21/11/2020 14:00 GMT+7

Yêu nghề dạy học - Kỳ 5: Chọn sư phạm, không lăn tăn

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ
HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ

TTO - Câu nói "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" đã không còn đúng với nhiều bạn trẻ hiện nay khi đặt bút chọn sư phạm là nguyện vọng đầu tiên và duy nhất trong khi có nhiều cơ hội vào học các trường danh tiếng khác.

Yêu nghề dạy học - Kỳ 5: Chọn sư phạm, không lăn tăn - Ảnh 1.

Trần Quang Độ muốn trở thành thầy giáo từ năm... lớp 4 - Ảnh: VĨNH HÀ

Từ bỏ "cơ hội vàng" để học sư phạm

Ba năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM (niên khóa 2014-2017), học hết lớp 12, Lý Trần A Khương đăng ký dự tuyển vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM theo định hướng của gia đình. 

"Lúc đầu tôi nghĩ học như vậy cho ba mẹ vui, vả lại đó cũng là hướng đi tốt" - Khương tâm sự. Tuy nhiên, sau khi biết kết quả thi THPT quốc gia và biết chắc sẽ đậu vào ĐH Bách khoa thì Khương lại xin chuyển nguyện vọng dự tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Quá bất ngờ và sửng sốt, gia đình Khương phân tích những thiệt hơn, kể cả thực tại mà không ai có thể chối cãi: nghề giáo nghèo, vất vả. Chàng trai 18 tuổi năm ấy có phần lung lay với những dự đoán tương lai thông qua giải thích của gia đình. Nhưng cuối cùng cậu vẫn giữ nguyên ý định trở thành thầy giáo.

Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng tuyển được cả một team những sinh viên là học sinh đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, thủ khoa các khối C, D. Dương Quỳnh Châu, Vũ Thu Ngân, Trần Quang Độ là những sinh viên khóa 70, vừa bước chân vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay. 

Cả ba em đều trúng tuyển hoặc có tên trong danh sách tuyển thẳng vào các trường danh tiếng như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, ĐH Quốc gia Hà Nội... nhưng các em đã chọn sư phạm.

Quỳnh Châu từng là học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) với ước mơ làm cô giáo bắt đầu từ khi học lớp 7. Còn Quang Độ thì muốn làm thầy giáo từ khi học... lớp 4. Những ước mơ tưởng như chóng tàn khi nhen nhóm từ lúc còn non nớt, nhưng lại bền bỉ đeo bám và khiến các em không lăn tăn khi đặt bút chọn trường sư phạm.

Vũ Thu Ngân từng đăng ký ngành báo chí, Hàn Quốc học và sư phạm. Em giải thích vì thấy "nhà báo cũng hay hay", còn đăng ký ngành Hàn Quốc học vì... mê phim Hàn Quốc. Nhưng cuối cùng, mặc dù là thủ khoa khối D năm 2020, có cơ hội vào học nhiều trường khác, Ngân vẫn chọn sư phạm. 

Quỳnh Châu và Quang Độ là 2 trong 11 học sinh được Trường ĐH Y Hà Nội gọi tuyển thẳng. Ngôi trường là mơ ước của cả triệu bạn trẻ, nhưng lại không hấp dẫn được các em.

Tương tự, Đậu Vĩnh Phương Uyên, cô sinh viên văn khoa năm thứ 4 Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, là thủ khoa khối D, cũng kể từng đăng ký ba ngành khác nhau của Trường ĐH Ngoại thương. Trong suy nghĩ của Uyên khi đó, Trường ĐH Ngoại thương danh tiếng lẫy lừng, sinh viên ngoại thương năng động và hẳn là kiếm được nhiều tiền. 

Uyên cũng hơi ám ảnh vì câu ví von "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm", học sư phạm, làm giáo viên hẳn nghèo hơn học ngoại thương, giỏi làm kinh tế. Nhưng cuối cùng thì Uyên cũng chọn sư phạm. "Chọn cái nghèo", nhưng theo Uyên, bạn nhìn thấy những giá trị đẹp đẽ và quý giá hơn cả tiền khi bước chân vào nghề dạy học.

Yêu nghề dạy học - Kỳ 5: Chọn sư phạm, không lăn tăn - Ảnh 2.

Phương Uyên khẳng định lựa chọn của mình vào sư phạm là đúng đắn - Ảnh: MAI THƯƠNG

Thấy ân tình của học trò cũ

Muốn trở thành người như thầy cô, muốn tìm niềm vui khi giúp trẻ thay đổi, tiến bộ, muốn là người truyền cảm hứng mạnh mẽ như thầy của mình... Đó là những lý do các bạn trẻ đã không băn khoăn khi gạt bỏ cơ hội vàng vào những trường ĐH danh tiếng để học sư phạm.

Phương Uyên kể: "Bố tôi cũng là giáo viên, dù không còn dạy nữa nhưng những ngày 20-11 vẫn có học sinh tới thăm. Những học trò cũ của bố giờ đều trưởng thành, thành đạt. Họ quay lại vì vẫn nhớ thầy giáo cũ, vì những kỷ niệm đẹp đẽ. Chứng kiến điều đó, tôi đã nghĩ liệu nghề nào có được những giá trị tinh thần như thế? 

Khi tôi định chọn học ngoại thương, thú thật là tôi đã suy nghĩ hơi thực tế, muốn mình có cơ hội làm ra tiền. Nhưng tôi lại nghĩ nhiều tiền có thể cũng không hạnh phúc nếu mình không thực sự yêu công việc của mình và gắn bó với nó cả đời".

Khác nhiều bạn không được sự ủng hộ của cha mẹ trong lựa chọn ngành sư phạm, Phương Uyên lại có sự đồng hành của bố ngay từ ngày đầu. 

"Thời điểm chưa quyết định, bố tôi đã đến trường sư phạm, dự tiết học ở giảng đường và quay video lại. Ông cũng quay cảnh sinh viên sư phạm, khuôn viên nhà trường và gửi cho tôi. Ông nói đây là ngôi trường con nên học. Lời khuyên của bố cho tôi thêm sức mạnh, còn trong lòng tôi thì đã chọn nghề dạy học rồi" - Uyên nói.

Điểm chung của các bạn Uyên, Ngân, Độ, Châu và Khương là đều có thầy cô để lại tình cảm sâu sắc. Không chỉ là kỷ niệm của sự chia sẻ, giúp đỡ thầm lặng, những thầy cô trong trí nhớ các em đều là những người truyền cảm hứng, là "người bạn lớn thân thiện, sâu sắc", là "người đã ở bên em khi em suy sụp, chán nản nhất".

Tuy vậy, để chọn sư phạm, những sinh viên này cũng tìm hiểu, tự phản biện lại ước mơ của mình, cũng đặt ra rất nhiều tình huống khó khăn khi chọn nghề dạy học. Nhưng niềm khát khao trở thành giáo viên như thầy cô của mình đã giúp các em chiến thắng.

"Tôi đọc báo, biết giáo viên thời nay rất áp lực, vất vả. Nhà giáo phải hi sinh nhiều thứ, như không được ăn diện thoải mái, nói năng phải chuẩn mực. Người khác có thể làm sai và được tha thứ, nhưng giáo viên có thể sẽ không được như vậy. Nhưng tôi nghĩ khi đã yêu nghề thì sẽ đủ sức vượt qua khó khăn, bỏ qua những niềm vui nhỏ thường ngày. 

Tôi yêu trẻ con và tôi nghĩ thách thức của nghề đối với người trẻ có thể lại là động lực, tạo nên năng lượng say mê. Dĩ nhiên, vì là người trẻ nên tôi cũng nghĩ hình mẫu giáo viên tương lai có thể thay đổi so với trước đây. Sẽ không phải là những ông bà giáo nghiêm khắc, khô khan với học sinh mà gần gũi, thân thiện hơn, để các em mở lòng, chia sẻ. Tôi muốn trở thành người như thế" - Phương Uyên tâm sự.

"Mọi thứ vẫn đang chờ mình ở phía trước. Tuy nhiên, đến thời điểm này mình có thể khẳng định là mình đã lựa chọn đúng" - giống như các sinh viên ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, A Khương cũng khẳng định điều này.

Nói về cảm xúc lần đầu được gọi là cô giáo, Phương Uyên kể lại: "Đó là dịp 20-11, một phụ huynh có con được tôi dạy kèm đã gửi lời chúc. Tôi cảm thấy mình lâng lâng niềm vui sướng, hạnh phúc. Đó là giây phút tôi thấy mình lớn hơn, trưởng thành hơn một chút và tự thấy mình phải cố gắng hơn để xứng đáng".

Tín hiệu đáng mừng

Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn, phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, những năm gần đây, nhiều học sinh lớp chuyên và nhiều học sinh giỏi đã chọn nghề sư phạm cho thấy các bạn đã có cái nhìn tích cực về nghề giáo.

Cụ thể, những ngành tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM liên tiếp 3 năm qua có điểm chuẩn từ 24, 25 điểm như sư phạm toán, sư phạm tiếng Anh, sư phạm hóa, sư phạm ngữ văn, sư phạm vật lý...

Đây là tín hiệu đáng mừng, những tân sinh viên có nội lực, định hướng nghề nghiệp rõ ràng, có xúc cảm tích cực về nghề giáo sẽ là cơ sở vững chắc đưa các em vào nghề bằng đam mê và khát vọng cống hiến. Đó là dấu ấn cần nhìn nhận về nghề giáo của thế hệ hôm nay.

Hiện Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đang thực hiện dạy cho tân sinh viên học phần nhập môn nghề giáo nhằm cung cấp thông tin nghề giáo thế nào, ra sao, cần gì, thách thức và cơ hội cụ thể... Qua đó, mỗi tân sinh viên có thể định hướng nghề, tự đánh giá, điều chỉnh bản thân, lên kế hoạch rèn luyện nghiêm túc để vào nghề.

____________________________________________

Kỳ tới: Tìm "chìa khóa vàng" cho nghề

"Giáo viên không biết chế tạo được một sản phẩm từ kiến thức chuyên môn của mình thì sẽ khó có thể dạy cho học sinh".

Yêu nghề dạy học - Kỳ 4: Yêu nghề dạy học - Kỳ 4: 'Cha, mẹ' của trò khuyết tật

TTO - "Tôi chỉ có một mong muốn là khi các con bước ra cuộc sống, có thể tạo ra những sản phẩm mà người khác thích và mua để sở hữu nó chứ không mua vì mục đích nhân đạo..."


HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên