29/12/2023 19:04 GMT+7

Nông lâm thủy sản xuất siêu kỷ lục

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 đạt 53 tỉ USD. Xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,1 tỉ USD, chiếm 42,5% xuất siêu cả nước.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh trong khó khăn thách thức nhưng ngành nông nghiệp vẫn xuất siêu kỷ lục - Ảnh: C.TUỆ

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh trong khó khăn thách thức nhưng ngành nông nghiệp vẫn xuất siêu kỷ lục - Ảnh: C.TUỆ

Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết tại buổi họp báo kết quả công tác năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 của ngành nông nghiệp, chiều 29-12.

Theo ông Tiến, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản song giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) tăng cao, ước đạt 3,83%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 53,01 tỉ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỉ USD, tăng 43,07 so với cùng kỳ năm trước, chiếm 42,5% xuất siêu cả nước.

Một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như rau quả đạt 5,69 tỉ USD, tăng 69% so với năm 2022, gạo đạt 4,78 tỉ USD, tăng 38% so với năm trước.

Ngoài rau quả, gạo thì năm qua, có 4 mặt hàng khác xuất khẩu đạt trên 3 tỉ USD là hạt điều 3,63 tỉ USD (tăng 17,6%), cà phê 4,18 tỉ USD (tăng 3,1%), tôm 3,38 tỉ USD (giảm 21,7%), gỗ và sản phẩm gỗ 13,37 tỉ USD (giảm 16,5%).

Ông Nguyễn Văn Việt - vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết dù chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chưa đạt chỉ tiêu Chính phủ giao, song ngành có nhiều mặt hàng đạt những kỳ tích vượt bậc.

Điển hình sầu riêng đạt kỷ lục với 2,25 tỉ USD, tăng hơn 5 lần so với năm 2022. Gạo ST25 lần thứ 2 được công nhận gạo ngon nhất thế giới.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên lĩnh vực lâm nghiệp đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon, thu về 1.200 tỉ đồng.

Quy trình thu hoạch, bảo quản sầu riêng cũng được đưa ra để nâng chất lượng sầu riêng - Ảnh: THẾ THẾ

Quy trình thu hoạch, bảo quản sầu riêng cũng được đưa ra để nâng chất lượng sầu riêng - Ảnh: THẾ THẾ

Ông Nguyễn Như Tiệp - cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - cho biết năm 2023, ngành nông nghiệp khó khăn về mặt thị trường do chiến tranh, xung đột. Tuy nhiên bộ đã xác định được các thị trường và giải pháp trọng điểm.

Đặc biệt khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, bộ đã có hàng loạt hội nghị nhằm xúc tiến, thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản nên năm 2023 xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 12,3 tỉ USD.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết cơ cấu thị trường thay đổi rất nhanh. Nếu như năm trước Mỹ là thị trường nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam (khoảng 25% thị phần), năm nay thị trường này lại giảm. Thị trường Trung Quốc lên ngôi khi chiếm 22% thị phần xuất khẩu, Mỹ còn 21%.

"Lựa chọn những giải pháp đột phá để định hướng sản xuất cũng như mở cửa thị trường xuất khẩu. Đồng thời áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn, chất lượng.

Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, bám sát tình hình thực tiễn để chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra" - ông Tiến nói về bài học kinh nghiệm trong năm 2023.

Xuất siêu kỷ lục nhưng áp lực tỉ giá vẫn lớn, vì sao?Xuất siêu kỷ lục nhưng áp lực tỉ giá vẫn lớn, vì sao?

Theo chuyên gia, tỉ giá thường áp lực hơn về cuối năm. Mức độ kiểm soát rủi ro ra sao sẽ phụ thuộc vào dòng USD thực tế từ thặng dư thương mại, kiều hồi, vốn FDI giải ngân, thương vụ mua bán vốn...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên