02/02/2024 06:00 GMT+7

Tết Giáp Thìn, xem linh vật rồng tỉ thí, tò mò dáng rồng các triều đại phong kiến Việt Nam

Xem linh vật rồng ‘tỉ thí’ rồng xuân ở nhiều địa phương trên cả nước, chợt tò mò không biết dáng rồng ở một số triều đại phong kiến Việt Nam thế nào?

Hoa văn rồng thời Lý trong cuốn Hoa văn Việt Nam - Từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến của PGS Nguyễn Du Chi - Ảnh: ĐẬU DUNG

Hoa văn rồng thời Lý trong cuốn Hoa văn Việt Nam - Từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến của PGS Nguyễn Du Chi - Ảnh: ĐẬU DUNG

Ở Việt Nam, rồng là loài đứng đầu trong tứ linh (gồm long, phượng, lân, quy).

Rồng thường được chạm ở những nơi trang trọng, thường tượng trưng cho quyền lực của hoàng đế, cho cả điềm lành, sự phồn thịnh.

Rồng thời Lý

Rồng thời Lý về cơ bản có thân hình dài như một con rắn, được bố cục theo lối nhìn nghiêng, thân cuộn lượn sóng từ đầu tới đuôi.

Cột đá chạm rồng độc đáo ở chùa Dạm (Bắc Ninh) mang dáng dấp rồng thời Lý - Ảnh tư liệu

Cột đá chạm rồng độc đáo ở chùa Dạm (Bắc Ninh) mang dáng dấp rồng thời Lý - Ảnh tư liệu

Các khúc uốn lượn được uốn phình to mà bước sóng lại hẹp, tạo ra những hình thắt eo (hay còn gọi là thắt túi) kéo dài tận đuôi.

Đặc sắc thứ hai của hoa văn rồng Lý là đầu. Theo PGS Nguyễn Du Chi trong cuốn Hoa văn Việt Nam - Từ thời tiền sử đến nửa đầu thế kỷ phong kiến, trên đầu rồng thường có hoa văn hình S hoa và hình ô-mê-ga.

Đầu rồng thời Lý thường hơi ngẩng lên, miệng há rộng, hai hàm lộ răng nhọn. Riêng hai răng cuối của hàm trên biến thành răng nanh, mọc dài và uốn cong. Mào hơi uốn khúc, xung quanh có viền sáng kiểu ngọn lửa.

Môi dưới ngắn nhưng lưỡi rất dài. Mắt tròn, hơi lồi. Sau gáy có một dải bờm nhiều tua. Râu cũng tương tự nhưng nhỏ, ngắn hơn, chạy dài xuống dưới. Quanh đầu và thân rồng có nhiều viên ngọc báu.

Hoa văn rồng trên bộ cánh cửa chùa Phổ Minh đời Trần - Ảnh: Bảo tàng tỉnh Nam Định

Hoa văn rồng trên bộ cánh cửa chùa Phổ Minh đời Trần - Ảnh: Bảo tàng tỉnh Nam Định

Rồng Trần

Hình rồng thời Trần phong phú và phức tạp hơn, nhất là hình rồng ở các chùa làng.

Về cơ bản, rồng thời Trần cũng giống rồng thời Lý. Khác ở: mào lửa kéo dài ở đầu mũi không dài và xoắn như rồng thời Lý.

Bờm, râu, răng nanh, chân cũng ngắn hơn. Riêng chân, xuất hiện bốn ngón với móng vuốt sắc. Có sừng. Có vảy nhiều hơn

So với rồng Lý, rồng Trần có sóng lượn không đều, kém uyển chuyển hơn.

Về cơ bản, rồng thời Trần có dáng mập mạp, khỏe khoắn.

Rồng Lê sơ

Rồng Lê sơ chia hai loại: Một là tiếp tục phát huy hình rồng thời Lý, Trần; hai là tiếp thu hình rồng của văn hóa Trung Hoa.

Với loại hai, một mũi cao bè tròn to, hai cánh nở hai bên như mũi sư tử thay cho mào lửa.

Bộ bát đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ có họa tiết rồng tại hoàng thành Thăng Long - Ảnh: Cục Di sản văn hóa

Bộ bát đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ có họa tiết rồng tại hoàng thành Thăng Long - Ảnh: Cục Di sản văn hóa

Hoa văn chữ S, hoa văn hình ô-mê-ga đều không còn. Hai viền lông mày có vẻ dữ tợn. Mắt hơi lồi, miệng vuông, không há rộng dù phía trước vẫn còn viên ngọc bay lơ lửng.

Đặc biệt xuất hiện thêm hai râu rồng dài từ dưới mắt lượn sóng, chạy dài ra hai phía. Chân rồng có năm ngón, xòe đều ra các phía với móng sắc nhọn, dữ tợn, thể hiện quyền uy và sức mạnh của hoàng đế.

Thân rồng nhìn nghiêng nhưng riêng đầu lại quay ra nhìn kiểu chính diện, không thì đầu cũng hơi chếch ra giữa, thấy cả mắt.

Hai cánh cửa chạm rồng (hoa văn rồng thời Lê trung hưng) của chùa Keo được xem là kiệt tác chạm khắc gỗ thế kỉ 17 - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Hai cánh cửa chạm rồng (hoa văn rồng thời Lê trung hưng) của chùa Keo được xem là kiệt tác chạm khắc gỗ thế kỉ 17 - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Rồng Lê trung hưng

Rồng thời này đa dạng tạo hình nhất.

Các tư liệu cho thấy, hoa văn dáng dấp cứng hơn, nổi bật là râu bờm, mây lửa đều duỗi thẳng sắc nhọn theo kiểu "đao mác" rất đặc trưng.

Đầu rồng cũng khác: bờm chia thành từng dải, lông mày, râu cằm, lông khuỷu chân loe ra, hai sợi râu mép uốn cong lại.

Rồng trên Cao đỉnh trong bộ Cửu Đỉnh đặt tại Thế Tổ Miếu, làm thời nhà Nguyễn - Ảnh tư liệu

Rồng trên Cao đỉnh trong bộ Cửu Đỉnh đặt tại Thế Tổ Miếu, làm thời nhà Nguyễn - Ảnh tư liệu

Rồng Nguyễn

Rồng thời Nguyễn kế thừa rồng thời Hậu Lê gần giữa thế kỷ 18 nên râu bờm uốn lượn từng dải liền nhau.

Râu thường uốn cong xoắn ốc, thân mảnh, đặc biệt đuôi xoáy đặc trưng.

Ngoài ra, rồng thời này cũng có nhiều biến thể mới: độ uốn khúc không còn đều đặn mà chỉ vồng lên hai khúc nhỏ dần về đuôi.

Trán rồng có phần lõm hơn và bợt ra sau. 

Thậm chí, đuôi rồng cũng không còn xoáy mà duỗi ra hoặc xoáy nhưng các dải lông thưa đi.

Cười đến Tết với loạt linh vật rồng Giáp ThìnCười đến Tết với loạt linh vật rồng Giáp Thìn

Cả tá linh vật rồng Giáp Thìn đang bắt đầu "chào sân", cùng nhau khoe dáng "chọc cười" khán giả cả nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên