05/05/2024 10:25 GMT+7

Giảng viên lý thuyết 'chê' giảng viên dạy thực chiến

Anh D. có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông. Sau buổi dạy về truyền thông đa phương tiện tại một trường đại học ở TP.HCM, anh bị một số giảng viên dạy lý thuyết cho rằng kiến thức anh chưa vững.

Giờ học của sinh viên ngành kiến trúc Trường đại học Văn Lang luôn gắn với thực hành. Sinh viên thực hiện thiết kế, giảng viên góp ý, chỉnh sửa - Ảnh: N.T.

Giờ học của sinh viên ngành kiến trúc Trường đại học Văn Lang luôn gắn với thực hành. Sinh viên thực hiện thiết kế, giảng viên góp ý, chỉnh sửa - Ảnh: N.T.

Kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp

Anh D. có 20 năm làm nghề truyền thông - quảng cáo, xây dựng format, viết kịch bản và sản xuất chương trình truyền hình. Anh dạy sinh viên bằng những kinh nghiệm thực tế, những tình huống cụ thể, những va vấp đã trải qua, những bài học đúc kết trong hàng chục năm làm nghề và cũng kèm theo đó những lý thuyết cốt lõi mà anh đã chuẩn bị.

Theo anh D., người dạy thực chiến cũng phải nắm lõi lý thuyết và người dạy lý thuyết cũng phải nắm rõ và có thực tế nội dung mình giảng dạy. Chẳng hạn, đối với môn truyền thông đa phương tiện, chỉ riêng phim quảng cáo đã có khoảng 20 thể loại khác nhau.

"Tôi biết lý thuyết rất quan trọng, là nền tảng để các bạn thực hành tốt. Trước khi dạy thực hành, tôi cung cấp cho sinh viên lý thuyết lõi về thể loại, đặc trưng thể loại để các bạn không bị nhầm lẫn khi làm sản phẩm thực tế.

Thời gian có hạn và tôi chú trọng dạy kiến thức, kỹ năng thực tế nên tôi không thể nói chi tiết về lý thuyết như các môn thuần lý thuyết mà các bạn học trước đó" - anh D. cho biết.

Chia sẻ thêm về phương pháp dạy thực chiến của mình, anh D. cho biết công ty của mình nhận sinh viên thực tập khá nhiều. Thực tế làm việc cho thấy các bạn thiếu va vấp thực tế, phải học hỏi rất nhiều từ các anh chị trong công ty.

"Tôi biết các bạn thiếu kỹ năng nào và tôi muốn truyền đạt lại những kinh nghiệm thực tế của mình, cho các bạn làm sản phẩm cụ thể để hiểu được các công đoạn của một phần công việc sau này. Sinh viên học xong phải làm được sản phẩm. Bản thân tôi đi dạy ngoài kinh nghiệm cũng phải đọc tài liệu rất nhiều" - anh D. nói thêm.

Giảng viên cần nắm cả lý thuyết và thực hành

Thực tế việc sinh viên thiếu kỹ năng, kiến thức thực tế đã được doanh nghiệp nêu ra từ nhiều năm nay. Một trong những lý do được đưa ra đó là việc các trường đào tạo thiên về lý thuyết, xa rời thực tế. Trường đào tạo theo những gì mình có chứ chưa phải những thứ xã hội cần.

Điều này đã thúc đẩy các trường đại học thay đổi cách đào tạo. Trong nhiều trường hợp, một môn học nhưng trường mời người làm nghề dạy thực chiến, giảng viên của trường đảm nhận phần lý thuyết.

NGUYỄN HỮU LONG
Ở nhiều đại học nước ngoài, họ quy định giảng viên dạy lý thuyết một năm phải có bao nhiêu giờ thực tế tại doanh nghiệp, giảng viên dạy thực hành phải có bao nhiêu nghiên cứu. Đó là cách để họ kiểm soát việc giảng viên không dạy những thứ xa rời thực tế, khoa học phải gắn với thực tiễn.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Long - giảng viên Trường đại học Mở TP.HCM - cho biết đúng là có sự xung đột này trong thực tế. Lý thuyết hay thực hành đều quan trọng trong đào tạo. Trong đó lý thuyết là tiên quyết.

Giảng viên muốn dạy lý thuyết giỏi cũng phải có thực hành và ngược lại dạy thực hành cũng đọc lý thuyết để liên hệ khi vận dụng.

Đó là lý do trong chương trình đào tạo các trường sắp xếp các môn học theo trình tự môn nào trước, môn nào sau, môn cơ sở, tiên quyết trước rồi mới đến chuyên ngành, thực hành.

Bên cạnh đó, tùy vào định hướng đào tạo của các trường theo hướng nghiên cứu hay ứng dụng, phương pháp đào tạo sẽ chú trọng, đào sâu hơn vào lý thuyết hay thực hành.

Thông thường sẽ kết hợp, mời người làm nghề dạy thực hành hay đưa sinh viên xuống đào tạo tại doanh nghiệp.

Do đó, giảng viên dạy thực chiến, thực hành không cần phải dạy lý thuyết sâu như giảng viên chuyên dạy lý thuyết nhưng cũng phải nắm lý thuyết cốt lõi môn học.

Tương tự, ông Trần Nam - giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng sinh viên phải có lý thuyết chắc thì thực hành mới vững.

"Dạy đại học không phải dạy nghề, sinh viên phải có nền tảng lý thuyết trước. Tuy nhiên, thời gian môn học có hạn, giảng viên dạy thực hành chỉ nói những lý thuyết, nội dung cốt lõi của môn học, phần lớn thời gian cho sinh viên thực hành. Sinh viên rất cần những kiến thức nghề nghiệp. Nhưng cái khó của những người dạy thực chiến là đôi khi lý thuyết không sâu" - ông Nam nói.

Để giải quyết xung đột lý thuyết - thực hành, ông Nam cho rằng giảng viên dạy thực chiến cho sinh viên đọc tài liệu trước khi thực hành.

Lý thuyết hay thực hành quan trọng hơn?

Chia sẻ về nội dung này, bà Tô Nhi A, giảng viên Trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết cả 2 khối kiến thức này đều cần, đều quan trọng, đều tạo nên thế vững chắc cho lao động nghề nghiệp.

Do đó đừng bao giờ đặt ra câu hỏi như vậy để hòng thỏa hiệp, dễ dãi với quá trình rèn luyện bản thân rồi cho phép mình chỉ quan tâm đến một thứ rồi khinh nhờn điều còn lại - mà vốn bản chất, có thể là do mình không giỏi và lấy đó làm lý do để né tránh!

Phó thủ tướng: Tránh phát triển nóng khi đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫnPhó thủ tướng: Tránh phát triển nóng khi đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn

Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, việc đào tạo ngành vi mạch bán dẫn cần có tính toán, dự báo dựa trên tín hiệu thị trường, thực sự đáp ứng nhu cầu của thị trường, tránh phát triển nóng, tràn lan, thiếu hiệu quả.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên