Đạp xe quanh Đài Loan, nghĩ về du lịch

NGUYỄN ĐÔNG HÒA 11/12/2023 00:00 GMT+7

TTCT -Anh Nguyễn Đông Hòa, phó tổng giám đốc Sài Gòn Tourist, một "dân chơi" phong trào có tiếng trong làng bơi - đạp - chạy, vừa thực hiện chuyến đạp xe quanh Đài Loan một mình...

Chuyến đi của tôi hết 10 ngày, trong đó có 8 ngày đạp xe. Tổng chiều dài đạp xe là 930km, vừa giáp vòng Đài Loan và leo tổng độ cao 9.036m. Tổng thời gian đạp hết 70 giờ, mỗi ngày trung bình 9 giờ ngồi trên yên xe đạp. Ngày mệt mỏi nhất là đạp ngược gió 150km từ Đài Đông đi Hoa Liên.

Tác giả trên đỉnh A Lý Sơn. Ảnh: Đông Hòa

Tác giả trên đỉnh A Lý Sơn. Ảnh: Đông Hòa

Một vài kinh nghiệm nhỏ

Tôi ủ mưu đạp xe ở Đài Loan ngay từ chuyến đi đầu tiên tới Cao Hùng năm 2017, khi đạp xe tham quan hồ Nhật Nguyệt, cung đường được CNN đưa vào top 10 đường đạp xe đẹp của thế giới. 

Nhưng công việc, rồi dịch bệnh khiến 6 năm sau mới thực hiện được ước mơ. Theo hướng dẫn chi tiết của Cơ quan Quản lý du lịch Đài Loan, chinh phục hết cung đường vòng quanh Đài Loan mất khoảng 9-10 ngày.

Sau khi rủ được một người bạn đồng ý tham gia, cả hai liền lên kế hoạch mua vé máy bay từ đầu tháng 8. Qua Google Flight và Skyscanner, tôi chọn Vietjet để bay vào tháng 11 vì giá vé và thời gian khá hợp lý, đến Đài Loan vào sáng sớm và bay về Việt Nam vào chiều tối. 

Giá vé khứ hồi cộng thêm xe đạp chỉ khoảng hơn 5 triệu đồng. Tiếp theo là xin visa online theo diện đã có visa đi Nhật/Hàn Quốc - một việc rất nhanh chóng và thuận lợi. Anh bạn tôi vì chủ quan không làm ngay nên đến ngày 14-9, khi Đài Loan ngưng cấp visa dạng này thì không kịp làm thủ tục, thế là tôi đành phải... solo Đài Loan.

Một tuần trước khi khởi hành, tôi nghiên cứu kỹ các tài liệu mới nhất của Đài Loan về du lịch bằng xe đạp để chốt cung đường, điểm dừng chân và đặt khách sạn, đồng thời lên Facebook tham gia các nhóm du lịch và đạp xe tại Đài Loan để hỏi thêm thông tin. Trang web du lịch Đài Loan - trang đầu tiên tôi tìm tới - đã có hơn 50% thông tin cần thiết để đạp xe du lịch tự túc tại Đài Loan.

Đặc biệt, file PDF chuyên hướng dẫn du khách du lịch Đài Loan tự túc bằng xe đạp có bản tiếng Việt, với tất tần tật các thông tin cần thiết như nơi sửa xe, địa chỉ bệnh viện nếu gặp vấn đề về sức khỏe, cho đến chuyện ăn uống... 

Chính quyền Đài Loan đã kỳ công thiết kế nhiều cung đường cho dân đạp xe được đánh số khoa học để dễ theo dõi. Tóm lại, chủ nhà đã chuẩn bị quá đầy đủ cho du khách.

Tôi chọn khoảng cách đạp 100-150km mỗi ngày để lên cung đường, rồi chọn chế độ dành cho người đạp xe để xem thông số độ cao phải leo mỗi ngày nhằm gia giảm cự ly phù hợp sức mình. 

Ví dụ mỗi ngày đạp 120km, leo khoảng 1.000m là phù hợp sức tôi, nếu leo từ 1.500m trở lên thì phải giảm cự ly xuống, hoặc sau một ngày đạp nặng thì sẽ có một ngày đạp nhẹ để hồi phục.

Phương tiện công cộng ở Đài Loan rất thân thiện với người đi xe đạp. Ảnh: N. Đ. Hòa

Phương tiện công cộng ở Đài Loan rất thân thiện với người đi xe đạp. Ảnh: N. Đ. Hòa

Cung đường gây khó cho tôi nhất là từ hồ Nhật Nguyệt lên đỉnh A Lý Sơn vì không có nhiều thông tin hướng dẫn, trong khi đây là cung đường đạp mệt nhất với tôi, khi leo trên 2.500m trong ngày. 

Tôi vừa dùng Google Map, vừa hỏi thăm thông tin các nhóm Facebook để khắc phục những thiếu sót do Google Map không biết/không có thông tin. Chẳng hạn khi chọn đường xe đạp, Google Map chỉ một đường mòn nhỏ trong rừng, chỉ có thể đi bằng xe máy địa hình, không thể đạp xe được. Hay trên đỉnh núi có một cái cổng sẽ đóng vào lúc 17h30, phải lên tới đỉnh trước thời gian này.

Chọn khách sạn cũng khá mất thời gian vì trên Google Map không thể hiện được hết các khách sạn, phải kết hợp với các ứng dụng khác để chọn khách sạn phù hợp tại các điểm dừng chân. 

Tôi ưu tiên sử dụng các hostel để nghỉ qua đêm, vừa rẻ vừa có dịp gặp gỡ bạn bè du lịch để giao lưu. Một việc quan trọng không kém là phải mua bảo hiểm du lịch cho 10 ngày và nắm rõ các bước cần làm nếu xảy ra sự cố.

Chiều buông trên đỉnh A Lý Sơn. Ảnh: Đ. Hòa

Chiều buông trên đỉnh A Lý Sơn. Ảnh: Đ. Hòa

Bên hồ Nhật Nguyệt và trên đỉnh A Lý Sơn

Tôi đến sân bay Đào Viên lúc gần 6h sáng. Thủ tục làm rất nhanh, khoa học và tự động hóa. Vừa ra khỏi khu vực check-in, tôi bắt gặp khu vực xổ số dành cho khách du lịch tự túc, và niềm vui đã đến khi tôi trúng được 5 voucher khách sạn trị giá 5.000 Đài tệ (gần 4 triệu đồng). 

Hầu như mọi người ai cũng trúng, ít hay nhiều thôi. Tôi lắp xe ngay trong sân bay và được một bác bảo vệ cho biết trong sân bay không cho xe đạp lưu thông, bù lại, bác hướng dẫn tôi đi xe buýt (cả hai nói chuyện bằng Google Dịch). 

Sau đó một cô bảo vệ dẫn tôi và xe đạp xuyên qua sảnh sân bay, dắt tới chờ xe buýt và dặn tài xế kỹ càng trước khi đưa tôi lên xe.

Đài Loan quả là nơi lý tưởng cho "độp thủ" lần đầu mang xe đi xứ người: đẹp, an toàn, văn minh và ưu tiên hết mình cho dân đạp xe. Cung đường sát biển tuyệt đẹp, nhiều đoạn được thiết kế dành riêng cho dân đạp xe và đi bộ nên có thể gặp người dân đủ độ tuổi, đạp đủ loại xe (xe đạp đôi, xe 4 người đạp, xe đạp đua...) vui vẻ vừa đạp xe vừa chào hỏi nhau.

Ngày thứ hai, tôi chinh phục cung đường từ Đài Trung đi hồ Nhật Nguyệt, 101km, leo hơn 1.000m. Đang đạp ngoài trời nắng nóng thì bắt gặp một nhà bán nước mía chai đông đá. Tôi vội dừng lại mua. 

Cô bán hàng tình cờ là người Việt, quê Phú Thọ, đã sang Đài Loan được 7 năm, gia đình cô trồng mía và bán luôn nước mía. Chụp vội với cô một tấm hình, rồi lại lên đường.

Bên xe nước mía của chị đồng hương. Ảnh: Đông Hòa

Bên xe nước mía của chị đồng hương. Ảnh: Đông Hòa

Ngày thứ ba từ hồ Nhật Nguyệt đi A Lý Sơn tuy chỉ 96km, nhưng phải leo hơn 2.500m. Đã đạp 4 đại đỉnh đèo ở VN, nhưng cung này là "chua" nhất với tôi vì nhiều lý do. Một là độ cao của đỉnh Tataka (tháp Tháp Gia) là hơn 2.600m (cổng trời Ô Quy Hồ chỉ khoảng hơn 2.000m), hai là bị hạn chế thời gian, phải tới đỉnh trước 17h. Kết quả 5h30 xuất phát, đạp ròng rã hơn 11 tiếng không nghỉ trưa để mong tới đỉnh lúc 16h.

Ngày đạp này ấn tượng nhất với tôi có lẽ là bởi con người Đài Loan. Khi còn cách đỉnh khoảng 8km thì tôi không còn một giọt nước nào dù khi ở trạm cuối cùng (cách đỉnh 30km) đã mang theo khoảng 1,5l nước. Không có nhà dân nào trên cung đường hoang vắng này để xin nước uống cả, tôi nảy ra ý xin nước của người đi xe ô tô vì thi thoảng có vài chiếc chạy xuống.

Tôi may mắn gặp được một chiếc xe nhỏ đang đậu, bên cạnh là một phụ nữ trung niên đang chụp hình. Tôi cầm bình nước rỗng tiến tới gần cô và ra dấu hiệu xin nước uống. Cô vội vã quay về xe lấy ra một bình nước giữ nhiệt, trút toàn bộ nước trong đó cho tôi. 

Nhưng nước trong bình của cô còn lại khá ít. Tôi cảm ơn cô, nhưng người phụ nữ này không an lòng. Cô vội quay về xe một lần nữa, cầm ra một bịch thơm (dứa) đã xắt sẵn khẩn khoản bắt tôi nhận. 

Tôi nhận, cảm ơn cô và quay về xe chuẩn bị đi tiếp. Cô cũng lên xe, nhưng dường như cô thấy vậy vẫn chưa đủ, nên cầm ra một bịch bánh đưa cho tôi, rồi mới lên xe đi tiếp.

Những miếng thơm đó có lẽ là ngon ngọt nhất trong đời tôi từng ăn và thực sự tiếp thêm năng lượng để tôi lên tới đỉnh Tataka đúng lúc đẹp nhất, cả một biển mây dưới chân, và hoàng hôn đang buông. Tôi say mê chụp và quay phim khi đạp xuống A Lý Sơn, mỗi đoạn đường hiện ra những khung cảnh đẹp khác nhau, gồm cả một chú chồn lông vàng chạy thẳng về phía tôi dạn dĩ.

Ảnh: Nguyễn Đông Hòa

Ảnh: Nguyễn Đông Hòa

Có vô vàn điều tôi muốn kể để chia sẻ hạnh phúc khi tự mình thực hiện được tour đạp xe tự túc quanh Đài Loan (với tổng chi phí khoảng 25 triệu đồng, bao gồm vé máy bay khứ hồi), với những giây phút bình yên, thư thái ngồi bên bờ biển ngắm hoàng hôn, những giờ đi dạo trong rừng thông, bách bạt ngàn... Nếu có sức khỏe, bạn nên đi một lần, chắc chắn bạn sẽ không hối tiếc một chút nào.■

Một chiến lược của du lịch Đài Loan

Chiến lược thu hút khách du lịch xe đạp của Đài Loan thực sự đáng nể và đáng học hỏi.

Taiwan Today 12-5-2023 có bài "Khách du lịch đi xe đạp "gây bão" ở Đài Loan những năm gần đây". Bài báo cho biết hoạt động du lịch bằng xe đạp phát triển mạnh ở Đài Loan sau khi bộ phim Island Etude ra mắt năm 2007 kể về một sinh viên đại học có chuyến đạp xe vòng quanh đảo.

Cùng năm đó, ông King Liu (Lưu Kim Tiêu), người sáng lập công ty sản xuất xe đạp hàng đầu Đài Loan Giant Manufacturing, đã lập được thành tích tương tự ở tuổi 73. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, Giant đã thành lập Giant Adventure, đại lý du lịch đầu tiên của Đài Loan chỉ tập trung vào các chuyến tham quan bằng xe đạp.

Cục Đường sắt thuộc Bộ Giao thông vận tải Đài Loan cũng bắt đầu có chỗ riêng cho xe đạp trên các tuyến đường chọn lọc.

Cải thiện cơ sở hạ tầng cho người đi xe đạp là một chương trình quan trọng của chính quyền Đài Loan trong chiến lược thúc đẩy du lịch thân thiện với môi trường. Để đạt được mục tiêu này, họ đã mở tuyến đường xe đạp vòng quanh đảo số 1 dài 961km vào cuối năm 2015, với 25 đường nhánh được hoàn thành trong ba năm tiếp theo.

Sau khi xây dựng thêm 16 đường dành cho xe đạp tại các danh lam thắng cảnh, năm 2021 được Đài Loan chính thức xác định là Năm Du lịch xe đạp.

Tôi từng đạp xe qua nhiều thắng cảnh của VN, và tự nhủ sao ta không làm được như họ?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận