27/10/2023 11:37 GMT+7

Hải quân Mỹ bị tố quan liêu, chậm chuyển vũ khí cho Đài Loan

Một ủy ban của Hạ viện Mỹ đã chất vấn Hải quân nước này về "sự chậm trễ đáng báo động" trong việc chuyển vũ khí cho Đài Loan, dù hợp đồng đã chốt từ lâu.

Tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ sản xuất trong lực lượng phòng vệ Đài Loan - Ảnh: AFP

Tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ sản xuất trong lực lượng phòng vệ Đài Loan - Ảnh: AFP

Theo Hãng tin Reuters, hạ nghị sĩ Mike Gallagher - chủ tịch một ủy ban về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ - cùng hạ nghị sĩ Young Kim đã gửi một bức thư cho Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro để chất vấn về việc trên.

Lá thư được công bố ngày 26-10, trong đó nhận định "sự chậm trễ quan liêu trong hải quân đang cản trở việc sản xuất và giao kịp thời các vũ khí quan trọng cho Đài Loan".

Các nghị sĩ cũng tin rằng sự chậm trễ đó đã làm suy yếu "các nỗ lực ngăn chặn chiến tranh". Hai nghị sĩ cũng nhấn mạnh sự cần thiết của tên lửa chống hạm Harpoon và SLAM-ER, những vũ khí mà Mỹ đã đồng ý bán cho Đài Loan từ nhiều năm trước.

Theo đó, phải đến tháng 4-2023, Hải quân Mỹ mới ký hợp đồng mua 400 tên lửa Harpoon phóng từ mặt đất cho Đài Loan. Thời điểm đó đã là hai năm rưỡi sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo bán loại vũ khí này cho Đài Bắc.

Nhóm nghị sĩ lập luận sự chậm trễ này đồng nghĩa với việc sau năm 2027 Đài Loan mới nhận được tên lửa và "như vậy là quá trễ".

Tương tự, nhóm nghị sĩ chỉ ra việc 10 tháng sau khi Đài Loan chấp nhận các thỏa thuận mua 60 tên lửa Harpoon phóng từ trên không và 135 tên lửa SLAM-ER vào tháng 12-2022, Hải quân Mỹ vẫn chưa có động tĩnh gì trong việc gọi thầu.

Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Mỹ chấm dứt điều mà Bắc Kinh coi là sự hỗ trợ mang tính khiêu khích của Washington dành cho Đài Loan. Hiện Bắc Kinh chưa bình luận về lá thư trên.

Trung Quốc vốn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực để tái thống nhất. 

Mỹ, giống như hầu hết các quốc gia khác, không có quan hệ chính thức với Đài Loan. Tuy nhiên theo một đạo luật năm 1979, Mỹ tự xác định có trách nhiệm hỗ trợ vùng lãnh thổ này tăng cường năng lực phòng vệ để tránh thay đổi hiện trạng eo biển Đài Loan bằng quân sự.

Bất chấp Trung Quốc phản đối, hiện Mỹ vẫn là nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Đài Loan.

Theo Reuters, trong những năm gần đây Đài Loan cũng bắt đầu phàn nàn về sự chậm trễ trong việc giao các loại vũ khí khác của Mỹ, chẳng hạn như tên lửa phòng không Stinger. 

Đôi khi Đài Loan yêu cầu Mỹ tìm nguồn cung từ các nhà cung cấp hoặc đồng minh khác của Mỹ để rút ngắn thời gian.

Vùng lãnh thổ này cũng nỗ lực sản xuất vũ khí nội địa để hiện đại hóa lực lượng phòng vệ trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng với Trung Quốc đại lục.

Trung Quốc cảnh báo Đài Loan về nguy cơ "chiến tranh"Trung Quốc cảnh báo Đài Loan về nguy cơ 'chiến tranh'

Trung Quốc chỉ trích chính quyền Đài Loan đẩy hòn đảo này tới "tình huống chiến tranh nguy hiểm" sau khi có tin Đài Loan tính mua máy bay không người lái quân sự.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên