11/05/2024 14:57 GMT+7

Doanh nghiệp bó tay trước làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần

"Về già nhận chút lương hưu cũng là sự bảo đảm cuộc sống đáng kể. Nhưng tỉ lệ người lao động đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm đang xin nghỉ việc để nhận bảo hiểm xã hội một lần ở công ty rất lớn".

Từ trái qua: ông Hà Phước Thắng - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, bà Trần Thị Diệu Thúy - chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, bà Trần Kim Yến - chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM - tại hội nghị tiếp xúc cử tri sáng 11-5 - Ảnh: VŨ THỦY

Từ trái qua: ông Hà Phước Thắng - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, bà Trần Thị Diệu Thúy - chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, bà Trần Kim Yến - chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM - tại hội nghị tiếp xúc cử tri sáng 11-5 - Ảnh: VŨ THỦY

Ông Trần Thanh Sơn - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH May Song Ngọc - nêu như vậy tại hội nghị tiếp xúc cử tri góp ý sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Công đoàn của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM ngày 11-5.

Các doanh nghiệp đều phản ánh hiện tượng nhiều người lao động nghỉ việc chờ rút bảo hiểm xã hội một lần, đồng thời có thể nhận trợ cấp thất nghiệp trong thời gian chờ lãnh. Đây cũng là lý do khiến doanh nghiệp thiếu hụt, khó tuyển dụng lao động bù đắp hoặc mở rộng sản xuất.

Không khó khăn cũng rút bảo hiểm xã hội một lần

Ông Kim Vĩnh Cường - phó chủ tịch công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, nơi có đông lao động nhất tại TP.HCM - cho biết nhiều người đang đoán già đoán non về phương án rút bảo hiểm xã hội một lần như thế nào sẽ được thông qua và nghỉ việc trước để "chạy" luật.

"Rất đông người lao động từ các tỉnh thành khác lên TP.HCM làm việc, xem bảo hiểm xã hội là khoản tích lũy, để dành. Nhiều người làm việc từ năm 18 tuổi, nếu chờ đến năm 60 - 62 tuổi đủ tuổi hưu sẽ rất dài và họ không thể chờ quá lâu như vậy", ông Cường nói.

Ông nêu thực tế người lao động trên 50 tuổi rất ít vì ở tuổi đó cũng không đủ sức khỏe tiếp tục làm mà xin nghỉ việc về quê hoặc tìm công việc khác.

Tình trạng nghỉ việc chờ lãnh bảo hiểm xã hội một lần cũng là điều đang diễn ra tại Công ty nệm Liên Á. Ông Phạm Quốc Tiến - chủ tịch công đoàn - cho biết có nhiều người đã làm 10 - 15 năm, thậm chí 20 năm và muốn nghỉ việc để rút bảo hiểm xã hội một lần.

"Họ muốn rút hết quá trình đã đóng trước đó vì nếu có quay lại làm việc, đóng lại từ đầu vẫn kịp làm việc 15 - 20 năm nữa để đóng bảo hiểm xã hội và hưởng lương hưu", ông Tiến nói.

Phải có chính sách hỗ trợ khi không cho rút bảo hiểm xã hội một lần

Đại diện các doanh nghiệp cho biết họ cố gắng vận động người lao động ở lại, giữ lại khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu nhưng không thể.

Ông Trần Văn Triều - giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn TP.HCM - cho biết trong lần thông qua Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi tại kỳ họp Quốc hội tới đây cần quyết liệt quy định việc cho rút bảo hiểm xã hội một lần.

"Không nên chọn phương án cho rút một lần 50% khoản đóng bảo hiểm xã hội vì sẽ không thể giải quyết được vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần.

Nên chịu đau một lần, cho những người đóng trước khi luật này có hiệu lực vào tháng 7-2025 được rút một lần. Còn những người đóng sau thời điểm đó sẽ giữ lại để hưởng hưu trí, xây dựng an sinh bền vững", ông Triều kiến nghị.

Thực tế ghi nhận từ các buổi tuyên truyền pháp luật tại doanh nghiệp, nhiều người dù không khó khăn cũng ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần.

Tuy nhiên cũng có những trường hợp khó khăn thật sự, cần một khoản tiền trang trải cấp bách. Do đó cần phải có chính sách hỗ trợ cho nhóm thật sự khó khăn, chẳng hạn như vay vốn lãi suất ưu đãi.

Ông Trần Thanh Sơn - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH May Song Ngọc - cho biết nhiều công nhân lâu năm có tay nghề tốt ở công ty muốn nghỉ việc chờ hưởng bảo hiểm xã hội một lần - Ảnh: VŨ THỦY

Ông Trần Thanh Sơn - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH May Song Ngọc - cho biết nhiều công nhân lâu năm có tay nghề tốt ở công ty muốn nghỉ việc chờ hưởng bảo hiểm xã hội một lần - Ảnh: VŨ THỦY

Đồng tình, ông Trần Dũng Hà - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM - cho rằng việc lựa chọn phương án để người tham gia mới từ năm 2025 trở về sau không rút bảo hiểm xã hội một lần có thể vận hành tốt trong thực tế cần có một loạt giải pháp đi kèm để hỗ trợ người lao động khó khăn như hỗ trợ người lao động học nghề, chuyển đổi việc làm, cho vay vốn…

Nhiều ý kiến khác cũng đề xuất điều chỉnh một số quy định của dự thảo luật để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Năm 2024 có còn cảnh Năm 2024 có còn cảnh 'giăng võng nằm xuyên đêm' chờ rút bảo hiểm xã hội một lần?

Tại các trụ sở bảo hiểm xã hội quận huyện lúc nào cũng có đông người đến chờ được rút bảo hiểm xã hội một lần như quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên