09/05/2024 12:55 GMT+7

11 tuyến đường nào ở quận 1 thí điểm 'cho thuê' vỉa hè làm điểm kinh doanh?

UBND quận 1 (TP.HCM) vừa tổ chức thí điểm sử dụng một phần vỉa hè của 11 tuyến đường làm điểm kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa.

Các lãnh đạo và đại biểu kích hoạt phần mềm “Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời hè phố quận 1" - Ảnh: T.T.D.

Các lãnh đạo và đại biểu kích hoạt phần mềm “Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời hè phố quận 1" - Ảnh: T.T.D.

Sáng 9-5, UBND quận 1 tổ chức hội nghị thí điểm 11 tuyến đường đủ điều kiện làm điểm kinh doanh, mua bán hàng hóa trên địa bàn và ra mắt phần mềm “Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời một phần hè phố quận 1”.

Ông Nguyễn Thành Phát - trưởng Phòng quản lý đô thị quận - cho biết việc triển khai thí điểm 11 tuyến đường đủ điều kiện cho thuê một phần vỉa hè làm điểm kinh doanh, mua bán hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hè phố theo hướng công khai, minh bạch, ứng dụng chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Trên cơ sở triển khai thí điểm, quận sẽ tổ chức đánh giá để hoàn thành ứng dụng, sau đó triển khai trên toàn quận.

Vỉa hè trên đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1 được bố trí phần cho để xe máy, phần người đi bộ và phần sử dụng tạm cho hộ kinh doanh - Ảnh: T.T.D.

Vỉa hè trên đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1 được bố trí phần cho để xe máy, phần người đi bộ và phần sử dụng tạm cho hộ kinh doanh - Ảnh: T.T.D.

Với 11 tuyến thí điểm, người dân sẽ thực hiện việc đăng ký sử dụng thông qua phần mềm “Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời hè phố quận 1", giúp người dân có thể tra cứu nhanh chóng chức năng hè phố tại vị trí số nhà cụ thể trên địa bàn quận, thông qua bản đồ số đã được số hóa.

Việc triển khai ứng dụng sẽ thu phí trực tiếp nộp vào ngân sách nhà nước, ưu tiên không dùng tiền mặt.

Ông Trần Huy Hoàng - chủ cơ sở kinh doanh trên đường Hải Triều, quận 1 - cho biết rất vui và phấn khởi khi có ứng dụng phục vụ người dân, giúp tiết kiệm thời gian.

“Việc cung cấp trực tuyến sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người dân, hộ kinh doanh tra cứu dễ dàng thông tin, chức năng hè phố, tại vị trí địa điểm cụ thể. Qua đó, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh có ý thức trách nhiệm, đảm bảo sử dụng hè phố đúng chức năng. Từ đó đảm bảo trật tự mỹ quan đô thị”, ông Hoàng nói.

Chị Thanh Tuyền, chủ quán nước trên đường Lê Anh Xuân, quận 1, được cán bộ Phòng quản lý đô thị hướng dẫn cài đặt phần mềm tra cứu và đăng ký sử dụng tạm một phần hè phố quận 1 - Ảnh: T.T.D.

Chị Thanh Tuyền, chủ quán nước trên đường Lê Anh Xuân, quận 1, được cán bộ Phòng quản lý đô thị hướng dẫn cài đặt phần mềm tra cứu và đăng ký sử dụng tạm một phần hè phố quận 1 - Ảnh: T.T.D.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh nhấn mạnh việc quản lý và sử dụng một phần vỉa hè trên địa bàn cần phải chấn chỉnh hơn nữa và thực hiện nghiêm, đảm bảo hè phố tối thiểu 1,5m (không tính phần bó vỉa) dành cho người đi bộ và không lấn chiếm lòng đường dẫn đến tai nạn giao thông.

Đặc biệt trong thời gian tới, việc thí điểm 11 tuyến đường này sẽ được quản lý theo danh mục đã ban hành, do đó rất cần sự ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân và tăng cường quản lý của các cơ quan, đơn vị.

Ông Thanh đề nghị UBND 10 phường giới thiệu rộng rãi, hướng dẫn đến người dân, hộ kinh doanh trên địa bàn quận về phần mềm “Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời hè phố”, giúp người dân có thể tra cứu và đăng ký sử dụng, tạo sự thuận tiện, giảm chi phí và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của dữ liệu.

Chị Lê Thị Khuyên (bên trái) chuẩn bị đăng ký sử dụng vỉa hè để bán nước giải khát trên đường Hải Triều, phường Bến Nghé, quận 1 - Ảnh: T.T.D.

Chị Lê Thị Khuyên (bên trái) chuẩn bị đăng ký sử dụng vỉa hè để bán nước giải khát trên đường Hải Triều, phường Bến Nghé, quận 1 - Ảnh: T.T.D.

Việc thí điểm trên được UBND quận 1 triển khai theo quyết định 32 của UBND TP quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn, có hiệu lực từ ngày 1-9-2023.

Theo quyết định 32, các trường hợp được sử dụng một phần lòng đường, hè phố và đóng tiền, gồm: tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm giữ ô tô phục vụ hoạt động văn hóa; điểm kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; giữ xe có thu tiền dịch vụ...

Vỉa hè thuộc diện cho sử dụng một phần phải rộng ít nhất 3m, trong đó 1,5m dành cho người đi bộ. Mức phí được thành phố áp dụng dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, ở nội thành sẽ cao hơn ngoại ô.

11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua bán hàng hóa trên địa bàn quận 1 gồm: đường Hoàng Sa (phường Tân Định), đường Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao), đường Hải Triều và đường Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé), đường Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh (phường Bến Thành), đường Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình), đường Trần Hưng Đạo (phường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho), đường Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh), đường Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang).

Bài toán vỉa hè TP.HCM: Giải càng chậm càng rốiBài toán vỉa hè TP.HCM: Giải càng chậm càng rối

Nhiều tuyến đường ở TP.HCM đã được ngành chức năng dự kiến thu phí vỉa hè, nhưng thực tế tiến độ triển khai vẫn chưa được như kỳ vọng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên