người lớn tuổi đã giảm.

Theo phân tích của trang Business Insider, tỉ lệ mắc ung thư ở người dưới 40 tuổi tại Mỹ đã tăng 35,4% từ năm 1975-2019. Còn tại Anh, mức tăng khoảng 22% kể từ đầu năm 1990. Ước tính đến năm 2030, ung thư khởi phát sớm có thể tăng 30% và số ca tử vong tăng 20% trên toàn thế giới.

Ung thư khởi phát sớm thường ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Điển hình, theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) năm 2024, ung thư đại trực tràng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở nam giới và thứ hai ở nữ giới dưới 50 tuổi.

Tỉ lệ mắc bệnh gia tăng cũng có sự khác biệt theo giới. Theo một bài viết trên Nature, tại Mỹ, ở nữ giới ung thư tử cung đã tăng 2% mỗi năm kể từ năm 1990 và ung thư vú tăng 3,8% mỗi năm từ năm 2016 đến năm 2019. Ở nam giới, tỉ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt, ung thư gan và ung thư phổi cũng có sự gia tăng mạnh mẽ.

Ngoài ra, khi xét về chủng tộc thì tỉ lệ ung thư khởi phát sớm cũng có sự thay đổi. Ví dụ tại Mỹ, tỉ lệ ung thư đại trực tràng ở người trẻ tuổi đang tăng nhanh hơn ở người Mỹ da đỏ và thổ dân Alaska so với người da trắng, và những người da đen có nhiều khả năng mắc bệnh ở độ tuổi trẻ hơn và ở giai đoạn tiến triển nặng hơn người da trắng.

Gánh nặng bệnh tật

Dưới 50 là độ tuổi lao động, đang trong giai đoạn làm việc bận rộn, tập trung cho sự nghiệp hoặc đang trong thời kỳ sinh sản, đang dành thời gian khám phá thế giới và tận hưởng cuộc sống. Tuy nhiên, sự xuất hiện của ung thư làm đảo lộn cuộc sống cũng như "phủ bóng đen" lên tương lai của họ.

Ung thư xuất hiện ban đầu với các triệu chứng mơ hồ, mờ nhạt, có thể là gầy sút cân, mệt mỏi, buồn nôn hay thường cảm giác ớn lạnh. Các biểu hiện này dễ bị bỏ qua hoặc nghi ngờ bệnh khác.

"Khi những người trẻ tuổi xuất hiện với các triệu chứng đáng lo ngại, đôi khi ung thư không phải là điều đầu tiên mà bác sĩ nghĩ đến vì những căn bệnh khác phổ biến hơn nhiều" - Christina Annunziata, phó chủ tịch cấp cao tại Hiệp hội Ung thư Mỹ, nói với Business Insider.

Mặt khác, người trẻ ít có thời gian để thăm khám và sàng lọc bệnh tật định kỳ. Do vậy, ngày càng nhiều người được chẩn đoán mắc bệnh ở giai đoạn cuối: 60% trường hợp được phát hiện đã lây lan sang các vùng khác trên cơ thể vào năm 2019, so với mức 52% ở năm 2000.

Đặc biệt, Shuji Ogino, nhà nghiên cứu ung thư tại Trường Y Harvard, nói với Business Insider, các bác sĩ "đang thấy nhiều khối u ở giai đoạn cao hơn và khối u ác tính hơn ở những người trẻ tuổi, cao hơn nhiều so với những bệnh nhân lớn tuổi".

Bệnh nhân ung thư U50: Chuyện gì đang xảy ra?- Ảnh 2.

Quá trình điều trị ung thư ảnh hưởng mọi mặt của cuộc sống. Điển hình là kế hoạch sinh con. Những người trẻ đang trong giai đoạn sinh sản và có thể mang thai vào thời điểm phát hiện bệnh. 

Họ phải đối mặt với những lo ngại ảnh hưởng của bệnh và phương pháp điều trị đối với khả năng mang thai hoặc sự phát triển của thai. Ví dụ hóa trị có thể gây mãn kinh sớm, làm giảm cơ hội mang thai ở những phụ nữ trẻ và họ phải xem xét đến phương pháp tốn kém hơn như đông lạnh trứng hoặc phôi hoặc lưu trữ tinh trùng với nam giới.

Ngoài ra, sức khỏe tình dục cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các phương pháp điều trị bệnh, bao gồm những thay đổi về ngoại hình, nội tiết và sinh lý cơ thể. Ví dụ, một người phụ nữ có thể bị giảm cảm giác cơ thể khi đã phẫu thuật cắt bỏ vú hay nam giới sau điều trị ung thư tuyến tiền liệt phải đối mặt với tình trạng rối loạn cương dương. Hóa trị gây rụng tóc khiến họ tự ti và mặc cảm.

Những điều này khiến người trẻ cảm giác mất mát, mặc cảm thậm chí đau khổ, sợ hãi và khó khăn khi muốn phát triển hoặc duy trì mối quan hệ thân mật. Một số khác lại đối mặt với cảm giác bất lực và hoài nghi khi không biết tại sao bản thân mắc bệnh mặc dù có lối sống lành mạnh và luôn sống trong tâm trạng lo lắng khả năng ung thư tái phát sau đợt điều trị.

Một gáng nặng thực tế khác là tài chính. Quá trình điều trị kéo dài, tốn kém khiến tài chính gia đình cạn kiệt và có nguy cơ "hóa nghèo".

Nguyên nhân phức tạp

Ung thư là căn bệnh phức tạp khi chịu ảnh hưởng của sự kết hợp giữa yếu tố di truyền, lối sống và phơi nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nhiều trường hợp mắc bệnh mà không rõ nguyên nhân.

Đầu tiên là yếu tố di truyền. Khi ung thư được phát hiện ở độ tuổi trẻ hơn bình thường, đặc biệt là ở những người có lối sống lành mạnh như các vận động viên, các bác sĩ thường nghi ngờ do đột biến gene và có yếu tố di truyền gene bệnh.

Bằng chứng là với ung thư đại trực tràng, một số nghiên cứu phân tử cho thấy các khối u có những đột biến gene khác nhau. ACS cho biết gần một 1/3 số người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại trực tràng trước tuổi 50 có tiền sử gia đình mắc bệnh hoặc có khuynh hướng di truyền.

Ví dụ, nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng sẽ tăng từ 20 - 80% với một người mắc hội chứng Lynch, một tình trạng di truyền. Hay theo Johns Hopkins Medicine, việc có đột biến gene BRAC1 hoặc BRAC2 di truyền trong các gia đình sẽ làm tăng khả năng phát triển ung thư vú từ 45 - 85%.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu hoặc sử dụng nhiều loại thuốc (kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid hay thuốc làm giảm acid dạ dày), gây mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột cũng làm tăng nguy cơ ung thư khởi phát sớm.

Ảnh: VerywellHealth

Ảnh: VerywellHealth

Một bài báo trên trang Viện y tế quốc gia Mỹ hồi tháng 1-2023 cho biết có sự khác biệt về thành phần của hệ vi sinh vật ở người khỏe mạnh và bệnh nhân ung thư.

Hệ vi sinh vật đường ruột và các chất chuyển hóa của chúng có thể đóng vai trò là chất thúc đẩy hoặc ức chế ung thư. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng ung thư đường tiêu hóa có thể do rối loạn điều hòa biểu hiện RNA không mã hóa (ncRNA) thông qua hệ vi sinh vật đường ruột.

Ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, ít chất xơ làm các vi khuẩn có hại phát triển mạnh: vi khuẩn E.coli và F.nucleatum làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng; vi khuẩn Helicobacter Pylori gây viêm teo dạ dày, viêm mãn tính và tiến triển ung thư dạ dày.

Ngoài ra, hút thuốc lá cùng vệ sinh răng miệng kém làm gia tăng bệnh nướu răng và thúc đẩy vi khuẩn F.nucleatum phát triển - loại vi khuẩn bám dính trên bề mặt răng, xâm nhập vào các khối u ở giai đoạn đầu, tạo điều kiện cho ung thư phát triển, lan rộng và liên quan đến ung thư vú, đại trực tràng, đầu và cổ. Uống quá nhiều rượu cũng liên quan đến ung thư biểu mô tế bào mầm tinh hoàn.

Việc tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong môi trường cũng có thể là nguyên nhân. Ví dụ các thành phố và thị trấn dọc theo sông Mississippi, ở các bang Đông Nam và ở Appalachia (Mỹ) có tỉ lệ mắc ung thư gia tăng, điều này có thể được giải thích là do phơi nhiễm với các nguyên tố vi lượng như asernic, crom và nikel, thường được sử dụng trong sản xuất than, nhà máy hóa chất và các ngành công nghiệp khác ở những khu vực đó.

Sàng lọc sớm là biện pháp chủ động và hiệu quả để phát hiện sớm bệnh, đặc biệt là những người có tiền sử gia đình mắc bệnh. Phát hiện bệnh càng sớm thì càng dễ điều trị.

Theo ACS, sàng lọc ung thư vú nên bắt đầu ở độ tuổi 40 nếu không có tiền sử gia đình và sớm hơn nếu có tiền sử. Ung thư cổ tử cung nên được sàng lọc ở độ tuổi thanh thiếu niên hoặc 20 tuổi; sàng lọc ung thư đại trực tràng ở tuổi 45.

Nếu gia đình có người mắc bệnh, bạn nên sàng lọc sớm hơn 10 - 15 năm. Ngoài ra, bạn cần tự theo dõi bản thân. Nếu các biểu hiện khó chịu trong thời gian dài và không có dấu hiệu thuyên giảm sau dùng thuốc, bạn cần gặp bác sĩ và làm các xét nghiệm loại trừ.

Khám bệnh định kỳ, chủ động sàng lọc sớm và thực hiện lối sống lành mạnh: ăn uống cân bằng, tập thể dục đều đặn, không hút thuốc lá, không uống rượu là các biện pháp đơn giản và hiệu quả mà mỗi người có thể làm ngay ở hiện tại để tránh "bản án tử" trong tương lai.

Thực tế, chưa có một nghiên cứu nào chứng minh được nguyên nhân gây ung thư mà theo dõi được từ giai đoạn trước sinh đến tuổi trưởng thành. Bởi ung thư sẽ phát sinh sau nhiều năm tiếp xúc tác nhân. Do vậy, các nhà nghiên cứu đang xây dựng các mô hình lý tưởng: tuyển chọn hàng nghìn bà mẹ tương lai ở một số quốc gia, thu thập dữ liệu và mẫu máu, nước tiểu, nước bọt và theo dõi họ trong nhiều thập niên.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận