22/01/2023 06:05 GMT+7

Tết Việt nhớ hoài món ăn ba miền

Theo bạn đọc Phạm Thiết Hùng, Tết Nguyên đán ở Việt Nam thật đặc biệt. Đó là nét văn hóa được kết tinh từ thói quen và khí hậu từ những vùng, miền khác nhau. Và, hơn hết là rất tiện dụng.

Tết Việt nhớ hoài món ăn ba miền - Ảnh 1.

Mỗi vùng miền trên đất nước Việt Nam đều có những món ăn đặc trưng rất riêng trong ngày Tết. Bữa ăn trong ngày Tết thường được các gia đình Việt chuẩn bị công phu, thịnh soạn để thể hiện sự no ấm, hạnh phúc và cầu mong một năm mới đầy đủ, phát đạt - Ảnh: Tet Festival

Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu ý kiến này của bạn đọc Phạm Thiết Hùng.

"Sáng nay 30 Tết. Mọi công việc chuẩn bị cho thời khắc đón giao thừa đang tới đã hoàn thành. Ngồi một mình nhâm nhi ly cà phê sữa đá ở Sài Gòn, được đọc những bài viết về câu chuyện ngày Tết trên Tuổi Trẻ thật là thú vị.

Tôi vì mưu sinh cho cuộc sống nên cũng đã trải dài những ngày Tết gần như khắp vùng đất nước Việt. Tôi sinh ra ở miền Trung, khi đó nhỏ bé nên chưa biết gì về Tết.

Đến năm bốn tuổi thì được về sống với ông bà nội. Tôi được ngồi xem ông bà và các cô gói bánh chưng. Đến năm lên năm tuổi thì được ông bà cho tập gói bánh chưng loại nhỏ, quê tôi không gói bánh tét (bánh chưng đòn, bánh tày).

Tôi còn nhớ như in mâm cỗ Tết của ông bà nội tôi là một đĩa giò xào, giò nạc, bát măng nấu với xương heo (xương lợn), gà luộc, bát miến nấu, bánh lá (bánh răng bừa, bánh lá), nem chua, nem nướng, nồi cá kho, bánh mật, bánh gai.

Và một nồi cháo canh (bánh canh), bát mật mía để chấm bánh chưng. Cứ mỗi khi có khách đến chúc Tết là lại bưng mâm cỗ như vậy mời khách. Không ai từ chối vì sợ "dông" cả năm. Dù khách, chủ chỉ cầm đũa, bát (đội, chén) ăn lấy lệ.

Lớn lên tôi sống ở vùng Việt Bắc (Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn...). 

Tôi được ăn Tết Nguyên đán theo đồng bào Tày, Nùng, Dao... cũng như người Việt (người Kinh). Đồng bào các dân tộc cũng gói bánh chưng nhưng chủ đạo là bánh chưng tày, bánh chưng đòn (như bánh tét Nam Bộ vậy) và bánh chưng gù (hình dáng như bánh tẻ).

Ngoài ra, còn có bánh khảo, làm từ gạo nếp rang rồi xay nhỏ như bột trộn đều với đường rồi đúc vào khuôn, gói bằng giấy bóng kính các màu rực rỡ.

Có một điều đặc sắc là ngày Tết Nguyên đán của đồng bào các dân tộc Việt Bắc là mỗi nhà tùy theo hoàn cảnh kinh tế nhưng phải có vài con gà trống thiến, nuôi trong lồng trước Tết vài ba tháng bằng ngô và cơm nóng.

Thịt gà béo ngậy, da vàng ươm, mâm cỗ có món "nhường", thịt lợn (thịt heo) băm nhuyễn, trộn gia vị rồi nhồi măng tươi hoặc gói lá bắp cải, hấp (đồ) chín, ăn không ngán.

Tôi đã thử làm theo nhưng không thành công. Không hiểu đồng bào có bí quyết gì? Đặc biệt hơn là rượu, rượu nấu bằng gạo, bằng ngô (bắp, bẹ), sắn (củ mì), ủ bằng men lá. Uống bằng bát (chén), bằng ly to, bằng thìa múc rượu trong tô vừa uống vừa hát "lảy cỏ".

Và không thể thiếu "ném còn", hát "then", hát điệu "Sli"... Những ngày Tết tất cả đều ngất ngây say say nhưng tôi chưa gặp phải ai gây sự, cự cãi. Tất cả đều vui, say thì ngủ. Tỉnh rượu dậy uống tiếp...

Rồi bước chân mưu sinh đưa tôi vào Nam Bộ và ổn định tại Sài Gòn nắng nóng quanh năm. Tôi đã được ăn Tết Nguyên đán ở miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên. Tôi được biết bánh tét nhân chuối chín, đậu (đỗ đen). Và dĩ nhiên chủ đạo mâm cỗ miền Nam phải có thịt heo kho hột vịt (trứng vịt), khổ qua (mướp đắng) nhồi thịt heo (thịt lợn) băm nhuyễn hầm.

Ngoài ra còn có măng khô nấu xương, gà luộc, chả giò rán (tạm gọi là nem rán như miền Bắc cho dễ hình dung nhưng thực chất chả giò khác rất nhiều so với nem rán). "Lê la" tìm hiểu, tôi mới biết dần dần vì sao mâm cỗ miền Nam phải có thịt heo kho hột vịt và nồi khổ qua nhồi thịt heo hầm.

Do thời tiết, khí hậu phương Nam nắng nóng, ngày xưa chưa có tủ lạnh. Đồng bào chế biến món ăn trên để sẵn đó, đến bữa ăn thì đun hâm lại, không bị thiu, đun đến mức miếng thịt sắt lại và nâu bóng.

Mọi thành viên đi chơi Tết về sẵn có món chủ đạo trên đây, cắt miếng bánh tét hoặc tô cơm là xong bữa... còn các loại bánh, trái cây của miền Nam thì hằng hà sa số không đủ thời gian để kể lể... Ngày Xuân dông dài, lê thê vài dòng về nước Việt, người Việt đón Xuân, ăn Tết, chơi Tết.

Ôi, làm sao mà có thể không có Tết Nguyên đán cơ chứ!

Đậm đà hương vị Tết ở một gia đình Thái - ViệtĐậm đà hương vị Tết ở một gia đình Thái - Việt

Gia đình chị Nguyễn Thị Vinh và anh Weerachai Thongbo (tên thường gọi là Tôn) sống ở quận Minburi, khu đô thị Bangkok, Thái Lan. Nơi họ sống không có người Việt Nam nào khác, nhưng hương vị Tết Nguyên đán thì vẫn được chị Vinh cần mẫn lưu giữ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên