Bảo vệ "chim quyền" vì cuộc sống con người

HUY THỌ 13/05/2024 09:36 GMT+7

TTCT - "Không ít người cứ nghĩ đến con số cả trăm tỉ đồng bỏ ra và có ý "người dân còn nghèo mà cứ đi bỏ tiền lo cho chim". Thật ra, chúng tôi bảo vệ "chim quyền" là chính vì cuộc sống của con người".

Rất nhiều birders trên thế giới tìm đến Việt Nam để xem loài gà tiền mặt đỏ này (Germain's Peacock Pheasant). Trước đây nó được xác định là loài đặc hữu, chỉ phân bố ở vùng Đông Nam Bộ (ghi nhận ở VQG Cát Tiên và VQG Bù Gia Mập), sau này có thêm ghi nhận ở Campuchia khu vực gần biên giới với tình Bình Phước nên được xem là loài

Rất nhiều birders trên thế giới tìm đến Việt Nam để xem loài gà tiền mặt đỏ này (Germain's Peacock Pheasant). Trước đây nó được xác định là loài đặc hữu, chỉ phân bố ở vùng Đông Nam Bộ (ghi nhận ở VQG Cát Tiên và VQG Bù Gia Mập), sau này có thêm ghi nhận ở Campuchia khu vực gần biên giới với tình Bình Phước nên được xem là loài "gần đặc hữu". Dù vậy chỉ có ở Cát Tiên là nơi dễ gặp nhất. Ảnh: NGUYỄN HOÀI BẢO

Chuyên gia điểu học Nguyễn Hoài Bảo, sinh ra ở Quảng Trị, học ngành sinh thái tại ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ra trường, sau vài năm lăn lộn trong lĩnh vực nông nghiệp và... thất bại khi nuôi trùn quế, anh hỏi mượn vợ 4 triệu đồng, cùng vài bạn học thành lập Wildtour - đơn vị đầu tiên tại VN khai thác lĩnh vực du lịch thiên nhiên hoang dã - năm 2005.

"Chỉ hai năm thôi, công ty bay sạch vốn" - Nguyễn Hoài Bảo nhớ lại những ngày đầu gian khó - "Tôi về nhà xin bố mẹ cho mượn cái sổ đỏ đất nông nghiệp ở Quảng Trị đi thế chấp ngân hàng được 50 triệu đồng để tiếp tục nuôi Wildtour. Thật là may mắn, Wildtour đã tồn tại đến hôm nay" (cười).

Sau 19 năm, khi nhìn lại, anh đánh giá gì về "đứa con của mình" từ giá trị kinh tế đến giá trị bảo tồn?

Lúc đầu, tôi không nghĩ nó tồn tại và phát triển như bây giờ. Gần 20 năm trước, lúc khởi nghiệp tôi chỉ suy nghĩ đơn giản là làm gì để "sống được" với ngành bảo tồn và nghiên cứu khoa học cơ bản. 

Sau vài năm rong ruổi với các cánh rừng ở Đông Nam Á (2000-2005) và gặp gỡ những người nước ngoài, tôi nhận thấy tiềm năng và cơ hội để phát triển một chuyên ngành hoàn toàn mới ở Việt Nam là du lịch xem chim. 

Thời đó các nước ở vùng nhiệt đới ở Nam Trung Mỹ như Peru, Costa Rica, Panama, ở Đông Nam Á thì Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã khai thác và phát triển mạnh mẽ lĩnh vực du lịch này.

Đánh giá về "đứa con của mình", tôi rất tự hào về nó. Wildtour đem lại cho tôi rất nhiều thứ. Ngoài lợi ích kinh tế mà tôi có được như ngày hôm nay, Wildtour đã đóng góp không nhỏ vào các hoạt động bảo tồn và nghiên cứu khoa học cũng như đào tạo nhiều thế hệ nhân lực cho ngành du lịch sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. 

Hoạt động kinh doanh lữ hành về xem chim cũng là cơ hội cho tôi đi lại nhiều nơi để nghiên cứu khoa học, nhờ đó đóng góp vào các công bố/xuất bản quốc tế trên các tạp chí uy tín ISI, Scopus.

Khi nói đến dự án bảo tồn sếu đầu đỏ ở Tràm Chim Tam Nông, không ít người cứ nghĩ đến con số cả trăm tỉ đồng bỏ ra và có ý "người dân còn nghèo mà cứ đi bỏ tiền lo cho chim". Thật ra, chúng tôi bảo vệ "chim quyền" là chính vì cuộc sống của con người. Chim hoang dã nói chung và đặc biệt sếu đầu đỏ nói riêng (một loài rất nhạy cảm với môi trường) hiện diện càng nhiều thì chứng tỏ vùng đất đó an toàn, trong lành. Đó là một điều rất quan trọng với nông nghiệp VN hiện nay.

(Nguyễn Hoài Bảo)

Hiện nay đã có gần 10 công ty tham gia lĩnh vực này, anh có nghĩ là VN đã có một thị trường thật sự?

- Sự phát triển lĩnh vực du lịch xem chim vẫn còn quá nhỏ và chậm so với tiềm năng vốn có, tuy vậy những người trước đây làm việc cùng Wildtour hoặc do chúng tôi tập huấn và đào tạo đã trưởng thành, đủ khả năng để "ra riêng", nhờ đó đã tạo ra một thị trường đúng nghĩa. Đây là giai đoạn để phát triển, có cạnh tranh, có phân khúc thị trường và nếu cùng nhau quảng bá sẽ giúp ngành này lớn mạnh hơn.

Các tour của Wildtour quảng bá hướng đến khách quốc tế. Tỉ lệ du khách Việt đăng ký là bao nhiêu?

Để kinh doanh kiếm lợi nhuận trong loại hình du lịch này, các công ty phải hướng đến thị trường khách quốc tế vì đó là thị trường rộng lớn gấp nhiều lần thị trường nội địa. 

Ở Mỹ ước tính có khoảng 96 triệu người là birder (những người thường xuyên quan sát, cho ăn hoặc chụp ảnh các loài chim, thăm các công viên công cộng để ngắm chim; trồng và bảo vệ các khu vực tự nhiên xung quanh nhà vì lợi ích của các loài chim), tức là 35% dân số cả nước từ 16 tuổi trở lên, theo số liệu thống kê năm 2022 của Cục Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ (The United States Fish and Wildlife Service - FWS). Ở Anh khoảng 9% toàn dân số, Canada và các nước châu Âu như Thụy Điển, Hà Lan, Đức... có khoảng 5-7% dân số là birder (số liệu thống kê dựa trên thị trường bán ống nhòm xem chim).

Vì thế chúng tôi chưa thể phát triển thị trường khách trong nước, thậm chí phải bỏ kinh phí để khuyến khích thêm nhiều người quan tâm đến với thiên nhiên, từ đó mong họ trân trọng và bảo vệ môi trường nói chung và các loài chim hoang dã nói riêng. 

Thỉnh thoảng chúng tôi tổ chức các chuyến đi trong nước và nước ngoài cho các anh chị em CLB Nhiếp ảnh thiên nhiên hoang dã (VWPC) để tìm hiểu, giao lưu học hỏi, giới thiệu quảng bá hình ảnh thiên nhiên Việt Nam. Các chuyến đi như vậy thường là miễn phí hoặc phi lợi nhuận.

Nguyễn Hoài Bảo (bìa trái) dẫn khách nước ngoài đi tour ở Việt Nam. Ảnh: NVCC

Nguyễn Hoài Bảo (bìa trái) dẫn khách nước ngoài đi tour ở Việt Nam. Ảnh: NVCC

Trong lời tự giới thiệu, Wildtour nói rằng công ty là đối tác của nhiều đơn vị quốc tế danh tiếng, ông có thể cho biết rõ hơn về sự kết nối này?

Hầu hết các công ty du lịch xem chim danh tiếng trên thế giới từ Nam Phi, Anh, Mỹ, Canada... đều là đối tác liên kết của Wildtour. Họ tổ chức tour xem chim toàn cầu từ Bắc Cực đến Nam Cực. Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến quan trọng của họ. 

Liên kết là cách tốt nhất để quảng bá, họ tìm kiếm khách hàng, quản lý rủi ro còn chúng tôi tổ chức các dịch vụ trong nước một cách chuyên nghiệp. HDV chúng tôi đều có thẻ hướng dẫn du lịch quốc tế, có chuyên môn sâu về sinh thái học.

Wildtour hiện là công ty duy nhất ở Đông Nam Á kinh doanh du lịch xem chim được cấp phép đầy đủ (Giấy phép inbound và outbound do Tổng cục Du lịch cấp), do vậy các đối tác còn liên kết để tổ chức tour đến các nước lân cận như Campuchia, Trung Quốc, West Papua (Indonesia). 

Sắp tới chúng tôi sẽ mở chi nhánh ở Úc để tiếp cận thị trường đầy tiềm năng ở đây, đồng thời đưa khách Việt Nam và châu Á đến quan sát và tìm hiểu hệ động vật rất đặc trưng của châu Úc.

Tôi xem một số tour ngắm và chụp chim ở nước ngoài, ví dụ Papua New Guinea có giá khá cao, đến đến 7.000 USD/chuyến 12 ngày. Có vẻ như tour ở VN rẻ hơn?

Du lịch nói chung và du lịch xem chim nói riêng, khi đến đất nước càng kém phát triển thì chi phí càng đắt đỏ. Để đi xem chim ở các nước như Papua New Guinea, Madagasca... thì giá trung bình cho 2 tuần khoảng 7.000-10.000 USD (chưa gồm vé máy bay) trong khi đến Việt Nam thì giá chỉ khoảng ½ (tour dài ngày nhất của Wildtor là 28 ngày, có giá khoảng 6.000 USD). 

Thế nhưng chi phí ở Việt Nam vẫn còn quá cao so với Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Campuchia, Philippines... vì chi phí vé máy bay nội địa, xe vận chuyển và đầu tư cho đào tạo nhân lực, quảng bá của doanh nghiệp kinh doanh du lịch xem chim là quá lớn, chủ yếu là doanh nghiệp phải tự bơi. 

Vì vậy, thị trường du lịch xem chim của Việt Nam chỉ bằng khoảng 5% so với Thái Lan, Malaysia.

Cuộc thi chụp ảnh chim quốc tế đầu tiên ở VN

Trong ba ngày 10 đến 12-5, Wildtour tổ chức cuộc thi ảnh chim quốc tế đầu tiên tại Tràm Chim, ông kỳ vọng gì ở cuộc thi này? Nó liên quan gì đến dự án phục hồi sếu đầu đỏ mà ông đang làm cho tỉnh Đồng Tháp?

Xem chim và chụp ảnh chim hoang dã (gọi tắt là birding) cũng được xem là du lịch thể thao. Nhiều nước đã có lịch sử tổ chức các cuộc thi xem chim từ rất lâu với nhiều cách gọi khác nhau (birdwalk/birdathon ở Mỹ, birdfair ở Anh, birdrace ở châu Á).

Ở Mỹ có các cuộc thi cấp tiểu bang đến toàn quốc được tổ chức hằng năm trong hơn 20 năm qua. Ở Anh có The British Birdwatching Fair từ năm 1989. Ở Malaysia có Fraser's Hill International Bird Race năm nay kỷ niệm 35 tuổi do Bộ Du lịch tổ chức.

Vietnam Birdrace 2024 là hội thi chụp ảnh chim quốc tế lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, thu hút nhiều nhiếp ảnh gia trong nước lẫn quốc tế. Sự kiện này nhằm chào mừng Ngày chim di cư thế giới (WMBD, 11-5) đồng thời giúp truyền thông về các hoạt động bảo tồn chim hoang dã mà Chính phủ đang rất quan tâm.

Sau lần này, chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với VWPC (CLB Nhiếp ảnh thiên nhiên hoang dã) tổ chức hằng năm tại các VQG/KBT khác như VQG Cát Tiên, Bidoup, Cúc Phương... để quảng bá du lịch thiên nhiên.

Về cuộc thi lần này, VQG Tràm Chim được chọn tổ chức lần đầu tiên vì đây là điểm quan trọng của chim di cư (flyway network site) do Tổ chức mạng lưới chim di cư Đông Á - Úc (East Asia - Australia Flyway Partnership, EAAFP) công nhận (duy nhất ở Việt Nam cho đến nay).

Đây cũng là dịp truyền thông tới công chúng về mục đích và ý nghĩa của Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại VQG Tràm Chim của UBND tỉnh Đồng Tháp với mục tiêu tổng thể là lấy sếu làm ngọn cờ đầu trong việc phục hồi đa dạng sinh học vùng Đồng Tháp Mười.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận