​Nuôi đẻ chim trời

ĐỨC VỊNH 29/10/2014 07:10 GMT+7

TTCT - Trước đây, le le thường được săn bắt và đem về nuôi để bán thịt. Nhưng nay ở miền Tây người dân đã nuôi đẻ thành công le le để chủ động nguồn và cung cấp con giống.

Ông Salés theo dõi, chăm sóc từng con le le sinh sản - Ảnh: Đức Vịnh
Ông Salés theo dõi, chăm sóc từng con le le sinh sản - Ảnh: Đức Vịnh

Cách làm này vừa thu được lợi nhuận cao, vừa gián tiếp bảo tồn loài chim trời nay đã khan hiếm do nạn săn bắt.

Đến làng Chăm ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành (An Giang) hỏi thăm chuyện nuôi chim trời, nhiều người nhiệt tình chỉ đường, dẫn ngay đến tận nhà ông Salés. 

Khá lên nhờ le le

Phía sau nhà ông Salés là khoảng đất rộng trồng nhiều cây, xung quanh được xây tường cao kín mít, ở giữa có mấy cái ao nhỏ thả đầy bèo, lục bình. Phải nhìn kỹ mới thấy đàn le le đang mải mê rúc mỏ trong đó kiếm ăn.

Nghe tiếng động từ người lạ đi vào, chúng liền lặn xuống nước, lủi vào trong lùm ẩn nấp. Nhưng khi ông Salés bưng thau lúa thảy cho ăn, lần lượt từng con ùa đến rồi trở nên dạn dĩ, trông chúng không khác gì mấy với bầy vịt con.

“Tui vừa xuất bán hai đợt 800 con, giá sỉ mỗi con 580.000 đồng. Trước kia những lúc bên Trung Quốc, Đài Loan ăn hàng mạnh thì giá còn cao hơn nữa” - ông Salés vui vẻ nói.

Dân làng kể chàng trai Salés ngày xưa chuyên đi buôn vải. Hơn chục năm trước do nhiều mối nợ mua hàng không trả tiền cùng với việc mua bán ngày càng ế ẩm, Salés dần cạn sạch vốn liếng đành phải bỏ nghề, gánh nặng gia đình đều nhờ người vợ tần tảo lo toan.

Trong cảnh thất nghiệp, ray rứt bởi khoản nợ hàng trăm triệu đồng không thể đòi được, người đàn ông chân chất ấy buồn lắm mà không biết làm gì, ngày ngày thường tha thẩn ở khoảnh đất vườn tạp sau nhà có diện tích chưa tới 1 công đất do cha mẹ để lại làm gia sản.

Thuở ấy, ngoài tự nhiên còn nhiều le le. Những lần thơ thẩn trên đồng ruộng săn bắt được mấy chục con, ông Salés đều đem về nuôi làm cảnh để thư giãn cho vơi nỗi buồn.

Những năm sau đó, thấy người ta hay đi săn le le đem bán cho bạn hàng mỗi con được tới vài trăm ngàn đồng, ông chợt nảy ý tưởng nuôi loài vịt trời này. Nhiều người cười bảo do bị giật khoản tiền lớn nên ông Salés đâm ra tưng tửng, vì vậy mới tính chuyện... nuôi chim trời.

“Riêng ổng thì rất tự tin, bởi sau thời gian nuôi le le để khuây khỏa nên ổng hiểu nhiều về tập quán sống của chúng và biết cách nuôi sao cho hiệu quả” - bà Sariá, vợ ông Salés, kể.

Trên mảnh đất sau nhà, ông Salés đào ao cho thả đầy lục bình, rau muống, trên bờ trồng cỏ tạo môi trường gần như ở chốn hoang dã, xung quanh dùng lưới bao kín lại.

Hồi đó cứ sau mùa sinh sản, những chú le le nhỏ mới sinh ra thường theo bầy kiếm ăn khắp các cánh đồng dọc biên giới Tây Nam. Ông tự đi săn bắt, rồi đặt hàng những người chuyên đặt bẫy bắt le le đem bán cho mình. 

Le le được cắt bớt lông cánh để không thể bay cao rồi thả nuôi trong ao nhà. Chúng hòa nhập với đàn cũ khá nhanh, tự do bơi lội dưới ao kiếm rong rêu, đọt lục bình non để ăn, hằng ngày ông Salés chỉ cho ăn giặm thêm lúa. Cứ vào mùa thu hoạch lúa, ông thường đi mót lúa, tìm mua loại lúa kém phẩm chất làm thức ăn cho le le để giảm chi phí.

“Le le vốn sống ngoài thiên nhiên có sức đề kháng tốt nên luôn khỏe mạnh, từ hồi nào tới giờ chưa hề thấy bị bệnh gì. Chỉ thỉnh thoảng phải bơm thêm nước ngoài kênh vào thay nước trong ao cho sạch sẽ hơn” - ông Salés cho biết.

Qua từng năm, nhờ bổ sung con giống và cho sinh sản được nên đến đầu năm nay, tổng đàn le le của ông đã hơn 1.000 con. Với giá thị trường 600.000 đồng/con, ông Salés có trong tay một tài sản khá lớn.

Điểm nuôi của ông có đăng ký, được ngành kiểm lâm cấp giấy chứng nhận hẳn hoi, nhiều thương lái thường tìm đến đây mua le le thịt để cung ứng cho các quán ăn, nhà hàng trong nước và bán qua Trung Quốc, Đài Loan.

“Nhờ nuôi nó mà khá lên. Cũng do bận rộn với đàn le le mà vợ chồng tôi sớm nguôi ngoai chuyện làm ăn thất bại trước đây. Giờ thì vui lắm rồi” - bà Sariá hồ hởi nói.

Bầy le le nuôi ở trang trại của ông Lê Văn Lắm (P.Vĩnh Quang, TP Rạch Giá, Kiên Giang) cũng có nguồn gốc từ điểm nuôi của ông Salés - Ảnh: Đức Vịnh
Bầy le le nuôi ở trang trại của ông Lê Văn Lắm (P.Vĩnh Quang, TP Rạch Giá, Kiên Giang) cũng có nguồn gốc từ điểm nuôi của ông Salés - Ảnh: Đức Vịnh

Cho sinh sản để bảo tồn

Xưa nay trong dân gian có câu “Thương chồng nấu cháo le le. Nấu canh bông lý, nấu chè hạt sen”, xuất phát từ thịt le le ngon, bổ dưỡng, giúp người bệnh mau phục hồi sức khỏe, đặc biệt là tăng cường sinh lực cho cánh đàn ông.

Tại nhiều nhà hàng, le le được chế biến thành nhiều món “độc” cho giới sành ăn có tiền. Những năm qua, thương lái thường lùng mua le le với giá cao, từ đó người ta đổ xô đi săn bắt khiến le le tự nhiên dần trở nên khan hiếm. 

Ông Salés kể trước kia le le trong tự nhiên còn nhiều, dân đi săn bắt đem về bán mỗi con nhỏ bằng nắm tay cũng từ 150.000 đồng nên ông đã tính chuyện nhân giống để nuôi. Hằng năm vào khoảng tháng 7-8, những con đến tuổi sinh sản cặp kè với nhau. Ông đeo khoen có đặc điểm và màu sắc riêng cho từng cặp, rồi tạo sẵn ổ cho chúng đẻ và ấp trứng.

“Gần gũi với nó, mình mới biết phải tách riêng từng cặp ra cho ở riêng, còn cứ để nhập chung với đàn thì le le không đẻ, không ấp trứng. Bí quyết cho le le đẻ là chỗ đó” - ông Salés giải thích.

Mỗi le le cái trưởng thành cứ 3-4 tháng đẻ một lần, trung bình 8-15 trứng mỗi lần, sau khi nở qua bảy tháng nuôi le le con có thể đạt trọng lượng 300-400g. 

Ông Nguyễn Ly Khoăn, phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hanh, cho biết với giá thị trường khá ổn định từ 600.000 đồng/con, một số hộ đã tìm cách nuôi le le. Bà con từ nhiều nơi thường tìm đến mua con giống, nhưng hiện nay điểm nuôi của ông Salés không đủ đáp ứng. 

Trước nhu cầu đó, vợ chồng ông Salés quyết định xuất bán hai đợt lấy vốn đầu tư để chuyển qua hình thức nuôi cho le le sinh sản, hơn 200 con le le còn lại được nuôi dành sản xuất con giống.

Xung quanh khu đất nuôi ngày nào hiện không còn rào lưới mà cho xây tường cao kiên cố, ở giữa cho làm những hồ nước nhỏ, trên bờ lát gạch sạch sẽ, trồng cây trái tạo bóng mát và cất nhiều ô chuồng cho le le trú ngụ. Ông cũng đang tính đầu tư máy ấp trứng để có đủ lượng con giống bán đại trà.

“Thấy người ta săn bắt nhiều, le le trong tự nhiên vắng bóng hẳn nên mình cố gắng tạo ra thật nhiều con giống cho bà con nuôi để khấm khá lên. Khi càng có nhiều người nuôi thì cũng góp phần lưu giữ, bảo tồn loài chim hoang dã này” - ông Salés chân chất chia sẻ.

Ông Trần Phú Hòa, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang, cho biết trong quá trình nuôi, ông Salés chứng minh được việc nuôi cho sinh sản nên đây là cơ sở nuôi le le duy nhất trên địa bàn tỉnh, cũng như ở đồng bằng sông Cửu Long, được ngành kiểm lâm cấp giấy chứng nhận, cho phép mua bán, vận chuyển.

Người dân mua con giống đều được vợ chồng ông Sales nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi cũng như cách cho le le sinh sản rất cặn kẽ. Cuối năm ngoái, ông Lê Văn Lắm (phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá, Kiên Giang) tìm tới đây mua mấy chục con giống rồi cải tạo cái ao cá 1.500m2 trong trang trại của mình để nuôi, đến nay le le đã đẻ và đang ấp trứng.

Tương tự, hộ Nguyễn Văn Lèo (Tri Tôn, An Giang) nay cũng có đàn le le cả trăm con. “Nuôi le le đơn giản, dễ như nuôi gà vịt, còn nuôi cho sinh sản đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật, tập quán thì chúng mới đẻ” - ông Năm Lèo nhận xét. 

Khuyến khích nuôi với con giống sinh sản được

Le le vốn là loài chim hoang dã. Gần đây diện tích rừng bị thu hẹp, đất hoang đều đã khai phá để canh tác, do sinh cảnh mất dần cộng với nạn săn bắt bừa bãi khiến loài chim trời này khan hiếm trong tự nhiên.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, le le tự nhiên hầu như chỉ còn thấy ở rừng Trà Sư nhờ công tác bảo vệ bảo tồn được thực hiện nghiêm ngặt, nhưng chúng cũng chỉ xuất hiện theo mùa di trú. 

Le le thịt có giá bán cao. Nuôi le le, nhất là nuôi cho sinh sản, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường vừa góp phần phát triển nhân rộng một nghề nuôi mới cho thu nhập khá, đồng thời hạn chế được việc săn bắt tự nhiên, góp phần bảo tồn chúng. Tuy nhiên, chỉ khuyến khích nuôi với con giống có nguồn gốc từ các cơ sở cho le le sinh sản. 

Ông TRẦN PHÚ HÒA 
(chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang) 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận