05/10/2023 19:08 GMT+7

Yêu cầu nhà trường dừng ngay việc lục cặp, soát người học sinh

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk khẳng định mục đích bảo đảm an toàn là đúng, nhưng việc nhà trường lục cặp, soát người học sinh không ngăn được bạo lực học đường.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk chỉ đạo và trường xác nhận sẽ dừng việc lục cặp, soát người học sinh - Ảnh: THẾ THẾ

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk chỉ đạo và trường xác nhận sẽ dừng việc lục cặp, soát người học sinh - Ảnh: THẾ THẾ

Chiều 5-10, ông Đỗ Tường Hiệp - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk - cho biết đã yêu cầu Trường THCS - THPT Đông Du (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) để chấn chỉnh, yêu cầu dừng ngay vì thực tế không ngăn được bạo lực học đường.

Yêu cầu dừng ngay việc lục cặp, soát người học sinh tại trường trung học ở Đắk Lắk

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hiệp nói: Theo điều lệ các trường THPT (thông tư 32 ngày 15-9-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) kể cả công lập, tư thục thì học sinh phải được quyền bình đẳng về hưởng thụ giáo dục toàn diện.

Không ngăn được bạo lực học đường bằng cách soát người học sinh

* Ông đánh giá như thế nào về việc trường THCS - THPT nói để đảm bảo an toàn cho học sinh nên lục cặp, soát người mọi học sinh vào mỗi sáng?

- Theo thông tư 32, học sinh được đảm bảo cơ sở vật chất, trong điều kiện an toàn để học tập, tu rèn đạo đức; các em được tôn trọng, đối xử công bằng, dân chủ. Đến trường để học tập thu nhận tri thức, hình thành tính cách…

Về nghĩa vụ, học sinh phải đối xử đúng mực, tôn trọng và lễ phép với thầy cô giáo. Các em cũng bị cấm đưa vũ khí, rượu bia và cấm cả việc đeo trang sức đắt tiền vào trường để tránh gây phân biệt đối xử.

Đầu các năm học, sở đã có nhiều hướng dẫn, chỉ đạo đối với các trường về tăng cường nề nếp, kỷ cương, tạo môi trường học đường an toàn, chú trọng chống bạo lực học đường, tai nạn thương tích, đuối nước…

Trong bối cảnh mà bạo lực học đường đang diễn biến phức tạp trên toàn quốc, nhà trường cần có những biện pháp để đảm bảo an toàn cho học sinh. Vậy nên, mục đích của Trường THCS - THPT Đông Du là tốt nhưng cách tiếp cận chưa đúng.

Nếu như thầy cô, nhà trường nghi ngờ một em nào đó nên mời lên hội trường để nhắc nhở, cho các em tự giao nộp, sửa chữa.

Cái quan trọng của nhà trường là phải giáo dục để học sinh tự giác.

Đặc biệt phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử lành mạnh, an toàn và quy định nội quy của nhà trường phải rõ ràng đến từng học sinh và cả phụ huynh để phối hợp trong việc giáo dục.

Cha mẹ, thầy cô cùng ngăn bạo lực học đường

Ông Đỗ Tường Hiệp - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk - nói về giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường mà không phải lục cặp, soát người học sinh - Ảnh: THẾ THẾ

Ông Đỗ Tường Hiệp - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk - nói về giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường mà không phải lục cặp, soát người học sinh - Ảnh: THẾ THẾ

* Theo ông, quy định pháp luật về nhân thân, về giáo dục có cho phép nhà trường kiểm tra cặp, soát người học sinh?

- Không có quy định nào cho phép việc thầy, nhà trường kiểm tra cặp, soát người học sinh như vậy. Điều này còn bị cấm. Việc trường lục lọi, kiểm soát từng học sinh sẽ tạo ra tâm lý không tốt cho các em, đã được chấn chỉnh.

Đây cũng là bài học ở trường này và ở nhiều trường khác trong việc hướng đến một nền giáo dục an toàn, thân thiện để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, một ngày hạnh phúc.

Việc đảm bảo an toàn cho học sinh nhưng phải thực hiện đúng luật, đúng điều lệ và đảm bảo quyền lợi, phù hợp với tâm lý lứa tuổi của các em.

* Như ông nói, bạo lực học đường, thuốc lá điện tử… đang là nỗi ám ảnh ở nhiều trường học. Phải làm gì để ngăn chặn những tệ nạn này cả trong và ngoài nhà trường?

Việc giáo dục trong nhà trường cần có những giải pháp chung như tăng cường nề nếp, đảm bảo an toàn cho học sinh. Đẩy mạnh xây dựng văn hóa, nhà trường hạnh phúc.

Văn hóa nhà trường là một trong những trụ cột của quốc gia nhưng cũng là bệ đỡ của nhà trường để phát triển. Văn hóa nhà trường lại có hai mảng là về vật chất như sân bóng, công viên, cây xanh, bảng nội quy. Mảng thứ hai - mảng chìm - đó là truyền thống của nhà trường.

Phải làm sao để tạo cảm hứng cho học sinh về bề dày truyền thống ở ngôi trường thân yêu của mình. Thầy cô giáo, nhà trường phải là người nắm bắt tâm tư, suy nghĩ của từng học sinh để có cách giáo dục phù hợp cho từng cá nhân.

Đặc biệt nhà trường phải có mối liên hệ mật thiết với phụ huynh. Không phải chúng ta đón các em ở cổng trường rồi sử dụng các biện pháp hành chính như ở Trường THCS - THPT Đông Du là ngăn chặn được bạo lực học đường.

Nếu tạo ra được các môi trường trải nghiệm và thu hút đông đảo học sinh tham gia, nhà trường sẽ hạn chế tối đa những tiêu cực ở học đường.

Mỗi ngày đến trường của học sinh là một ngày vui. Học sinh được chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, được hạnh phúc tiếp nhận tri thức và phát triển nhân cách.

Trường hứa sẽ đổi phương pháp phù hợp

Chiều cùng ngày, ông Lê Ngọc Sơn - hiệu trưởng Trường THCS - THPT Đông Du - chủ động gọi điện thoại cho phóng viên thông báo đã đọc bài viết trên Tuổi Trẻ và hứa sẽ dừng việc lục cặp, soát người học sinh.

"Hiện chưa có giải pháp cụ thể để thay thế việc soát người học sinh. Tuy nhiên bài báo cũng giúp nhà trường nhận ra những việc làm chưa đúng, phản giáo dục. Tới đây trường sẽ họp với phụ huynh và cùng bàn giải pháp tốt hơn", ông Sơn nói.

Thăm dò ý kiến

Một trường cấp 2-3 lục cặp, soát người học sinh mỗi ngày mới cho vào lớp, với lý do ‘để bảo vệ học sinh'. Theo bạn việc này:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Trường lục cặp, soát người học sinh mỗi ngày: Phụ huynh bức xúc, trường nói bình thườngTrường lục cặp, soát người học sinh mỗi ngày: Phụ huynh bức xúc, trường nói bình thường

Trường cấp 2-3 lục cặp, soát người học sinh mỗi ngày mới cho vào lớp khiến phụ huynh bức xúc. Hiệu trưởng khẳng định 'đây là cách riêng của trường để bảo vệ học sinh'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên