10/02/2021 12:08 GMT+7

Yêu cầu chủ đầu tư điện năng lượng tái tạo tiết giảm công suất dịp Tết

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Ngay sau công văn hỏa tốc của Bộ Công thương về bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện trong dịp Tết, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã yêu cầu các chủ đầu tư chấp hành nghiêm lệnh điều độ, tiết giảm công suất phát.

Yêu cầu chủ đầu tư điện năng lượng tái tạo tiết giảm công suất dịp Tết - Ảnh 1.

Các nhà máy điện mặt trời, kể cả mặt trời mái nhà công suất lớn, phải cắt giảm công suất trong dịp Tết để đảm bảo an toàn hệ thống điện - Ảnh: NGỌC HIỂN

Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) vừa có công văn yêu cầu các chủ đầu tư, các đơn vị phát điện chấp hành nghiêm lệnh điều độ, tiết giảm công suất nhà máy điện khi thừa nguồn hoặc quá tải lưới.

Cụ thể, A0 cho biết công suất phụ tải (tổng công suất tiêu thụ của các thiết bị điện trong một thời điểm) toàn quốc trong kỳ nghỉ Tết Tân Sửu có thể giảm xuống 13.000 - 14.000 MW, trong khi tổng công suất lắp đặt điện từ nguồn năng lượng tái tạo đã lên đến 21.600 MW. Riêng nguồn điện mặt trời đã có công suất lắp đặt là 16.000 MW.

Trong dịp Tết, A0 bắt buộc phải duy trì vận hành theo cấu hình tối thiểu một số tổ máy thủy điện, nhiệt điện than, tuôcbin khí nhằm đảm bảo về mặt kỹ thuật tối thiểu duy trì ổn định hệ thống điện, đáp ứng phụ tải lúc cao điểm 18h những ngày Tết khi 16.000 MW điện mặt trời không thể huy động. 

Do phụ tải xuống thấp, các nguồn điện truyền thống đã giảm phát tới giới hạn tối thiểu về mặt kỹ thuật mà tổng công suất phát vẫn vượt nhu cầu tiêu thụ nên A0 cho rằng việc tiết giảm từ các nguồn, trong đó có nguồn năng lượng tái tạo là yêu cầu bắt buộc.

Theo A0, việc tiết giảm các nguồn điện này trong dịp Tết là không thể tránh khỏi và yêu cầu các chủ đầu tư chấp hành nghiêm lệnh điều độ, tiết giảm công suất.

Trước đó, Bộ Công thương đã có công văn hỏa tốc, yêu cầu A0 bên cạnh việc dự báo và tính toán đảm bảo cân bằng giữa công suất phát và phụ tải tiêu thụ cần thực hiện khẩn trương việc điều tiết giảm công suất phát các nguồn điện theo đúng quy định trong trường hợp có nguy cơ công suất phát điện lên hệ thống vượt quá công suất phụ tải, đảm bảo vận hành an toàn, không xảy ra sự cố.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online vào ngày 10-2, ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) - cho biết EVNHCM đã yêu cầu các công ty điện lực thành viên thực hiện nghiêm, rà soát tất cả khách hàng điện mặt trời mái nhà có công suất lắp đặt từ 100 kWp trở lên, có trạm biến áp riêng (bán điện dư hoặc bán toàn bộ sản lượng) để đề nghị khách hàng thực hiện tiết giảm công suất phát hệ thống điện mặt trời mái nhà nhằm bảo đảm hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, ổn định.

Tương tự, Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) cũng cho biết đơn vị này đã có văn bản yêu cầu các công ty điện lực thành viên phải thực hiện theo lệnh điều độ, giảm nhận công suất khách hàng. 

Trong từng giờ, các đơn vị vận động khách hàng giảm được chỉ tiêu công suất EVN SPC giao. Riêng trong ngày 8-2, EVN SPC phải cắt giảm 290 MW điện từ năng lượng tái tạo, trong đó các tỉnh phải cắt giảm nhiều là Long An, Đồng Nai, Ninh Thuận...

Đại diện một chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà cũng cho biết doanh nghiệp đã chấp hành cắt giảm 80% công suất hệ thống nối lưới dưới 1 MW trong suốt quãng thời gian Tết này do phụ tải xuống thấp, số tiền bán điện mà chủ đầu tư này "bay" trong nửa tháng Tết là khoảng 100 triệu đồng. 

Theo vị này, hiện nay các chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà phải cắt biến tầng hòa lưới thủ công, không thể cắt tự động.

Đừng để Đừng để 'ôm nợ', ai nên đầu tư điện mặt trời?

TTO - Sau khi chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (quyết định 13) hết hiệu lực từ 31-12-2020, nhiều người lo nếu giá mua điện mặt trời giảm xuống, việc đầu tư điện mặt trời mái nhà có còn hiệu quả và ai nên đầu tư?

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên