11/02/2019 09:12 GMT+7

Chuyện cổ tích có thật: Mặt trời lúc nửa đêm

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Mới 13 tuổi, cô bé đã một mình từ Thanh Hóa vào TP.HCM tìm mẹ đang làm ôsin. Lang thang tìm mãi các khu nhà trọ, cuối cùng cô bé thấy chiếc áo mẹ phơi bên tường rào, viết nên một chuyện cổ tích về tình yêu thương, vượt lên nghịch cảnh.

Chuyện cổ tích có thật: Mặt trời lúc nửa đêm - Ảnh 1.

Mẹ con bà Phương quây quần bên nhau ngày tết - Ảnh: My Lăng

"Ông nhà tôi bị tai nạn chết năm 41 tuổi. Lấy nhau gần 10 năm mới có con. Nhưng bé vừa trong bụng mẹ được hai tháng thì ông ấy vĩnh viễn ra đi..." - người đàn bà 69 tuổi, một đời nhọc nhằn vì con, hồi tưởng quá khứ. Bà là Lưu Thị Phương, quê ở xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Còn cô bé Lưu Thị Dung ấy hiện đang là chuyên viên phòng thanh tra và kiểm soát chất lượng Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Central Park (quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Quê mình nhiều người nghèo không hiểu pháp luật, bị o ép, lừa đảo, rất khổ. Mình chọn học luật vì muốn giúp đỡ sự công bằng cho người nghèo, và có gì sẽ bảo vệ mẹ mình.

Thạc sĩ Lưu Thị Dung

Đôi chiếc bóng bên đời

Bố mẹ chồng cũng qua đời trước khi chồng mất. Không còn ai nương tựa, góa phụ trẻ về ở tạm trong nhà tranh bố mẹ đẻ cất cho, ngày ngày đầu tắt mặt tối trên vài sào ruộng kiếm cái ăn. 

Bà làm kiệt sức cho đến lúc đau bụng, đi trạm xá sinh con. Lưu Thị Dung, cô con gái đầu lòng và duy nhất, sinh ra vào một ngày đông giá lạnh đầu năm 1990.

Khi bé lên 3 tuổi thì ông bà ngoại mất! Không còn một ai để nhờ cậy, mỗi lần đi làm ruộng người mẹ lại mang con theo, trải áo mưa cho nằm trên bờ ruộng, đói khóc thì cho bú. 

"Có hôm nó quấy khóc quá, tôi không làm được, bế nó đứng trên bờ ruộng khóc theo. Có bận đúng tháng 12 dịp cấy, trời rất lạnh, lại còn mưa. Tôi cấy một hồi lâu không nghe con khóc, đến xem thì thấy con đã thâm tím! Tôi điên dại quăng cả mạ, ôm con chạy về đốt lửa cho tỉnh lại" - bà Phương kể.

Khi con lẫm chẫm biết đi, bà khóa cửa cho bé trong nhà, đi làm tối mịt mới về. Ở nhà một mình bị đói, bé Dung mở cửa bên hông, sang hàng xóm xin ăn. 

Mẹ về thì con đã nằm ngủ ngay bên bếp. Bé biết trải cái bao dùng để đựng lúa xuống đất ngủ. Không có chăn đắp, bé còn biết nhóm lửa cho ấm rồi ngủ chèo queo bên cạnh bếp như con mèo con. 

"Tôi ám ảnh mãi ngày nó ra đồng lấy hoa súng, bị rơi xuống sông. May hàng xóm nhìn thấy hai tay nó chới với, liền lao ra lôi lên bờ, làm đủ mọi thứ rất lâu nó mới tỉnh lại! Năm ấy nó 4 tuổi. Con mà chết, tôi cũng chết theo" - bà Phương rơi nước mắt nhớ lại.

Sinh ra trong nghèo khó, lại không có bố, không có cả ông bà nội ngoại, cô bé sớm phải làm việc của người lớn. Bé tí, Dung đã biết gánh nước, rồi lên rừng lấy củi. 

Có lần gánh cơm ra đồng cho mẹ, gần đến nơi thì bị ngã, đổ hết cơm canh. Mẹ đánh con xong, lại ôm con khóc. Có ngày nhà hết gạo, mẹ bảo Dung sang nhà dì vay. Mưa gió, vay được một bơ gạo, cô bé ngã, đánh đổ hết dọc đường! Hai mẹ con nhịn đói, ôm nhau.

Một mình vào Nam tìm mẹ

Mẹ con làm quần quật vẫn không đủ ăn. Những bữa cơm ngày này qua ngày khác đều là cơm độn khoai với hai phần khoai một phần cơm ăn cùng rau muống luộc hoặc cà muối. 

"Vậy mà con bé ham học lắm - bà Phương tự hào nói - Cứ ăn xong là nó ngồi vào bàn học. Từ lúc còn mẫu giáo, trời mưa con nít nhiều đứa nghỉ, nó vẫn đội tấm bạt nilông đi học. Sách vở từ lớp 1 đến lớp 6 tôi toàn đi xin. Những trang vở bị rách, nó tự biết lấy cơm dính lại. Lên lớp 7, tôi mới có tiền lần đầu mua sách cũ cho con...".

Kể đến đây, bà Phương lại rưng rưng: "Đó là thời gian tôi ân hận nhất. Khi nó vào lớp 7, tôi để nó ở nhà, vào miền Nam làm ôsin, và chỉ có 350.000 đồng để lại cho nó đong gạo ăn dần nhưng nó không dùng. Nó tự muối cà, trồng rau muống ăn. Nó đi làm thêm kiếm tiền đong gạo, bị bà hàng xóm lợi dụng, cứ bắt bán rau suốt ngày. Hè chuẩn bị lên lớp 8, nó lên xe vào miền Nam tìm tôi...".

Tâm sự làm sao một cô bé thôn quê mới 13 tuổi dám tự một mình vào miền Nam tìm mẹ, Dung xúc động hồi tưởng: 

"Năm ấy chuẩn bị lên lớp 8, mình sợ nghỉ học, phải làm sao để mẹ cho đi học. Biết bác hàng xóm chuẩn bị vào Nam, mình xin đi cùng, nhưng người ta ngại không tìm được mẹ mình lại phải cưu mang ăn uống tốn kém nên nhất định không cho theo. 

2h sáng, mình ngồi ở cột điện đường cái rồi ngủ gật, nghe tiếng xe giật mình tỉnh dậy, đón xe đi. Mình chỉ biết mẹ ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức có nhiều nhà trọ và số điện thoại bàn chủ nhà. Nhưng mình sợ chủ nhà không cho gặp mẹ nên không dám gọi hỏi địa chỉ, cứ bảo chú xe ôm chạy tìm ở khu vực nào có nhiều nhà trọ. 

Tìm mãi không thấy, mình liều nhờ chú xe ôm gọi vào số điện thoại chủ nhà. Hai chú cháu chạy đi chạy lại theo địa chỉ chủ nhà cho. Chạy đến lần thứ ba thì sập tối và chợt nhìn thấy quần áo mẹ phơi ở hàng rào một ngôi nhà hai tầng".

Bà Phương gạt nước mắt tâm sự thêm hai mẹ con cứ ôm nhau khóc. Bà để lại ít tiền mà con không tiêu đồng nào. Cô bé bảo con mà ăn hết thì tiền đâu tìm mẹ. Gạt nước mắt, bà quyết định trở về quê nhà, mẹ con rau cháo có nhau.

Và mặt trời đã mọc

Cố gắng vượt qua khốn cùng, Dung thi đậu Đại học Luật Hà Nội. Chuẩn bị nhập học cho con, bà Phương bán sạch 3 tạ lúa. 

"Trong túi tôi chỉ có 1 triệu đồng mà thuê nhà đã hết 600.000 rồi. Một ngày nó ăn có một gói mì, bẻ làm đôi chia thành hai bữa. Rồi nó bị ngất ở chân cầu thang vì đói quá. Ra Hà Nội có ba bộ quần áo thì ở ký túc xá bị trộm mất hai bộ! Nó khóc sưng mắt. Hiệu trưởng biết chuyện, mua quần áo cho" - bà Phương kể chuyện.

Mẹ xin làm giúp việc cho một gia đình ở Hà Nội. Dung thì vừa nhập học đã đi dạy thêm, rồi lau nhà theo giờ, cứ 4 giờ được 60.000 đồng. Có lần chủ nhà đứng từ trên tầng 5 quăng giẻ vào mặt, cô tủi thân, khóc xin nghỉ. Thầy cô thương, tạo điều kiện cho Dung có thu nhập bằng việc dọn thư viện và văn phòng trường vào sáng chủ nhật hằng tuần.

Đến năm thứ hai, Dung được học bổng, rồi thêm suất học bổng đi Nga nhưng mẹ không cho đi vì sợ mất con. Năm 2013, Dung tốt nghiệp đại học, vào Sài Gòn làm việc. 

"Hồi còn nhỏ mình hay bị ám ảnh bởi cái đói. Vay một tạ thóc thì thành 2-3 tạ. Năm nào đến mùa lúa chín, mình cũng nhìn thấy cảnh lúa gặt về mới phơi ở sân, người ta đã đến xúc hết! Cứ thế mà nghèo mãi. Còn nhỏ đói ăn, nhiều lúc nghĩ chỉ muốn học giỏi để đi làm, có tiền để được ăn các món cho thật đã. Tháng lương đầu tiên, mẹ con mình ăn rất nhiều thịt nướng, món mà mình rất thích từ bé nhưng chưa bao giờ được ăn. Hôm đó mình ăn nhiều đến nỗi ăn như vì... sắp chết đói vậy", cô chuyên viên trẻ bật cười.

Cuộc sống hai mẹ con côi cút, khốn cùng đã sang trang mới. Không còn đói nghèo và buồn tủi. Đi làm đến năm thứ ba, Dung đã dành dụm tiền gửi về phụ mẹ xây lại căn nhà dột nát bao năm. Ánh sáng vui tươi đã bừng trên chốn tăm tối thuở nào...

Con sợ không có mẹ

mt1

Bà Phương vẫn đi giúp việc nhà để chia sẻ với con gái - Ảnh: My Lăng

Nhớ năm tháng tuổi thơ khốn cùng, Dung tâm sự: "Nỗi sợ lớn nhất khi mình còn nhỏ là ở nhà không có mẹ. Thời gian mình ở với mẹ rất ít. Cấp II thì mẹ đi miền Nam làm ôsin cả năm mới về.

Lúc mình bé, mẹ cứ khóa cửa, mình ở trong nhà tự ăn, tự chơi, tự ngủ. Gần 4h sáng, mẹ đã dậy làm rồi đi chợ.

Trong nhà không có đèn đóm, tối om. Có hôm, hơn 4h sáng, mẹ gánh rau đi bộ xuống chợ, mình lén lon ton theo sau nhưng không dám đi gần, cũng không dám nói gì vì sợ mẹ không cho đi cùng.

Rồi mình bị lạc mất. May là có người thấy đứa bé đứng khóc, thông báo trên loa làng. Mẹ con tìm được nhau, cứ ôm chặt mà khóc".

Mẹ bỏ con, nhưng con vẫn mong tìm được mẹ Mẹ bỏ con, nhưng con vẫn mong tìm được mẹ

TTO - Bùi Thị Mỹ Hạnh, 38 tuổi, đã làm nhiều cách, đi nhiều nơi, gặp nhiều người nhưng vẫn chưa tìm được mẹ đẻ. Hạnh đau đáu mong tìm được mẹ. Ai có thể biết câu chuyện năm ấy, xin nói lại với Hạnh...

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên