14/01/2024 11:12 GMT+7

Kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Indonesia

Trong cuộc đối thoại với doanh nghiệp Việt Nam và Indonesia vào ngày 13-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục kết nối để cùng hiện thực hóa các ý tưởng, mục tiêu của cả hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp vào ngày 13-1 - Ảnh: HỒNG QUANG

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp vào ngày 13-1 - Ảnh: HỒNG QUANG

Thông điệp được nêu ra tại cuộc đối thoại do hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Indonesia đồng chủ trì là có cơ sở khi xét đến nhiều dư địa vẫn chưa khai phá hết trong hợp tác hai nước và việc hai bên có nhiều điểm tương đồng đáng kể trong mục tiêu phát triển.

Cùng hướng tới mục tiêu thu nhập cao

Phát biểu trước doanh nghiệp hai nước, Tổng thống Joko Widodo khẳng định Việt Nam và Indonesia có tầm nhìn chung là phấn đấu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Để thực hiện điều đó, hai bên cần tăng cường đối thoại và hợp tác chất lượng cao.

Ông cũng cho biết Indonesia có tiềm năng phát triển và đã mở sàn giao dịch carbon, cũng như đang thúc đẩy phát triển công nghiệp xe điện.

Tổng thống Widodo mong muốn Công ty VinFast mở rộng đầu tư vào mảng xe điện, Hãng Vietjet Air mở thêm các đường bay tới các điểm du lịch của Indonesia, Công ty Sovico Group đầu tư vào các dự án du lịch, bất động sản, hay Công ty FPT Software đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh đó, ông cũng mong muốn có nhiều nhà đầu tư Việt Nam tới làm ăn ở Indonesia trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, giáo dục, khoa học công nghệ, chế tạo...

Đặc biệt, nhà lãnh đạo Indonesia hy vọng doanh nghiệp Việt Nam sẽ hợp tác đầu tư nhiều hơn vào nước này, trong đó có những dự án lớn, mang tính biểu tượng lâu dài như dự án thủ đô mới của Indonesia. "Tôi hy vọng các bạn sẽ cùng chúng tôi hiện thực hóa kế hoạch này", ông Joko Widodo nói.

Tiếp lời Tổng thống Joko Widodo, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng sự tin cậy chính trị giữa hai nước sẽ ngày càng cao, nhất là sau chuyến thăm này. Thủ tướng nhắc lại tuy đầu tư, thương mại song phương có tiến triển trong các năm qua nhưng chưa tương xứng với tầm vóc quan hệ, quy mô kinh tế hai nước.

"Không có lý do gì mà các nhà đầu tư Việt Nam và Indonesia lại không đến tìm hiểu để đầu tư lẫn nhau", Thủ tướng nói. Trên thực tế đã có nhiều nhà đầu tư Indonesia đến Việt Nam và thành công, trong đó có các doanh nghiệp "kỳ lân" lớn của nước bạn.

Về đề nghị đầu tư vào thủ đô mới của Indonesia, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là "ý tưởng táo bạo". Ông khuyến khích các doanh nghiệp Việt đầu tư vào dự án, góp phần hiện thực hóa kế hoạch của ông Widodo và Indonesia "càng sớm càng tốt".

Thị trường lớn, cơ hội lớn

Cũng tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra tiềm năng to lớn của hai nước với dân số gần 400 triệu người, chiếm khoảng 2/3 dân số của khối ASEAN. Phân tích thêm, Thủ tướng cho biết Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, điều kiện sản xuất các nguyên liệu chế biến thực phẩm Halal. Do đó, ông mong các doanh nghiệp Indonesia đến Việt Nam hợp tác, đầu tư, sản xuất thực phẩm Halal và cấp giấy chứng nhận Halal.

Thực tế cho thấy với việc là nước Hồi giáo lớn nhất ASEAN, cũng là nền kinh tế có quy mô lớn nhất khu vực, Indonesia là thị trường đầy tiềm năng với các doanh nghiệp trong ngành Halal Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương phát triển ngành Halal, liên tục kêu gọi sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi từ các nước Hồi giáo. Việc tiến vào Indonesia thành công và hoạt động hiệu quả sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp Việt tiến sâu hơn vào thị trường Halal được dự báo có giá trị lên tới 10.000 tỉ USD vào năm 2028.

Indonesia không chỉ là thị trường lớn tiềm năng về hàng tiêu dùng, dịch vụ của Việt Nam. Sự tương đồng giữa mục tiêu phát triển của hai nước còn là động lực cho các hợp tác chất lượng cao và hiệu quả. Trong đó có việc chuyển đổi xanh nền kinh tế, phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đối với Việt Nam và sau 2060 với Indonesia.

Indonesia quan tâm phát triển hệ sinh thái xe điện

Trong các cuộc gặp với lãnh đạo chủ chốt Việt Nam ngày 12-1, Tổng thống Joko Widodo đều đề cập đến hợp tác phát triển hệ sinh thái xe điện và pin xe điện giữa hai nước.

Indonesia đã vạch ra các kế hoạch đầy tham vọng nhằm phát triển ngành công nghiệp xe điện, bao gồm đặt mục tiêu sản xuất 600.000 xe điện vào năm 2030 và có 2 triệu xe điện chạy trên đường vào năm 2030.

Những chính sách của Indonesia có thể trở thành kinh nghiệm cho các nước trong khu vực, đồng thời phối hợp để cùng nhau sản xuất xe điện với chi phí thấp hơn và số lượng lớn hơn.

Tuy nhiên, tương tự như phần còn lại của thế giới, "nỗi lo lắng về phạm vi di chuyển" - tức nỗi lo ngại về việc xe điện có thể đi được bao xa trong một lần sạc, và nỗi sợ bị mắc kẹt trong suốt hành trình - là mối quan tâm lớn ở Indonesia.

Việc không có đủ trạm sạc công cộng đã thúc đẩy Công ty điện lực quốc gia Indonesia tìm kiếm hợp tác công tư trong lĩnh vực này. Đó là cơ hội cho các công ty đang muốn phát triển hệ sinh thái xe điện.

Tổng thống Indonesia ấn tượng với chất lượng của VinFastTổng thống Indonesia ấn tượng với chất lượng của VinFast

Ngày 13-1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đến thăm nhà máy VinFast tại Hải Phòng, bày tỏ ấn tượng trước quy mô và chất lượng các dòng xe nhà máy sản xuất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên