10/04/2019 05:38 GMT+7

Xuất ngoại lúc hoàng hôn sự nghiệp

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Sự việc một số cán bộ Thanh tra Chính phủ được bố trí đi nước ngoài "học tập kinh nghiệm" trước thời điểm nhận sổ hưu không phải là cá biệt.

Nếu rà soát, tình trạng ấy xảy ra ở không ít bộ, ngành, địa phương và cũng không chỉ là chuyện đi nước ngoài. Đến mức vào cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước, đại biểu Lê Như Tiến phải khái quát bằng một khái niệm: "hoàng hôn nhiệm kỳ".

Sau mấy chục năm "cống hiến", đến thời điểm "hoàng hôn nhiệm kỳ", người ta thường có nhiều cảm xúc. Có những trường hợp chức cao, ghế to thì chưa xa đã nhớ nên rơi vào cảm xúc lưu luyến sớm, nghĩ ngợi nhiều đến người thân, cánh hẩu của mình nên vội ký (có khi là ký hàng loạt) các quyết định thăng chức, bổ nhiệm, đề bạt, quy hoạch.

"Khủng" hơn là ký vội các dự án, trong đó chứa các nội dung "béo bở". Đó là một dạng thức mà ông Tiến gọi là "chuyến tàu vét".

Thế còn nhẹ nhàng hơn, với những cán bộ, công chức không có quyền cao chức trọng thì có thể được "bố trí" một số chuyến công tác, học tập nước ngoài kết hợp nghỉ ngơi, du lịch.

Xét về tình cảm, việc đưa cán bộ sắp hưu trí đi nước ngoài với mục đích "tri ân" không phải là không thể thông cảm. Thậm chí với những trường hợp có nhiều cống hiến, hi sinh cho sự nghiệp công vụ, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cơ quan thì tri ân một chuyến đi du lịch nước ngoài cũng xứng đáng.

So chiếu với các quy định hiện hành, một cán bộ, công chức đã được thông báo thời điểm nghỉ hưu (trước 6 tháng, 1 năm) thì họ vẫn công tác bình thường với đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của một cán bộ, công chức. Như vậy, quyết định cho cán bộ, công chức sắp nghỉ hưu tham gia các đoàn công tác nước ngoài là không sai.

Nhưng vấn đề ở đây là các chuyến công du của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tiền ngân sách và dĩ nhiên là ngân sách không có mục chi cho các chuyến công tác kết hợp "tri ân". Những chuyến công tác nước ngoài vào thời điểm "hoàng hôn" sự nghiệp như vậy cũng thường gây ra dư luận về sự nhập nhèm, mờ ảo.

Đặc biệt là khi đặt nó trong tổng thể về hiệu quả của các cuộc ra nước ngoài giao lưu, trao đổi kinh nghiệm của các đoàn VN. Ví dụ có chuyên gia nước ngoài tỏ vẻ ngạc nhiên, không hiểu vì sao các đoàn đến gặp họ thường nêu lặp đi lặp lại một vài câu hỏi trong khi khoảng cách thời gian giữa các đoàn đi trao đổi, học tập lại gần nhau. Có nghĩa hay xảy ra trường hợp nhiều đoàn VN đi trao đổi, học tập cùng một vấn đề, nhưng đoàn đi sau và đoàn đi trước gần như không có liên hệ gì với nhau.

Từ các phân tích trên, thiết nghĩ những người làm luật pháp và chính sách cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các quy định. Ví dụ, để loại bỏ sự lạm dụng các "chuyến tàu vét" thì có thể quy định cấm lãnh đạo ký các quyết định bổ nhiệm trong vòng một năm trước thời điểm nghỉ hưu; cán bộ, công chức trước khi nghỉ hưu một năm không được đi nước ngoài học tập...

Đồng thời quy định rõ các hình thức tôn vinh, tri ân đối với những cán bộ, công chức có nhiều đóng góp trước khi họ nhận sổ hưu. 

Có như vậy mới vừa tránh được việc nhập nhèm lạm dụng quy định, cũng tránh mang tiếng cho những người xứng đáng.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên